Đà Nẵng cuối tuần

Với họ, Tết không chỉ có hương…

07:58, 05/02/2017 (GMT+7)

Với người mù hay người khiếm thị, ngày cũng là đêm, hoa xuân không có sắc, bánh Tết chỉ có hương…, song, ông trời không lấy đi của ai tất cả: mắt có thể không nhìn thấy nhưng bù lại họ có một nghị lực sống, tình yêu cuộc đời cháy bỏng, phi thường! Họ cảm nhận ngày xuân đang đến trong ngập tràn hy vọng, yêu thương với những giác quan còn lại...

Hai mẹ con chị Hải du xuân.(Ảnh: nhân vật cung cấp)
Hai mẹ con chị Hải du xuân.(Ảnh: nhân vật cung cấp)

Tất bật đón Tết

Từ mùng 10 tháng Chạp cho đến cận Tết, ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, cô Hồng Nhung (59 tuổi, trú đường Trần Tống, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) rong ruổi khắp các chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đầu Mối, chợ Cồn… để bán bao lì xì.

Vừa đon đả giới thiệu mẫu mã, giá cả các loại bao lì xì đỏ thắm, cô Nhung vui vẻ cho hay, ngày bán được, cô kiếm được chừng 100.000 -150.000 đồng. Hỏi không nhìn thấy đường làm sao cô phân biệt được các loại rành rõ như thế, cô chỉ cười hiền: “Biết hết con, chỉ cần sờ là biết”… Với người khiếm thị, mắt không nhìn thấy đường, nhưng bù lại, các giác quan còn lại của họ tinh nhạy vô cùng.

Nhưng không thể bán bao lì xì quanh năm, ra Giêng cô Nhung sẽ đi bán vé số, từ tháng 3, tháng 4, cô lại tất bật với giỏ hàng bán dạo với đầy đủ các vật dụng như tăm, đồ rửa chén bát, bấm móng tay, móc chìa khóa…

Những công việc thời vụ tuần hoàn suốt mấy chục năm nay của cô Nhung đã giúp cô cùng chồng (cũng là người khiếm thị) nuôi hai đứa con khôn lớn: Cô gái lớn đã tốt nghiệp cao đẳng kinh tế nay đã có gia đình riêng, cô con gái út vừa học xong trung cấp du lịch. Dạo này, chồng cô đau ốm, bệnh tật luôn nên cô Nhung phải đi bán một mình.

“Cũng may là các con đã khôn lớn nên vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả phần nào”. Sau những tỉ tê về cuộc sống gần 60 năm trong bóng tối, cô Nhung thổ lộ, công việc bán dạo hiện tại một mặt để kiếm thêm thu nhập trang trải Tết, một mặt vì “đôi chân cứ muốn đi”, nhất là những ngày cận Tết, cô càng muốn gắn bó với các chợ, các cung đường nhộn nhịp trên khắp thành phố để cảm nhận không khí rộn ràng, tất bật đón xuân xung quanh. Dù khá bận rộn, song từ 25 Tết cô Nhung sẽ tranh thủ thời gian cùng các con dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sắm sửa để đón Tết.

“Làm chi thì làm tết nhất nhà cửa phải tươm tất, đủ đầy chút con à”. Trò chuyện với người phụ nữ bị mù bẩm sinh này, có thể dễ dàng cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời với nụ cười tỏa rạng, thần thái nhanh nhẹn, hoạt bát…

May mắn hơn cô Hồng Nhung, vợ chồng chị Lệ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chỉ có chị mù còn anh Phương - chồng chị bị dị tật bẩm sinh ở chân còn mắt sáng, nên hai vợ chồng có thể gắn bó, nương tựa nhau vượt qua những trắc trở của cuộc sống hơn 15 năm nay.

Dù chăm chú làm ăn, song gia đình chị Lệ vẫn thuộc diện hộ nghèo bậc nhất của phường Thọ Quang này. 3 đứa con nhỏ chính là “tài sản lớn nhất” của họ. Để có cái Tết như mọi người, năm nào chị Lệ cũng cật lực làm việc đến 27, 28 tháng Chạp.

Công việc của chị khá ổn định tại một tiệm massage của người mù trên địa bàn gần 10 năm nay, nhưng giờ giấc thì quá vất vả, hầu như ngày nào chị cũng phải rời nhà lúc 7 giờ sáng và về tới khi đã 12 giờ đêm – khi tiệm không còn khách. Dù vậy, chị Lệ luôn thấy mình may mắn vì có thể tự lao động, độc lập lo cuộc sống riêng. Năm mới này chị chỉ mong cả gia đình khỏe mạnh, cuộc sống an yên như nó đã từng.

Cô Nhung bán bao lì xì ở chợ Cồn những ngày giáp Tết. Ảnh: T.T
Cô Nhung bán bao lì xì ở chợ Cồn những ngày giáp Tết. Ảnh: T.T

Một mùa xuân đầy hy vọng đang về…

Thoạt nhìn chị Lưu Thị Thu Hải (32 tuổi) – chủ tiệm massage M. H (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê), không ai nghĩ chị là người khiếm thị. Năm chị Hải học lớp 6, căn bệnh viêm màng bồ đào quái ác khiến đôi mắt chị mờ dần rồi mù vĩnh viễn. Khác với những người bị mù bẩm sinh khác, chị Hải có ý niệm rất rõ về không gian và thời gian, vì vậy khi tất cả chỉ còn là bóng tối đặc quánh, chị Hải đã hoang mang, sống thu mình thời gian khá dài.

Sau qua nhiều kênh thông tin, chị dần nhận ra có rất nhiều người kém may mắn như mình, thậm chí kém may mắn hơn mình nhiều nhưng vẫn sống vui, sống có ích. Đặc biệt, khi trở thành hội viên Hội Người mù thành phố, chị Hải đã trút bỏ hoàn toàn lớp vỏ ốc chị tự tạo bấy lâu.

Duyên phận đưa chị gặp người đàn ông cùng chung số phận cách đây 10 năm, rồi thành chồng thành vợ. Qua lời khuyên của người thân, họ mạnh dạn mở tiệm massage người mù, lúc đầu chỉ một cơ sở hiện tại ở số 434 Trần Cao Vân, sau mở thêm cơ sở 2 tại nhà riêng ở số 10 đường Tiên Sơn 7 (quận Hải Châu). Hiện 2 cơ sở massage của vợ chồng chị Hải không chỉ đem lại thu nhập khá cho gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm cho 12 người khiếm thị trên địa bàn, với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/ tháng.

Mắt không nhìn rõ, lại khá bận rộn với việc quản lý 2 cơ sở massage, nhưng năm nào chị Hải cũng tự tay chuẩn bị các món “truyền thống” để ăn Tết như thịt heo ngâm mắm, dưa món, mứt gừng… Đêm giao thừa cả nhà vợ chồng con cái sẽ quây quần đón thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, sáng mùng một Tết đi thăm bà con nội ngoại, mùng hai đi dạo phố, mùng ba thì đi chơi xa…

“Sướng hay khổ, bất hạnh hay may mắn tùy thuộc vào cách nghĩ của mỗi người, bản thân tôi luôn tự thấy mình may mắn hơn rất nhiều người…”, chị Hải đưa mắt nhìn xa xa, miệng cười tươi tắn.

Ngoài cửa, một mùa xuân đầy hy vọng đang về…

THANH TÂN

.