Đà Nẵng cuối tuần

Giữ cho con dòng sữa mẹ

14:33, 19/03/2017 (GMT+7)

Bằng tình yêu thương vô bờ bến, không ít người mẹ sẵn sàng hy sinh sắc đẹp, cân nặng, công việc, sở thích cá nhân để toàn tâm toàn ý chăm sóc những đứa con của mình.

Từ những đứa trẻ sinh ra thiếu tháng, bằng tình yêu thương và cố gắng, Huyền Trang đã mang đến cho con mình những điều tốt đẹp nhất.Ảnh: H.N
Từ những đứa trẻ sinh ra thiếu tháng, bằng tình yêu thương và cố gắng, Huyền Trang đã mang đến cho con mình những điều tốt đẹp nhất.Ảnh: H.N

Phép màu của yêu thương

Đối với Nguyễn Thị Huyền Trang (1989), phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, hành trình làm mẹ của cô đong đầy nước mắt lẫn niềm vui khi nhìn thấy hai con lớn lên từng ngày. Chẳng bao lâu sau ngày lên xe hoa về nhà chồng, Trang “có tin vui” rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi biết trong cơ thể mình có hai túi thai đang nên dáng, nên hình. Nhưng niềm vui vừa chớm cũng là lúc những cơn ốm nghén lần lượt tìm đến, vắt kiệt sức khỏe người mẹ trẻ. Cô ăn rất ít, “chỉ biết nhai nuốt để con có chất dinh dưỡng còn mình chẳng biết ngon là gì”.

Thai 32 tuần, cô phải lên bàn mổ. Sau khoảng thời gian vật lộn với “tử thần”, hai đứa trẻ được chuyển ngay vào lồng kính với sự chăm sóc đặc biệt từ đội ngũ y, bác sĩ. Trang kể lại, khi kéo băng ca ra khỏi phòng mổ, cô đã bật khóc khi nhìn thấy những đứa trẻ khác được ấp yêu trong vòng tay mẹ, còn hai đứa con bé bỏng của mình được bao bọc bởi dây nhợ quanh người. Y tá giúp cô nặn những giọt sữa non đầu tiên. Không hề có.

Những ngày tiếp theo, cô ngất lên ngất xuống vì kiệt sức, vì thất vọng khi “chưa thấy sữa về”. Đến bây giờ, Trang vẫn nhớ như in lời bác sĩ khi ấy: “Dạ dày bé giờ chưa bằng quả nho, nên mẹ chỉ cần có chút sữa, nhấm lên môi em là đủ rồi”.

Rồi chồng Trang mang về một chiếc máy vắt sữa, thật may mắn, lượng sữa vắt ra tăng từ 40ml, 60ml rồi 100ml. Ngày ngày, bác sĩ chỉ cần đong lượng sữa, bơm xi-lanh vào thẳng thực quản thông qua ống thông cho hai bé. Ngày đầu tiên được gặp con, chị đã nấc lên vì “các con đỏ hỏn, trơ xương, không cảm xúc. Con không biết bú, chỉ ngủ ngày qua ngày. Thêm nữa, con bị vàng da bệnh lý và thân nhiệt không ổn định, lúc 35 độ, lúc lên tới 41 độ, nằm chiếu đèn mà bỏng hết cả da, quặn khóc co rúm mà đau xót vô cùng”.

Hai đứa trẻ được về nhà sau hơn 1 tháng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, lòng Trang rối bời vì con quá non nớt, hết đứa này đến đứa kia bú, cặp nhiệt độ liên tục, theo dõi sát sao màu da của con, mẹ làm mọi cách mà con vẫn không đủ sữa. Không bỏ cuộc với niềm tin mãnh liệt rằng đã sinh con là phải đủ sữa, Trang bắt đầu tìm hiểu sách báo, diễn đàn nuôi con bằng sữa mẹ và đúc rút kinh nghiệm, tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu như áp dụng nguyên tắc cung cầu và phản xạ có điều kiện của não như con bú nhiều/máy vắt nhiều, ăn uống đủ chất, 3-4 giờ/lần vắt, đặc biệt là nguyên tắc vắt/bú cạn. Và Trang cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình trong suốt quá trình nuôi con.

Theo cô, sau khi cho con bú trực tiếp, Trang kiên nhẫn ngồi vắt hết sữa trong bầu vú trong khoảng thời gian 10-15 phút để kích thích cho não tái tạo lại nguồn sữa mới chất lượng hơn. Bên cạnh đó, cần hạn chế sữa cặn vón cục và làm tắc tuyến sữa bởi mỗi lần tắc thì lượng sữa sẽ giảm rất mạnh…

Sự hy sinh và cố gắng của người mẹ trẻ đã được đền đáp. Mỗi ngày, Trang vắt hơn 2 lít sữa, hoàn thành mục tiêu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Con tăng trưởng, vượt qua cân nặng và chiều cao trung bình. Trong niềm hạnh phúc của người mẹ, cô nói: “Thực ra chẳng có phép màu nào bằng tình yêu thương. Cha mẹ thương cô, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ để cô toàn tâm toàn ý làm “nhà máy sản xuất sữa” hiệu quả. Tôi đã đổi hết, đổi cả tự do, cả những cuộc vui, căn chỉnh giờ giấc vắt sữa chính xác để con có sữa ấm kịp thời”.

Những đứa trẻ may mắn

Được cho con bú là niềm hạnh phúc đối với bất kỳ bà mẹ nào, song thật không may khi có những người mẹ vì gặp phải một số căn bệnh mà không thể có được niềm vui ấy.

Sinh con thiếu tháng, nhẹ cân (2,2kg) do tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị bệnh cường giáp trong suốt thời gian mang thai, chị Mai (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được bác sĩ chỉ định không nên cho con bú trong thời gian điều trị nhằm tránh cho con lây bệnh từ mẹ. Chị nói rằng, không nỗi đau nào hơn khi hằng ngày nhìn con khóc vì đói sữa trong khi mình phải vắt sữa bỏ đi. Chị Mai và con nằm ở hai khu điều trị khác nhau trong Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Những ngày ấy, con gái của chị được các bác sĩ, hộ lý đi xin sữa từ các mẹ khác trong bệnh viện để đảm bảo nguồn sữa mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Gần một tháng nay, tâm trạng chị Mai vui hơn khi biết Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) vừa đi vào hoạt động và con gái chị đang được thụ hưởng những nguồn sữa quý giá này.

TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, khi chưa có NHSM, việc thiếu sữa cho những em bé sinh non, mang bệnh lý về đường ruột, nhiễm trùng là nỗi lo lắng của cả khoa Nhi sơ sinh. Với những trẻ không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên, nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với những đứa trẻ thông thường. Do đó, khi các em đang vật lộn từng ngày giữa ranh giới còn, mất, thì sữa mẹ trở thành “báu vật” mang lại sự hồi sinh cho các bé.

Sau hơn 20 ngày NHSM đi vào hoạt động, đã có hàng chục mẹ tham gia hiến tặng sữa. Việc hiến sữa có thể thực hiện ngay tại ngân hàng, hoặc hướng dẫn cho các mẹ vắt tại nhà rồi lưu trong bình sữa của bệnh viện, sau đó đưa về bảo quản tại NHSM. Phần lớn sữa hiến tặng sẽ dành cho những bà mẹ vì lý do đặc biệt chưa đủ sữa cho con mình, hoặc được bác sĩ chỉ định không thể cho con bú. Trẻ nhận sữa mẹ hiến tặng là trẻ sinh non (<32 tuần) bệnh lý, trẻ sơ sinh bệnh lý nặng, trẻ sơ sinh non tháng hoặc nhẹ cân không bệnh lý, trẻ sơ sinh đủ tháng con của người đã từng hiến sữa, sơ sinh đủ tháng không bệnh lý, trẻ dưới 6 tháng có bệnh lý đặc biệt như ung thư, suy giảm miễn dịch, bệnh tim, bệnh tiêu hóa... Theo bác sĩ Hoàng, đến nay, NHSM đã thu nhận khoảng 50 lít sữa và có 45 em bé được nhận nguồn sữa quý này.

Được biết, mỗi năm, tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng có từ 13.000-15.000 đứa trẻ chào đời và gần 30% trong số đó là trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao. Do đó, việc xuất hiện NHSM và được các mẹ nhiệt tình gửi tặng sữa sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh lý cho khoảng 3.000 - 4.000 đứa trẻ mỗi năm, điều này chắc chắn mang lại hy vọng và niềm hạnh phúc vô bờ bến cho những người mẹ đã, đang còn lo lắng về nguồn sữa cho con yêu của mình.

TIỂU YẾN

.