Đà Nẵng cuối tuần

Hành trình không đơn độc

15:11, 05/03/2017 (GMT+7)

Thanh niên ngày nay không đơn độc trên con đường khởi nghiệp. Họ nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và các doanh nhân thành đạt luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn về ý tưởng, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cũng như phương pháp để khởi nghiệp thành công, hoặc biết dừng lại đúng lúc.

Nhiều thanh niên Đà Nẵng được tham dự các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh. Ảnh: T.Y
Nhiều thanh niên Đà Nẵng được tham dự các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh. Ảnh: T.Y

Cần giữ lửa đam mê

Tại buổi giao lưu “Doanh nhân với thanh niên, sinh viên (SV) khởi nghiệp và lập nghiệp” cuối năm 2016 diễn ra tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, khi chia sẻ ý tưởng mở cửa hàng buôn bán thực phẩm sạch có nguồn gốc từ Quảng Nam, Đà Nẵng, bạn Nguyễn Thị T.H, khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết điều bạn lo lắng nhất là làm sao tìm được một nhóm làm việc ưng ý, giữ được niềm đam mê và vững tâm trước môi trường cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt như hiện nay.

H. chia sẻ: “Tôi từng sử dụng mạng xã hội để bán dầu phộng quê, các loại đậu, mè, bánh đặc sản miền Trung nhưng hoàn toàn thất bại vì chỉ bán được cho người quen mà không biết cách mở rộng thị trường. Mất nhiều thời gian cho việc giao hàng đến tay người tiêu dùng mà lời lãi chẳng thấm vào đâu nên tôi quyết định nghỉ. Với tôi, cái khó hiện nay là làm sao khơi lại ngọn lửa đam mê lần nữa, và kiên định hơn trước khó khăn, thử thách”.

Trả lời câu hỏi trên, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, nếu sản phẩm doanh nghiệp làm ra chỉ để bán cho người quen thì thất bại là điều tất yếu. Do đó, điều H. cần làm trước khi kinh doanh là hệ thống lại sản phẩm, học cách tiếp thị, chăm sóc khách hàng, chọn nguồn hàng bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc để tự tin nói với mọi người rằng “đây là sản phẩm sạch do người nông dân làm ra”. Nếu làm được điều đó, thì “những người quen” sẽ trở thành kênh phân phối và giới thiệu sản phẩm đến tay người khác. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, khi khởi nghiệp, bạn trẻ cần kiên trì trong thời gian chờ thị trường chấp nhận, không nên nóng vội và dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Trong thực tế, khởi nghiệp không phải lúc nào cũng đi liền với thành công. Nhiều bạn trẻ gặp thất bại ngay khi bước chân vào kinh doanh và đứng trước sự lựa chọn: dừng lại hay đi tiếp? Có mặt tại chương trình tọa đàm “Con đường khởi nghiệp” diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) hồi tháng 11-2016, ông Phùng Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Vân Tay Việt đã chia sẻ câu chuyện thất bại và vượt qua thất bại của mình để giúp SV quyết tâm hơn trong khởi nghiệp. Ông cho biết, bất cứ ai bước vào con đường kinh doanh cũng cần lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Thời gian đầu mới thành lập, Công ty Vân Tay Việt hầu như không có khách hàng bởi người dân còn xa lạ với ứng dụng công nghệ sinh trắc học dấu vân tay, phương pháp giúp phát hiện năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho trẻ nhỏ. Chưa kể, giá thành cao - 3 triệu đồng cho một sinh trắc học cũng là rào cản khiến phần lớn các mẹ quay lưng lại với dịch vụ mới mẻ này. Một thời gian dài, công ty lâm vào bế tắc và ngay khi đứng trước bờ vực phá sản, Vân Tay Việt may mắn có những khách hàng đầu tiên…

Theo ông Vũ, có 3 vòng xoáy mà mỗi SV dễ bị cuốn vào, đó là vòng xoáy học hành, vòng xoáy lười biếng và vòng xoáy của công việc. Không có vòng xoáy nào tốt cả. Vì thế, khi đã bước chân vào kinh doanh, mỗi người cần phải biết cân bằng cảm xúc, tôn trọng ý kiến người khác và tỉnh táo lựa chọn đi tiếp hay dừng lại nếu chẳng may gặp rủi ro không mong muốn.

Là người khá tỉnh táo trên thương trường, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee (dịch vụ mua và bán trên ứng dụng di động hoặc trang thông tin điện tử) khẳng định đa số bạn trẻ gặp thất bại khi khởi nghiệp vì cố bám lấy ý tưởng ban đầu. Đồng thời, ông đưa ra lời khuyên thanh niên đừng khởi nghiệp theo phong trào mà không có sự suy tính kỹ lưỡng.

Ví dụ, muốn kinh doanh mặt hàng nào, bạn phải trả lời được câu hỏi liệu ý tưởng đó đã thật sự giải được bài toán thị trường đang cần hay không. Thứ hai là bạn cần chuẩn bị một số vốn thực hiện và vốn dự phòng cho trường hợp rủi ro, đủ mạnh để hoạt động đến khi thị trường chấp nhận. Thứ ba là công ty đủ nhạy bén và linh hoạt trong vận hành đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, khi công việc kinh doanh đang gặp khó khăn, nếu cứ cố bám theo ý tưởng ban đầu và mù quáng đổ tiền vào thương mại điện tử thì chắc chắn sẽ thất bại.

Chỗ dựa tinh thần cho khởi nghiệp

Chưa bao giờ ở Đà Nẵng có nhiều CLB, đội, nhóm và các dự án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hoạt động rầm rộ như thời gian qua. Tính từ đầu năm 2016 đến nay đã có trên 40 buổi nói chuyện liên quan đến câu chuyện khởi nghiệp cho thanh niên, SV được tổ chức trên địa bàn thành phố. Ngoài những đóng góp tích cực từ Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (Danang Entrepreneurship Support Company Ldt - DNES), Đà Nẵng còn có nhiều tổ chức khác sẵn sàng hỗ trợ bạn trẻ như Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng (TTHTDN), Quỹ Khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh, CLB Nhà sáng tạo trẻ Đà Nẵng, CLB 9Start Lab, Chương trình 100 hạt giống doanh nhân…

Ông Phùng Hoàng Vũ – Giám đốc Công ty Vân tay Việt chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp thất bại và vượt qua thất bại của chính mình sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).
Ông Phùng Hoàng Vũ – Giám đốc Công ty Vân tay Việt chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp thất bại và vượt qua thất bại của chính mình sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

Đơn cử qua 6 năm hoạt động, TTHTDN đã mở trên 20 khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo các DN. Trung bình mỗi năm, trung tâm này tư vấn, hỗ trợ hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập DN hay chuyển đổi loại hình kinh doanh, giải thể… Ông Kiều Văn Tám, Giám đốc Trung tâm cho biết, với nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển của các DN, thời gian qua trung tâm thường xuyên tự điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp với xu hướng phát triển, giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng điện tử cấp độ 3, 4 (thực hiện các thao tác đăng ký, nhận kết quả, thanh toán lệ phí – nếu có – qua mạng Internet) để giảm thời gian, áp lực cho DN, tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có mô hình “cà phê khởi nghiệp” diễn ra sáng thứ bảy hằng tuần tại địa chỉ 31 Trần Phú, quận Hải Châu. Khi đến đây, các bạn trẻ có cơ hội được tiếp xúc, chia sẻ với doanh nhân, người đứng đầu phong trào khởi nghiệp tại thành phố những vướng mắc, băn khoăn cũng như được tư vấn, “tiếp lửa” cho ý tưởng kinh doanh của mình. Có thể nói giữa lúc phong trào khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi nổi như hiện nay, các đơn vị nói trên trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các dự án khởi nghiệp. Đồng thời tạo nên sự liên kết dự án – nhà đầu tư – khách hàng vô cùng cần thiết trong phát triển kinh doanh.

Để phong trào khởi nghiệp tại thành phố tiếp tục phát triển, bên cạnh ươm tạo những hạt giống mới, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng Đà Nẵng cần quan tâm nhiều hơn đến những đơn vị đã và đang hoạt động tại địa phương như tạo cơ chế thông thoáng, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bởi sự thành đạt và phát triển của các doanh nghiệp đó sẽ tạo nên “lực hấp dẫn” để thế hệ trẻ nỗ lực, và noi gương.

TIỂU YẾN

.