Đà Nẵng cuối tuần

Nắng ơi đừng vội tắt

15:13, 05/03/2017 (GMT+7)

Từng biết chị Vạn Lộc là nhà thơ đã lâu.  Song, thực tình, tôi cũng chưa chú ý nhiều, cứ nghĩ thơ với chị như là món điểm trang, chút niềm vui nhỏ cho cuộc sống an nhàn của một phụ nữ thành đạt đã bước vào tuổi xế chiều.   

Album Mùa thu Huế của nhà thơ Vạn Lộc.
Album Mùa thu Huế của nhà thơ Vạn Lộc.

Mãi đến tận hồi năm ngoái, trong một dịp tình cờ gặp chị cùng đi ở một Trại sáng tác tại Đà Lạt, thì những suy nghĩ về chị với tôi, chợt phải đổi thay. Có lẽ khó tìm thấy một người phụ nữ nào sống chết với thơ như chị. Tất cả mọi việc trên đời diễn ra với chị đều nhìn bằng con mắt thơ. Thơ chị ngồn ngộn những đề tài nóng hổi, gần kề cuộc sống và trẻ trung đến bất ngờ.  Bởi vậy, trước đám đông,  chị luôn gần gũi, sống động và có sức thu hút.

Tôi thích những câu thơ trần tình của chị: Hãy cho tôi chút lửa/ Trao ánh sáng cho người/ Không cháy thành ánh sáng/ Ý nghĩa chi cho đời? (Lời cây nến), hoặc : “Tuổi đời đã hết ban trưa/ Rưng rưng ngấn lệ giọt mưa nửa mùa/ Ngẫm ra hai chữ được thua/ Nửa hư, nửa thực, nửa đùa, nửa không…(Tuổi năm mươi) . Đặc biệt,  ở bài thơ Chợ Cồn, với những câu thơ “Bỏ áo nữ sinh mang áo chợ/ Tháng ngày mòn mỏi tuổi xuân tươi…”, theo tôi,  ít mấy ai lột tả được tâm trạng người phụ nữ chân thật như vậy.

Nhà thơ Vạn Lộc vốn là người Quảng Nam, song lại  là con dâu của xứ quýt Hương Cần (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) nổi tiếng một thời. Mấy năm gần đây, chị bắt tay vào việc tạo dựng một khu vườn với các loại thanh trà, bưởi, quýt… là khu vườn thơ để  hưởng tuổi già, đồng thời là nơi dành cho bạn bè văn nghệ về tụ hội, có tên là Hương Cần thi viên (tức Vườn thơ Hương Cần)”. Và trong năm vừa qua, chị đã dành tâm sức cho ra mắt một album VCD mang tên “Mùa thu Huế”, một chương trình thơ nhạc do  Bến Thành - Video phát hành.

Dù trước đó, nhà thơ Vạn Lộc cũng đã cho ra mắt nhiều VCD Album, tuy nhiên, theo chị, “Mùa thu Huế” là VCD chị tâm đắc nhất, trong đó có nhiều tác phẩm được chị sáng tác gắn liền với không gian Vườn thơ Hương Cần.

Trong VCD “Mùa thu Huế”, tôi thật tình rung cảm nhiều nhất giọng ngâm da diết của nghệ sĩ Hương Nhu qua những câu thơ:  “Nắng ơi đừng vội tắt/ Chầm chậm, đợi ta về/ Nắng ơi ta vẫn sợ/ Chiều tàn buông xuống mau/ Trong đêm dài tăm tối/ Làm sao nhìn thấy nhau…” (Nắng chiều – phổ nhạc: Tô Thanh Tùng).

Dường như với Vạn Lộc, một phụ nữ tưởng chừng luôn tươi vui, cười nói lạc quan, nhưng lại có tâm hồn rất đỗi mềm yếu, luôn muốn có những tâm hồn đồng điệu sẻ chia. Chị như luôn muốn hòa mình, nhập cuộc cùng đám đông, theo đến tận cùng, không muốn bị bỏ lại một mình. Ở những câu thơ khác, cũng rất dễ gặp chị luôn đầy tâm trạng lưu luyến nỗi đời: “Hôm qua lá níu tay cành/ Sáng nay lá đã vội đành lìa cây/Đời vui được bấy nhiêu ngày/ Biếc xanh mới đó mà nay úa vàng…” (Chiếc lá - phổ nhạc: Tô Thanh Tùng).

Đáng chú ý, với bài thơ Mùa thu Huế, Vạn Lộc đã thể hiện phong cách  độc đáo rất riêng của chị: “Quê người anh mãi làm du khách/Phố mẹ em đang bước độc hành/ Huế rất thân quen mà lạ lẫm/ Yêu thương không trọn, dứt không đành!”…

VCD “Mùa thu Huế” của Vạn Lộc là một ấn phẩm thơ nhạc thực hiện đầy công phu, chắt lọc,  đã nhận được nhiều lời khen ngợi của yêu thơ lớn lên trên chính đất Thần Kinh. Nhà thơ Võ Quê không ngần ngại dành tác giả những nhận xét trìu mến: “Có một nguồn thơ dào dạt trong tâm hồn Vạn Lộc. Trọn đời những buồn vui khổ đau, hạnh phúc, những chìm nỗi thăng trầm đã thành chất liệu sống trong thơ Vạn Lộc.

Giản đơn mà sâu lắng. Dung dị mà thuần khiết. Thơ Vạn Lộc  giàu ảnh, giàu tình. Có một bản sắc riêng trong thơ Vạn Lộc. Vạn Lộc tâm sự cùng người, cùng đời, cùng nhân tình thế thái.  Thơ Vạn Lộc đồng cảm thiên nhiên, hòa sắc lá thức hay đồng cảm theo ngọn gió từ Đông Yên. Thơ Vạn Lộc  bên này nhìn trăng khuyết, bên nọ thấy trăng đầy.  Xin chúc mừng người nữ thơ Vạn Lộc đã viên mãn, bền bỉ chọn tình thơ”.

Nhà thơ Vạn Lộc tên thật là Vũ Thị Hội, quê quán: Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.  Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng. Hội viên Hội thơ Đường Unesco Việt Nam

* Tác phẩm đã xuất bản:

- Chút riêng tư (Thơ - NXB Đà Nẵng năm 1997; Tái bản lần 1 năm 2000).
- Vòng tay mẹ (Thơ - NXB Đà Nẵng, 2000).
- Nắng chiều (Thơ - NXB Đà Nẵng, 2002).
- Hạt bụi (Thơ - NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, 2004).
- Gió thổi từ Đông Yên – (Thơ - NXB Văn Học, 2011, Tái bản lần 1 năm 2012)
- Lá thức (Thơ – NXB Hội Nhà Văn, 2012).

TRẦN TRUNG SÁNG

.