Đà Nẵng cuối tuần
Viết tiếp những câu chuyện truyền cảm hứng
Tràn đầy quyết tâm, thách thức giới hạn bản thân để đạt được những điều tưởng như không thể là điểm chung của những du học sinh đã viết nên kỳ tích cho chính mình bằng những suất học bổng danh giá.
Cường (thứ 2 từ phải qua) trong một lần đi trượt tuyết với các bạn tại núi Wachusett ở Massachusetts. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nỗ lực chiến thắng năng lực
Nhắc đến Hoàng Long (ở kiệt 82 đường Nguyễn Duy Hiệu, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đi du học Nhật Bản cách đây 10 năm, cả xóm nhỏ vẫn còn trầm trồ: “Thiệt, cái thằng có chí”. Chuyện là, suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Ngô Hoàng Long (sinh năm 1983) chưa bao giờ là một học sinh xuất sắc.
Tốt nghiệp THPT, thi đại học 2 lần không đậu, Long theo cô cậu trong nhà đi làm công nhân Nhà máy cao su Đà Nẵng. Một ngày, hàng xóm nhận ra, chàng thanh niên nhiệt tình của xóm không còn ra đầu ngõ tán gẫu với đám thanh niên cùng lứa, lạ kỳ là ai hỏi gì cũng chỉ “ừ, hử, gật đầu, lắc đầu”, chứ tuyệt không hé răng nửa lời.
Thi thoảng, người ta thấy anh đem một ấm trà nóng ra cái bàn con ngoài sân nhà và nhâm nhi thưởng thức không khác gì thưởng trà đạo kiểu Nhật. “Tình trạng” của Long kéo dài 2 năm ròng, người già trong xóm bắt đầu thắc mắc, đám thanh niên khó hiểu.
Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ, Long mắc chứng… tự kỷ. Vậy mà, đùng một cái, gia đình Long thông báo anh nhận được học bổng đi Nhật. Xóm nhỏ mới vỡ chuyện, thì ra, trong 2 năm qua, Long dồn hết tâm ý vào một ngôn ngữ mới.
Câu chuyện về sự nỗ lực của Long một thời gian dài là chủ đề được các bà, các mẹ trong xóm đem ra dạy con. Trong những năm tháng ở Nhật, Long được một cặp vợ chồng người Nhật nhận làm con nuôi. Hiện anh đang làm quản lý tại một nhà hàng ở đất nước “mặt trời mọc”.
Câu chuyện của Sơn (sinh năm 1988, em trai Long) lại đem đến niềm cảm hứng khác. Nối gót anh trai, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải nhưng mãi không xin được việc làm, Sơn cũng đi học tiếng Nhật.
Tuy nhiên, chính Sơn cũng thừa nhận rằng, bản thân chưa bao giờ “mơ” tới việc đi du học vì khi nào cũng nghĩ, du học chỉ dành cho các bạn rất giỏi và nhà giàu. Có lẽ đi học với suy nghĩ như thế nên Sơn chỉ học cho có, đường học hành cứ bị đứt đoạn giữa chừng. Trong 2 năm học tiếng Nhật ở Việt Nam, cậu không nói nổi một câu… tiếng Nhật.
“Rồi trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản. Lúc đó, người dân Nhật đã làm cho cả thế giới phải thán phục. Từ đó, tôi nung nấu ý định đi Nhật để tận mắt thấy và học hỏi. Đó là động lực để tôi quay lại trường đăng ký học lần nữa với tâm thế “đây là lần học cuối cùng”…”, Sơn kể lại.
Thấy cậu học trò quá quen mặt này cứ đến đăng ký học vài hôm rồi lại nghỉ năm lần bảy lượt như vậy, các thầy cô tại Trung tâm Nhật ngữ Sakura thắc mắc: Sao em học mấy tháng rồi nghỉ hoài vậy em? Sơn nói lúc đó chỉ muốn “chui xuống đất” vì xấu hổ.
Nhưng lần này, thầy cô hỏi đến cùng mục đích quay lại học là gì, Sơn trả lời ngắn gọn: Tôi muốn đi Nhật. Và cậu đăng ký luôn chương trình học bổng của nhật báo Asahi dành cho du học sinh. Sau khi trải qua các kỳ thi năng lực và phỏng vấn, Sơn được báo Asahi tài trợ 2 năm học tiếng Nhật ở Nhật Bản. “Quá trình học để xin học bổng của tôi chỉ kéo dài 6 tháng.
Lúc đó mà không đậu sẽ không còn cơ hội nữa vì học bổng này chỉ dành cho đối tượng dưới 25 tuổi. Vậy là tôi lao vào học ngày học đêm, sau 6 tháng, tôi đã có được bằng sơ cấp tiếng Nhật, điều mà trước đây, tôi mất 2 năm cũng không làm được, tất cả là nhờ cần cù bù tài năng”, Sơn kể. Hiện tại, Sơn đang làm trong lĩnh vực xây dựng tại Saitama thuộc thành phố Tokyo.
Lên kế hoạch bài bản từ đầu
Nếu như Long, Sơn truyền cảm hứng cho những ai “chưa quá giỏi nhưng thừa quyết tâm” thì Nguyễn Đình Trí Cường (sinh năm 1992), cựu học sinh chuyên Tin Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại là trường hợp khác.
Trong 2 năm lớp 11 và 12, Cường là thành viên của đội tuyển đi thi quốc gia môn Tin học nên em tập trung phần lớn thời gian vào việc thi cử. Tuy nhiên, ngoài giờ học chính khóa, Cường còn làm Chủ tịch Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ trong trường. Em tổ chức các hoạt động như teambuilding, đua xe tự chế, khuyến khích các bạn trong câu lạc bộ tham gia các cuộc thi sáng tạo và chế tạo robot cùng các bạn. Ngoài làm việc vì đam mê, Cường sớm có suy nghĩ: làm vị trí lãnh đạo một tổ chức dù nhỏ sẽ có tác dụng tốt trên hồ sơ hơn là chỉ làm thành viên.
Cường bày tỏ, những năm THPT, em nhen nhóm ý định đi du học nhưng vẫn chưa thật sự đầu tư thời gian vào việc tìm hiểu các điều kiện cũng như quá trình nộp hồ sơ du học. Đến cuối năm lớp 12, khi mọi chuyện thi cử đã kết thúc thì em mới bắt đầu nghiên cứu về việc du học. Càng tìm hiểu về điều kiện học tập, chương trình giảng dạy cũng như các cơ hội việc làm sau này ở các trường đại học ở Mỹ thì ước muốn được đi du học của em càng lớn.
Tuy nhiên, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, Cường không còn thời gian làm hồ sơ nộp học nên em đã thi vào Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian sinh viên này, em tiếp tục tập trung vào việc thi TOEFL và SAT.
Thời gian căng thẳng nhất của em là lúc chuẩn bị cho SAT vì em chỉ có 3 tháng để chuẩn bị và cùng một lúc em phải chuẩn bị những phần khác của hồ sơ như viết bài luận và xin thư giới thiệu. Cường nộp hồ sơ cho 10 trường ĐH tại Mỹ và may mắn đã có 3 trường trao học bổng cho em. Và em chọn học tại trường Worcester Polytechnic Institute, ngành Khoa học máy tính, học bổng mỗi năm là 32.500 USD.
“Một bài học rút ra cho các bạn muốn tìm học bổng đi du học là nên chuẩn bị từ sớm, tốt nhất là từ những năm lớp 10 hoặc 11 để có thời gian tìm hiểu và có thể ôn luyện kĩ hơn để thi các chứng chỉ được điểm vừa ý nhất. Thêm vào đó, một cái lợi mà em thấy lớn nhất khi du học là có nhiều cơ hội tiếp cận các công ty lớn của quốc tế. Năm ngoái, em thực tập ở Google và sắp tới là Facebook”, Cường chia sẻ.
QUỲNH TRANG