Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ về lớp trẻ thế hệ sinh sau 1975

08:13, 26/03/2017 (GMT+7)

Đặc điểm chung nhất của lớp trẻ thế hệ sinh sau năm 1975 là dẫu chiến tranh vẫn đang là một nguy cơ thường trực đối với đất nước, nhưng từ khi họ lớn lên - chứ không phải từ khi họ chào đời, những cuộc-chiến-đẫm-máu-sau-hòa-bình như cuộc chiến biên giới phía bắc và phía tây nam năm 1979, hay như cuộc chiến ở Trường Sa năm 1988, cũng dần trở thành ký ức.

Và từ khi họ lớn lên, đất nước tiếp tục bước sâu vào công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo với nhiều thành tựu đáng kể, cho nên với họ những nhọc nhằn của một thời bao cấp kế hoạch hóa dường như chỉ còn là cổ tích. Đặc biệt từ khi họ lớn lên, đất nước cũng đã hội nhập vào thế giới phẳng (chữ của Thomas L. Friedman) cùng kỷ nguyên công nghệ thông tin - nhờ vậy mà chỉ thế hệ @ của họ mới có chuyện “năm Mèo nhấp chuột gửi meo cho… mèo”, và cũng nhờ vậy mà nhiều người trong số họ đang tự tin đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Không ít người lớn tuổi hiện nay thường có cảm giác không yên tâm khi nghĩ về lớp trẻ thế hệ sinh sau năm 1975. Thật ra tâm lý không yên tâm ấy suy đến cùng cũng là điều dễ hiểu, bởi ai mà chẳng có một thời trẻ trai, và chính những người lớn tuổi hiện nay hồi còn trẻ cũng từng bị không ít người lớn tuổi đương thời đặt câu hỏi: “Không biết cái sự nghiệp này rồi sẽ ra sao khi giao vào tay mấy chú, mấy cô ăn chưa no lo chưa tới này?”.

Có điều sau khi trả lời bằng hành động thực tế - chứ không phải bằng lời nói suông - rằng lớp trẻ thế hệ mình hoàn toàn đủ sức gánh vác đảm đương cái sự nghiệp được trao truyền từ thế hệ trước, thậm chí trên một số lĩnh vực, ở một số địa phương còn chứng tỏ là “nhà có phúc”, thì nhiều người lớn tuổi hiện nay lại… lặp lại đúng câu hỏi ngày xưa! Hóa ra thế hệ nào khi nghĩ về thế hệ tiếp bước mình cũng đều “nước đôi” như vậy: tin thì vẫn tin mà lo vẫn cứ lo - lo trong trường hợp này đâu có nghĩa là không tin!

Lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 được thế hệ đi trước tin tưởng nhiều nhất - thậm chí tự hào và nể phục - là ở năng lực tiếp thu cái mới, không chỉ về công nghệ thông tin mà còn về ngoại ngữ và những hiểu biết văn hóa mang tính toàn cầu.

Không ít người trong lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 còn được đào tạo tại các cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới - chưa kể nhiều trường hợp “du học tại chỗ”, không chỉ ở bậc sau đại học mà cả ở bậc đại học, thậm chí từ khi còn học phổ thông…

Không thể không tin những trí thức trẻ được học hành bài bản và hầu hết là danh đi đôi với thực như vậy. Nhưng như đã nói trên, tin vẫn tin mà lo vẫn lo. Cũng không phải không có/không còn một số chuyện đáng lo. Chẳng hạn như lo đang có khoảng cách thực tế giữa học với hành, giữa năng lực tiếp thu với năng lực tiếp biến, và quan trọng hơn là lo đang có khoảng cách thực tế giữa việc đỗ đạt giỏi giang với việc sẵn sàng mang hết sở học để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phục vụ khoa học...

Hay chẳng hạn như lo rằng khi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 càng có điều kiện chìm đắm một cách tự giác hay không tự giác trong thế giới ảo, từ đó dễ có khả năng sao nhãng các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng, nhất là dễ có khả năng vô cảm trước sự thống khổ của đồng bào mình nói riêng và của nhân loại nói chung.

Hoặc chẳng hạn như lo rằng khác với/không như người lớn tuổi từng trải qua nhiều dằn xóc của cuộc đời, lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 vốn lãng mạn bay bổng như thế, nhạy cảm như thế, hồn nhiên như thế, nếu lâm vào cảnh ngộ không mong đợi… thường rất dễ bị tổn thương.

Hoặc chẳng hạn như lo rằng họ sẽ quên lời khuyên chí lý chí tình của cụ Nguyễn Đức Đạt - một nhà giáo dục nổi tiếng đời nhà Nguyễn: “Người quân tử học là vì mình, học không phải để làm quan, sự học vì mình thì phải học suốt đời, còn kẻ nào học để làm quan, chưa làm thì học, được làm quan rồi thì không học nữa”…

Nhìn chung lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 có trình độ cảm thụ nghệ thuật tinh tế mẫn cảm hơn lớp trẻ thế hệ trước, bởi họ là sản phẩm của một nền giáo dục phát triển trong điều kiện hòa bình và trong không khí đổi mới của đất nước.

Giờ đây, không ít trong số họ đã có đủ khả năng khám phá chất văn chương từ bản thân văn chương, cũng như có đủ nhận thức để hiểu rằng văn chương không gì khác là sự nỗ lực khám phá chất người từ bản thân con người.

Đó cũng là điều mà lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 được thế hệ đi trước tin tưởng - thậm chí tự hào và nể phục. Tuy nhiên vấn đề văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc sách nói riêng của lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 - từ thị hiếu nghệ thuật/thị hiếu thẩm mỹ trong việc chọn sách cho đến sự áp đảo của văn hóa nghe-nhìn đối với văn hóa đọc trong bản thân độc giả trẻ tuổi… - lại đang trở thành mối bận tâm của không ít người lớn tuổi hay ngẫm nghĩ về văn hóa hiện nay…

Sáng tạo thực ra không gắn với tuổi tác, nên sáng tạo không phải là độc quyền của tuổi trẻ mà cũng chẳng phải là đặc sản của tuổi già. Nói một cách đơn giản thì sáng tạo chỉ gắn với người đam mê sáng tạo và có năng lực sáng tạo.

Có điều sản phẩm của sáng tạo là cái mới/cái khác trước, cho nên muốn sáng tạo thì điều đầu tiên là phải tránh được cái nhìn thiên kiến/định kiến cho rằng mọi thứ đã nhất thành bất biến. Chính vì thế mà lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 thường dễ đến gần với sáng tạo, dễ sung sức trong sáng tạo hơn là người lớn tuổi, vì so với người lớn tuổi, người càng trẻ tuổi càng ít bị ám ảnh bởi quán tính của tư duy.

Đương nhiên không phải lúc nào sáng tạo cũng đi liền với thành công, cũng dễ dàng về đến đích. Cho nên thế hệ đi trước luôn tin rằng lớp trẻ thế hệ sinh sau 75 - nếu có va vấp trong quá trình sáng tạo cái mới/cái khác trước - sẽ dám đối mặt với sai lầm và hơn thế nữa sẽ dám làm lại từ đầu. Vừa tin như vậy vừa lo không được như vậy!

BÙI VĂN TIẾNG

.