Đà Nẵng cuối tuần
Cuộc tìm nhau
Má Tầm đau nặng, tía Tầm cầm điện thoại qua xóm kêu tụi nhỏ gọi cái số lưu tên “Tầm khùng” giùm. Nhưng ba số lưu tên “Tầm khùng nhẹ”, “Tầm khùng” và “Tầm khùng nặng” đều “ò e… thuê bao quý khách…”. Ông già rầu rĩ cầm điện thoại bước qua cầu khỉ, ông quăng cái điện thoại xuống kinh xáng rồi quát: “đồ quỷ!”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Không biết làm sao được nữa, ông đón đò dọc, nhắn rằng: “Đi dọc đường có gặp thằng Tầm rong chơi đâu đó, thì nhắn giùm, nói má nó đau nặng, kêu nó về chia vàng”. Tàu đò nổ máy đi không xa thì Tầm chạy về, thở hổn hển:
- Má chối chưa?
Ông già nổi xung thiên cầm cây gậy tầm vông láng bóng rượt Tầm, ra đến bờ kinh, Tầm sợ ông già chạy mệt, hụt hơi nên phóng xuống kinh nói vói lại:
- Tía rượt con, con đi thiệt à.
Ông già sựng lại, nói như van xin:
- Thôi con, về nhà đi. Tía không dám nói động con một tiếng.
Nghe vậy, Tầm mới lội vào, kè nách ông già về nhà. Từng bước nghe như dắt gió đi chơi. Ông già bảy mươi sáu tuổi nhẹ như bông gòn. Hay do Tầm vác gạo ngoài chợ riết quen, giờ cầm ông già thấy nhẹ như cầm gió. Tóc ông già trắng phất phơ, Tầm nhìn thấy như muốn khóc. Chợt kêu:
- Tía ơi…
Ông già hỏi:
- Gì?
- Con thương tía quá?
Định thần vài giây, ông già tháo tay Tầm ra:
- Khùng hả mậy?
Má Tầm nằm trên giường thở dốc, lúc mệt nặng tưởng sẽ bị gió hốt đi luôn. Lúc qua cơn mệt, má phều phào trong miệng, như muốn nói mà nói không được. Tầm nhìn tía đầu bạc trắng ngồi quạt cho má nằm gọn như con cá khô. Tầm nhớ quá năm nào tía cõng Tầm đi tắt đường đồng đến lớp học. Nhớ quá má đi chợ quảy Tầm theo trong quang gánh. Mấy đồng bạc dành dụm của tía má, Tầm len lén rút trong áo má, trong tủ thờ muốn hết. Bữa nọ xa xưa, cả nhà ba mạng ngồi ăn cơm, tía nói, “Má mày còn hơn chục cây vàng lá, chôn dưới đất”. Má quay qua cười: “Nói khơi khơi, cướp nó đánh, vàng đâu mà cả chục cây”. Lúc đó Tầm cười sặc sụa: “Tía nói chơi y như thiệt”. Nghe câu nói đó xong, má thở ra nhẹ nhõm.
Từ hôm Tầm về nhà, bệnh tình má có phần thuyên giảm. Sáng sớm tía đưa Tầm tờ giấy năm chục ngàn màu đo đỏ, kêu qua bên ông thầy Sáu, hốt cho má mấy thang thuốc. Tầm chèo xuồng đi nửa đường, thấy con rắn nước to bằng nửa cùm tay đang lội qua kinh. Tầm liền dí bắt. Con rắn bị bắt gọn khô, Tầm định bụng đem con rắn về nhậu một trận đã đời. Nhưng khi ra tới chợ, người ta trả giá một trăm ngàn, thấy vậy Tầm bán con rắn. Hốt thuốc về dư ra một trăm ngàn, Tầm đưa tía. Tía nhìn Tầm cảm động, trong đôi mắt già nua của tía, như đang thấy mấy chục cây vàng tự dưng trên trời rơi xuống, ngay trên tay tía.
Má Tầm khỏe được hai hôm thì bệnh má nặng hơn, má thở thào thào, khi Tầm đi soi ếch về thì má thở nhẹ. Má nói mấy câu Tầm không sao hiểu nổi, nhưng Tầm nhớ, nhớ kỹ lắm, nhớ từng chữ một:
- Cha con con ráng tìm cho được…
Má tắt thở sau chữ được. Chắc má kêu tìm ai đó tên Được, cũng không chừng. Lời má đứt ngang trong khi tay má còn cầm tờ hai trăm ngàn, như muốn dúi vào Tầm mà không kịp. Tầm đụng tay má mấy lần mà má vẫn nằm im. Lúc đó Tầm mới thấy rõ sự mất mát từ chuyến đi của má. Rồi nhà này sẽ vắng một bóng người…
Đám diễn ra nhanh chóng, tía đưa má ra đến mồ thì ông gục ngang xỉu. Bà con xúm lại đưa tía vô nhà, pha trà đường, cạo gió tía mới tỉnh. Tía kêu: “Tầm ơi, nhà này còn có cha con mình, con đừng bỏ tía mà đi nha Tầm”. Tầm nhìn tía cười, “bỏ tía con sống với ai”.
Sau ngày má đi xa, tía móc từ trong lớp khăn mùi soa mà lúc nào tía cũng kè kè trong túi, có kim tây kẹp lại. Từ trong lớp khăn ấy, tía mở ra là cái đôi bông, cọng dây chuyền mười tám, nói, “này của má con để lại cho con, bả không kịp nhìn mặt con dâu, nhưng còn tía, con coi đi cưới vợ cho tía có cháu bồng hun hít”. Lúc đó Tầm cười, “cưới ai giờ tía, con xấu như ma, ai mà ưng”.
Nhưng chỉ một tháng sau, người ta méc ông già, thằng Tầm tối tối hay rủ con nào đó hú hí sau vách miếu Thành hoàng. Ông già khà khà: “Vui nghen”. Ông hàng xóm trợn mắt, “Vui con khỉ? Thành hoàng bỏ làng đi vì nó!”… Sau bữa đó, ông già kêu Tầm lại, nói bóng nói gió rằng: “Nghe đồn có thằng kia, hú hí với con nhỏ nọ. Mà ngu quá, dắt nhau ra miếu Thành hoàng cho thiên hạ gặp. Nếu là tía á ha, tía dắt vô bụi rơm sau đồng. Vừa kín, vừa thơm”. Tầm nghe xong, đắc chí ra mặt, nhưng diễn như không nghe gì, ngồi lùa cơm lia lịa. Sáng hôm sau ông già không nghe xóm đình méc, mà tới xóm Đồng Hoang méc rằng, dạo này chỗ cây rơm có ma. Ông già mừng khoái chí.
Nhưng cũng hơn hai tháng sau nữa, tức là sau ngày cúng trăm ngày cho má, Tầm nói, tía cưới con nhỏ con bà bán gạo xóm trên cho nó đi, cưới con đó thì cha con mình không sợ đói. Ông già cười cười, “ừ, cưới nó thì tao sẽ mau có cháu ẵm bồng”. Đám cưới diễn ra nhanh chóng ngay sau đó. Không tưng bừng, nhưng ấm cúng.
Nhà thì chật, chỉ có mỗi một căn buồng. Ông già ngủ ngoài bộ ván, nghe lá dừa quẹt vô vách rì rào, nằm trằn trọc mãi. Tầm nghe tía trở mình, hỏi vọng ra, “tía chưa ngủ sao tía?”. Câu hỏi vừa dứt thì nghe ông già ngáy khò khò. Tầm nói chuyện với vợ, nhưng nói lớn cho ông già nghe luôn: “Mùa này gió dữ quá, lá nhà kêu sột soạt hoài”.
Sau ngày cưới hơn tuần, ông già thu xếp quần áo vô giỏ đệm. Tầm hỏi: “Tía đi đâu?”. Ông già nói tỉnh bơ: “Đi ta bà chơi vài tháng rồi về”. Nghe ông già nói vậy, Tầm nửa buồn nửa vui. Lòng thì không muốn tía đi, dù gì cũng ngoài bảy mươi, biết có chuyện gì dọc đường không. Lỡ bệnh hoạn giữa đường thì ai nuôi tía. Nhưng ông già nhất quyết, “tía đi vài tháng về, không chừng về sớm hơn, chớ giờ không đi là không kịp”. Thằng con quyến luyến tiễn cha, nhét vô tay cha năm trăm ngàn nhưng ông già không lấy: “Tiền tía đầy túi, để ở nhà lo cho vợ đẻ chửa”.
Ông già đi được mấy hôm thì về. Ông nằm võng hút xong điếu thuốc thì ngồi dậy, ra tiệm hớt tóc đầu đường, kêu nhuộm đen cho cái đầu và mấy cọng lông mày. Ông bước về nhà, vợ Tầm nhìn muốn không ra. Hỏi: “Sao nay tía trẻ ghê vậy tía?”. Ông già nằm võng mỉm cười:
- Vầy cho người ta thấy tía còn trẻ, chứ nhìn già quá, đi quá giang ai cũng ngại.
Đó là câu trả lời của ông già. Tối vợ Tầm kể cho chồng nghe y vậy, có thêm vài câu nhận xét:
- Anh, chắc tía định kiếm vợ mới trẻ đẹp. Tía dọn lên nhìn như mới bốn mươi. Không kiếm gái chớ dọn vậy chi.
Tầm gác tay lên trán suy nghĩ, đó giờ tía có vậy đâu. Tía đàng hoàng nhứt xóm. Sao nay lại lột xác nhuộm tóc chi trời? Vợ Tầm thấy chồng suy nghĩ không ra lời, nên nói tiếp:
- Bữa nghe bà bán hàng bông nói, tía đứng trên bờ, kêu cái ghe bà cho quá giang đi ra chợ, mà mắt tía cứ lườm lườm nhìn bà y như muốn ăn tươi. Con nhỏ con gái bà mới lớn, ngồi sau ghe vo gạo, tía cũng nhìn lom lom.
Tầm ngồi bật dậy, “thiệt hả?”. “Dạ thiệt”, giọng vợ Tầm ngọt ngào làm sao, Tầm không tin sao được. Tầm ngồi ngó ra cửa buồng, “tía thiệt kỳ, làm ăn bất nhơn vậy mà cũng làm được. Người ta biết chắc anh đội quần”. Vợ Tầm thấy chưa đủ thuyết phục nên ngồi dậy nói:
- Bên nhà má em cũng biết, má nói má không dám qua nhà nữa, má sợ…
- Má sợ gì?
- Má sợ tía anh…
Câu nói của vợ Tầm làm Tầm tối sầm mặt lại. Rồi mặt mũi đâu mà đi ra đường nhìn hàng xóm. Tầm quyết định rồi, phải cầm chân ông già ở lại nhà, bằng mọi giá.
Sáng sớm, thấy tía lục đục nấu cháo trắng ăn là Tầm nghi rồi. Thấy ông già bưng tô cháo ngồi ăn, bên cạnh là cái giỏ đệm, Tầm hỏi:
- Tía tính đi nữa hả tía?
- Ừ, chút tía đi chơi tiếp.
Tầm hơi xụ mặt:
- Tía ở nhà coi nhà dùm con nha, con với vợ con đi về bên nhà vợ mấy bữa.
Ông già ngưng ăn, nhìn Tầm, nhưng biết sao giờ, đành nói ừ, rồi buồn hiu đi cất cái giỏ đệm vô tủ thờ, ra võng nằm đưa cọt kẹt. Tiếng võng nghe cũng buồn hiu.
Tầm đi mấy bữa thì cũng phải về, lo không biết ông già ở nhà có sao không. Nghĩ cảnh tía ngoài bảy mươi tuổi phải đi vào bếp, lụi hụi nấu cơm, Tầm nghe lòng xót như ai chà muối.
Tầm về. Vừa về đến nhà ông già mừng như trẻ con mừng người lớn đi xa mới về. Trời gần chiều mà ông cũng khăn gói lên đường ngay. Câu nói của tía giải thích cho sự gấp gáp là: “để thôi không kịp”. Vợ Tầm đi vào buồng, vọng lại câu nói, “Ờ, đi lẹ để thôi không kịp…”.
Ông già đi được mấy hôm thì làng xóm xì xầm, “ông già thấy vậy mà sung, thằng con mới cưới vợ, giờ đã đi tìm vợ cho mình”. Tầm nghe ban đầu không tin, nhưng sau thì tin vì nghe nói ông già quá giang ghe thương hồ, đi đâu cũng hỏi người đàn bà tên Nhớ”. Mà mấy bà già khằn ở xóm nhớ kể rằng, “hồi xưa bà Nhớ là dân thương hồ tứ xứ, bồ của tía thằng Tầm, thắm thiết lắm nhưng không tới được với nhau, nên bà kia bỏ đi”. Tầm nghe, nửa buồn nửa vui. Cảm xúc trộn lẫn. Nhưng hôm nọ, Tầm nằm mơ thấy má, má ngồi bên góc da, ngó chiếc xuồng đứt dây trôi giữa sông trong vô vọng, má khóc. Vía Tầm thấy má khóc nhiều lắm. Tầm chạy lại ôm má thì lúc đó Tầm tỉnh giấc.
- Chắc đúng rồi em ơi, tía đi kiếm vợ mới. – Tầm nói với vợ mà mắt nhìn lên trần nhà lá ám ói.
- Vậy giờ tính sao anh?
Im lặng suy nghĩ, Tầm nói:
- Mai anh đi tìm tía.
Nói là làm, năm giờ sáng, Tầm đón tàu đò ra thị xã, rồi đón ghe thương hồ đi tìm tía. Ghe đi hai hôm, đang bữa cơm trưa Tầm chợt bắt gặp tía lang thang trên đường lộ. Tầm nhảy sông lội sang nắm tay tía, giục tía về. Tía dùng dằng không chịu, nhưng Tầm vẫn lôi tay tía về. Lúc đuối lý, Tầm nói, “Tía về nhà trông cháu nội tiếp con, cho con đi mần ăn chớ tía”. Lúc đó ông già khựng lại, rồi lặng lẽ theo thằng con về nhà. Ông già nhìn về phía sau lưng, trời chiều đỏ mọng trong đôi mắt như không chớp.
Lúc về đến nhà thì vợ Tầm đã gần ngày sinh. Ông biết sao bây giờ, đành ở nhà chờ trông cháu nội. Cuộc trông cháu diễn ra suốt năm năm thì ông già yếu dần, ông đột ngột buông đũa trong bữa ăn. Tầm hốt hoảng đưa ông vào trạm xá. Trước lúc ra đi, ông chối rằng:
- Cái giỏ đệm, cái giỏ đệm…
Ông già vừa tắt thở, vợ Tầm đã nhanh chân chạy về nhà mở tủ thờ lục cái giỏ đệm, trong đó có mấy cái áo cũ của con nít, một xấp tiền lẻ đã ngả màu cũ kỹ được xếp và bó lại ngay ngắn cùng một tờ giấy chữ viết nguệch ngoạc toát lên vẻ già nua, rung rung trong từng nét chữ.
Tầm chôn ông kế má, hai ngôi mộ song song, ngó ra ngoài bờ kinh xáng, nơi tàu đò sáng chiều hai lượt chạy qua. Sau đám, vợ Tầm đem tờ giấy trong giỏ đệm của tía ra cho chồng đọc: “Con không phải con của tía má, má ruột con tên là Nhớ, con chủ ghe hàng bông đi bán ở xứ này. Lúc đó má con mang bầu con, nên tía cưu mang, sau khi sanh con, má con gửi con ở lại, nhắn là khi nào con mười tám tuổi, má ruột con sẽ đến tìm con dắt con đi gặp cha con, gặp dòng họ cho biết mặt ông bà. Lúc má con mất, má con chưa tròn ước nguyện nên chối với cha phải tìm cho được má ruột của con. Nhiệm vụ ấy của cha chưa xong, con ráng mà giúp cha tìm cho được má ruột của con”.
Mùa thu, sau giỗ má thì đến giỗ tía. Thằng con của Tầm vào lớp hai, vợ Tầm ở nhà may, cuộc sống có bề khấm khá. Một bữa mưa to, thấy bà già chèo xuồng đi ngang nhà, mắt ngó vào nhà không dứt. Tầm chợt nhớ má quá chừng. Ý nghĩ tìm má ruột được tía gửi gắm mấy năm nay im lìm, giờ nó phựt dậy. Tầm thu xếp đồ đạc vào giỏ đệm của tía, nói với vợ, “em ở nhà coi nhà cửa, anh đi vài bữa anh về”.
Vợ Tầm ngồi may vô cảm như không nghe thấy. Nhưng khi bóng Tầm khuất xa xa ở bụi tre già, vợ Tầm chợt muốn thốt lên: “Làm gì thì làm chớ đừng để tui đi tìm anh nữa à. Nhà này lúc nào cũng có người bận rộn đi tìm tìm tìm…”. Nhưng Tầm ơi là Tầm, bây giờ biết tìm Tầm ở đâu để mà thốt lên lời nói ấy…
LÊ QUANG TRẠNG