Đà Nẵng cuối tuần
Buổi học ngoài đồng rau
Buổi học ngoài trời với những trải nghiệm thú vị tại vườn rau sạch đã được cô giáo Nguyễn Thị Hường, giảng dạy bộ môn Địa lý, Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng vừa tổ chức, nhằm giúp học sinh (HS) tiếp cận tốt hơn những kiến thức nằm ngoài sách vở.
Buổi học ngoại khóa đầy thú vị của thầy và trò Trường THPT Tôn Thất Tùng. Ảnh: H.L |
Nghe bằng tai, thấy bằng mắt
Sáng chủ nhật, hơn 70 HS khối lớp 11, Trường THPT Tôn Thất Tùng háo hức lên ô-tô, di chuyển về Cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm thuộc thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang để tham gia buổi học ngoài trời.
Em Nguyễn Trọng Khoa, học lớp 11/1 cho biết buổi học đã mang đến cho em nhiều trải nghiệm thú vị. Lần đầu tiên tận mắt quan sát cách nông dân xử lý đất trước khi gieo hạt, Khoa và nhiều bạn tỏ ra khá thích thú. Đặc biệt là khi nghe cô giáo nói về tác dụng của vôi bột nông nghiệp có khả năng cung cấp canxi, cải tạo độ pH, giúp khử trùng các nấm bệnh và tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển tốt hơn trong đất. Khoa cho biết: “Nếu chỉ nghe cô giáo giảng bài trên lớp thì em rất khó hình dung đất như thế nào thì đạt độ tơi xốp, đủ độ ẩm, chất dinh dưỡng cần thiết để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm và phát triển sau đó. Chưa kể, với người trồng rau sạch, khâu làm đất rất quan trọng bởi nó gần như quyết định năng suất, sản lượng sau đó”.
Tâm An Farm nằm trên địa bàn xã Hòa Khương, rộng hơn 5 ha, trong đó có khoảng 1.200m2 trồng dưa lưới, khu vực còn lại trồng xen kẻ mướp đắng, bầu, bí, dưa chuột và các loại rau ăn lá. Anh Phan Phúc Tuấn, làm việc tại Tâm An Farm khẳng định quy trình trồng trọt tại đây được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra nghiêm ngặt từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch, bằng phương pháp nông nghiệp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống biến đổi gen.
Theo anh, quá trình trồng rau an toàn đòi hỏi người nông dân bỏ ra nhiều công sức hơn, bởi nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất với những yêu cầu khắt khe, dựa trên việc khai thác hợp lý chất dinh dưỡng từ đất. Với mô hình trồng rau sạch này, anh hy vọng sẽ giúp người dân địa phương dần thay đổi thói quen canh tác nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo sức khỏe của con người, cải tạo môi trường, hệ sinh thái bền vững. Đối với HS, anh cho rằng, việc để các em tiếp xúc sớm với nông nghiệp sạch là điều vô cùng cần thiết trong giáo dục ý thức, thái độ ứng xử giữa con người với thiên nhiên…
Giải phóng khỏi không gian lớp học
Không phải cắm cúi ghi chép, không cần ngồi ngay ngắn trên bàn với thái độ hoàn toàn nghiêm túc, ngoài đồng rau, học trò được thoải mái ngồi bệt, nhìn chỗ này, ngắm chỗ kia, ồn ào trao đổi những điều tai nghe, mắt thấy. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ ngoài đồng rau, các em được tham quan, nghe cô giáo giới thiệu các loại rau quả cũng như xới đất, nhổ cỏ, tưới cây, tìm hiểu những đặc tính phát triển của cây trồng.
Ôm mớ rau cải vừa hái được, Dương Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 11/1 tươi cười cho biết em cảm thấy rất thú vị khi được tham quan vườn rau. “Buổi học đã cho em biết thêm nhiều điều. Như trồng rau sạch vất vả như thế nào từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ, ngắt đọt (ngọn), bắt sâu gây hại; tại sao xúc tua dây leo mọc ngược chiều kim đồng hồ, vai trò của mỗi xúc tua trong quá trình phát triển của cây; vì sao mỗi cây dưa lưới người ta chỉ để lại một quả trên cành… Những kiến thức này nếu chỉ đọc sách, em sẽ không thể nắm bắt hết”.
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những buổi học ngoại khóa cho HS tại bảo tàng, công viên và xem đây là hoạt động cần thiết trong quá trình giảng dạy.
Ông Võ Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng khẳng định ngoài kiến thức thu nạp được, phương pháp này giúp HS phát triển thêm về nhận thức, kỹ năng thực hành. Ví như khi ra đồng, các em có thể hiểu thêm sự vất vả của người nông dân để từ đó biết quý trọng thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Nếu nhìn lướt qua, rất giống các em đang tham gia một hoạt động dã ngoại, tham quan nhưng kỳ thực các em đang quan sát, tìm kiếm đề tài, thông tin để về viết bài thu hoạch. Đó là phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” đang được nhà trường khuyến khích giáo viên bộ môn nghiên cứu thực hiện.
Cũng theo ông Khánh, ngoài chương trình học tập tại đồng rau, thầy và trò Trường THPT Tôn Thất Tùng còn tổ chức những buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng cho tiết học Lịch sử và khám phá Sơn Trà, tìm hiểu đa dạng sinh học cho tiết Sinh học.
Có thể nói, đồng rau không phải là một nơi hoàn toàn xa lạ với nhiều em HS. Tuy nhiên, việc đến đây cùng cô giáo đã giúp HS có thêm những “kiến thức bên lề” rất hữu ích. Cô Nguyễn Thị Hường, người trực tiếp thiết kế nội dung ngoại khóa tại Tâm An Farm hy vọng buổi học sẽ giúp HS chủ động nắm bắt những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, khái nghiệm trồng rau sạch.
Hành trình khám phá thiên nhiên, thiết kế học tập thông qua trải nghiệm thực tế, là mô hình giáo dục khá mới mẻ đối với nhiều HS thành phố. Chưa kể việc tham gia buổi học ngoài trời sẽ giúp HS xây dựng kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình, ghi chép cũng như khơi gợi tư duy sáng tạo trong suốt quá trình hoàn thành bài luận sau đó.
PHI TUÂN