Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Quả sung có chữa sỏi mật ?

08:01, 22/10/2017 (GMT+7)

Sung là một loài cây đặc biệt vì có rất nhiều quả lúc lỉu trên cành mà không thấy hoa, nên còn được gọi là Vô hoa quả hay Ưu đàm thụ. Thực vật chí Trung Quốc gọi là Tụ quả dong (聚果榕) hay Mã lang quả (马郎果), tên khoa học Ficus racemosa L. (đồng danh F. glomerata Roxb), thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Sung là cây cảnh, vừa làm thức ăn, vừa cho thuốc quý. Ảnh: P.C.T
Sung là cây cảnh, vừa làm thức ăn, vừa cho thuốc quý. Ảnh: P.C.T

Sung là loài cây có thể cao tới 15-20m. Lá hình ngọn giáo hay bầu dục, mọc so le, thường bị sâu ký sinh, tạo thành mụn nhỏ. Cụm hoa trên đế hoa lõm, phát triển thành túi kín bao lấy hoa ở bên trong, các cụm hoa này xếp thành chùm ở thân và cành. Quả Sung (thực chất là đế hoa bao lấy quả thật ở bên trong) khi chín màu đỏ. Mùa hoa tháng 6-11.

Sung là cây của miền Đông Dương và Ấn Độ, thường mọc hoang và đôi khi cũng được trồng làm cảnh, lấy quả ăn và làm thuốc.

Ngoài quả, còn lấy nhựa mủ; lá và vỏ cây. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Nhựa chích từ thân cây tươi. Lá dùng tươi hay phơi khô, hoặc đốt tồn tính, tán bột, chọn những lá có mụn càng tốt. Đẽo vỏ cây, cạo lớp vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Sung có vị ngọt, hơi chát tính mát; có tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thũng, tiêu viêm, sát trùng, bổ máu. Vỏ cây có vị chát. Quả có vị chát; có tác dụng lợi tiêu hóa, lợi trung tiện. Thường dùng 10-20g cành lá, vỏ cây sắc uống.

Ở Ấn Độ, rễ Sung được dùng trị lỵ, nhựa rễ dùng trị bệnh đái đường; lá làm thành bột và trộn với mật ong dùng trị bệnh về túi mật; quả được dùng trị rong kinh và khạc ra máu; nhựa Sung dùng trị bệnh trĩ và ỉa chảy. Ở Inđônêxia, dùng chữa đau dạ dày và ruột, ngộ độc, rắn cắn.

Đơn thuốc:

1. Chữa nhức đầu: Phết nhựa Sung lên giấy rồi dán ở hai bên thái dương. Chữa liệt mặt thì dán vào bên phía mặt không bị méo.

2. Chữa bỏng: Hòa nhựa Sung với lòng trắng trứng gà phết lên giấy bản rồi dán.

3. Trẻ em lở ghẻ: Dùng lá Sung non giã nhỏ xát vào sẽ làm bong vẩy.

4. Mặt nổi cục sưng đỏ như hạt đào, hạt mận: Dùng lá Sung tật (có mụn) nấu nước uống, xông rửa hằng ngày.

5. Đàn bà đẻ ít sữa: 10-20g cành lá hoặc vỏ Sung sắc uống, phối hợp với lõi cây Thông thảo, quả Đu đủ non, chân giò lợn nấu ăn. Hoặc dùng quả Sung, quả Mít non hay dái Mít thái nhỏ, nấu cháo với gạo nếp hoặc nấu canh ăn.

Sung có chữa sỏi mật?

Mấy năm gần đây trên nhiều phương tiện truyền thông phổ biến bài thuốc kinh nghiệm chữa sỏi mật rất hiệu quả của lương y Phan Văn Sang dùng quả sung xanh đập dập phiến mỏng, phơi khô, sao vàng hạ thổ, mỗi lần dùng 100-200g sắc 4 chén nước còn 1 chén chia uống trong ngày.

Có lần đọc báo thấy một vị bác sĩ  nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng:  “Trong Đông y không có bài thuốc nào trị sỏi mật, sỏi gan từ quả sung cả. Bài thuốc của ông Sang có lẽ là một bài thuốc dân gian của một đồng bào vùng miền nào đó. Để chứng thực bài thuốc này, trước hết cần kết quả điều trị của 100 người sử dụng trở lên, sau đó mới có thể đánh giá nó có hiệu quả hay không”.

Với quan điểm “đừng vội tin cũng đừng vội bác bỏ” như có lần đã nói, tôi đã âm thầm theo dõi 3 trường hợp bệnh sỏi mật, sau thời gian từ 1-2  tháng dùng bài thuốc quả sung nói trên, đã có 2 người đến bệnh viện tái khám thấy sỏi tiêu hoàn toàn. Trong đó có vợ một giám đốc bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đã được các thầy thuốc ở bệnh viện trung ương chẩn đoán xác định và chỉ định phẫu thuật. Người còn lại từng là “nhân vật” trong bài viết “Chùm gửi nên thuốc” trên “Phương hay thuốc quý” cách đây ba năm.

Chính vì vậy mà trong đợt điều tra bài thuốc ở Đà Nẵng vừa qua, khi  được y sĩ Võ Thị Lệ Thanh, ki-ốt thuốc nam số 1, chợ Cồn, có giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm trị sỏi mật gồm Quả sung khô 100g, Dứa rừng 20g, Râu mèo 15g, sắc uống ngày 1 thang. Chúng tôi đã tiếp nhận phổ biến trong sách “Cây thuốc Đà Nẵng” đang biên soạn.

PHAN CÔNG TUẤN

.