Đà Nẵng cuối tuần

Cần sự tiếp sức của doanh nghiệp

17:05, 15/10/2017 (GMT+7)

Mỗi năm, Đà Nẵng có hàng ngàn sinh viên (SV) tốt nghiệp các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch ra trường nhưng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn vẫn than “khát” nguồn nhân lực. Phải chăng, nhà trường vẫn chưa khắc phục được những “lỗ hổng” trong công tác đào tạo, hoặc SV vẫn chưa thật sự có ý thức trong việc học tập, bồi dưỡng kỹ năng, ngoại ngữ để phù hợp hơn với xu thế tuyển dụng hiện nay?!

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc tham gia buổi thực hành kỹ năng giao tiếp tại khách sạn Grand Tourane.  Ảnh: T.Y
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc tham gia buổi thực hành kỹ năng giao tiếp tại khách sạn Grand Tourane. Ảnh: T.Y

Lo lắng chất lượng nguồn nhân lực

Đến thời điểm hiện tại, các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Đông Á, ĐH Duy Tân, Cao đẳng Nghề du lịch, Cao đẳng nghề Việt - Úc, Trung cấp dạy nghề… mỗi năm cũng chỉ cung ứng chưa tới 1.000 lao động ngành du lịch, đáp ứng chưa đến 20% so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đó có thể là con số ảo. Bởi số lượng SV ra trường mỗi năm tại Đà Nẵng chưa chắc đã làm đúng ngành nghề, hoặc chọn Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp. Chưa kể, việc “kén chọn” nhân viên của các đơn vị tuyển dụng cũng là lý do khiến nguồn cung ứng lao động luôn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa: học đúng nghề nhưng vẫn thất nghiệp do không xin được việc. Nhiều bạn trẻ khi chọn ngành, nghề đào tạo đã không biết rằng, có đến 70% vị trí việc làm tại khách sạn, khu nghỉ mát dành cho các nghề buồng phòng, đầu bếp, phục vụ nhà hàng hoặc lực lượng bảo vệ.

Đánh giá về chất lượng lao động hiện nay, tổng giám đốc một khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố nói: Có không ít học viên dù được đào tạo hệ ĐH, CĐ nhưng khi tuyển về, doanh nghiệp (DN) vẫn phải bỏ chi phí đào tạo lại, hoặc đào tạo bổ sung ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Theo ông, vài năm trở lại đây, khi một số trường nhận đào tạo theo đơn đặt hàng từ phía DN thì chất lượng lao động có tăng lên nhưng chưa đột phá. Ông so sánh, ở các nước châu Âu, thời lượng học lý thuyết, thực hành trong suốt thời gian theo học của SV là 50-50 thì ở Việt Nam, mỗi SV chỉ có 2 kỳ thực tập, tương đương 4 tháng nên thiếu hẳn các kỹ năng chuyên nghiệp. Mặt khác, với những địa điểm lưu trú có “sao”, việc đón tiếp du khách nước ngoài là điều đương nhiên, nếu học viên thiếu kiến thức ngoại ngữ, không có khả năng giao tiếp tốt, thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc có điều kiện phát triển chuyên môn nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, trong đào tạo nhân lực thì nên tránh để DN “chê”.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu là thách thức không nhỏ của ngành du lịch Đà Nẵng. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng tỏ ra lo lắng: “Có gần 90% lao động du lịch được đào tạo về ngoại ngữ nhưng chủ yếu trình độ A, B. Thêm vào đó, hiện nay khá nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về đầu tư khách sạn, dịch vụ đã có mặt tại Đà Nẵng, họ đưa ra những yêu cầu rất cao về lao động, nếu các trường vẫn đào tạo theo tư duy cũ, DN vẫn dễ dãi theo kiểu “có sao xài vậy”, thì nút thắt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch Đà Nẵng vẫn không tháo gỡ được”.

Nâng chuẩn đào tạo là yêu cầu cấp thiết

Năm 2007, Trường Trung cấp nghề Việt - Úc (nay là hệ cao đẳng) là trường đào tạo nghề chuyên về lĩnh vực du lịch do tư nhân đầu tư đầu tiên tại Đà Nẵng. Thời điểm hiện tại, trường này đào tạo tất cả 8 nghề trong lĩnh vực dịch vụ du lịch như nghiệp vụ lễ tân, lưu trú, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, marketing du lịch, kế toán doanh nghiệp.

Hiệu trưởng Đặng Phúc Sinh cho biết, để góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho du lịch Đà Nẵng, nhà trường thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát nhu cầu thực tế của DN để đưa ra chiến lược đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất tương đương với cơ sở lưu trú bậc cao, chỉnh sửa giáo trình phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường luôn mời các chuyên gia trong, ngoài nước đang làm quản lý tại các khu nghỉ mát hàng đầu Đà Nẵng và Hội An như Furama, Victoria, Swiss-Bel Hotel Golden Sand, Sandy Beach... về trực tiếp tư vấn, giảng dạy để SV sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu công việc một cách tốt nhất. Trước nhu cầu tuyển dụng của thị trường, ngoài cung cấp đội ngũ lễ tân, buồng phòng, bếp theo tiêu chuẩn đại trà, hiện nhà trường còn đào tạo nhân viên phục vụ chất lượng cao và nhân viên quản lý trung gian như trưởng phó bộ phận, giám sát, tổ trưởng...

Cũng theo ông Sinh, hiện nay nhà trường đang thực hiện mô hình đào tạo: “học viên - nhà trường - khách sạn thực hành (do trường đầu tư) - thị trường”. Lợi thế của khách sạn thực hành là SV có điều kiện tiếp xúc sớm hơn với công việc, thời gian thực hành kéo dài và được giáo viên thẳng thắn chỉ ra những lỗi cơ bản cần tránh trong lúc làm việc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phú, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ, để đào tạo nguồn nhân lực du lịch đúng chuẩn, bên cạnh mời DN tham gia vào ngày hội hướng nghiệp, cần tổ chức thêm mô hình “trường trong doanh nghiệp” và “doanh nghiệp trong trường” với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên nhằm tạo “cú huých” trong công tác đào tạo. Bởi theo ông, không phải giảng viên nào cũng có điều kiện trải nghiệm thực tế nên việc giảng dạy còn nhiều hạn chế. Khi ấy, sự tiếp sức của DN là vô cùng cần thiết. Tiến sĩ Đinh Thị Thi, nguyên Trưởng khoa Du lịch, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng có một nhận xét rằng, trong buổi tiệc, chỉ cần nhìn vào thái độ phục vụ của nhân viên sẽ biết họ có được đào tạo bài bản hay không. Một nhân viên chuyên nghiệp, phải biết chủ động sắp xếp chỗ ngồi, giới thiệu rõ ràng nguyên liệu từng món ăn (tránh khả năng gây dị ứng cho khách), ưu tiên phục vụ trẻ em, chọn thời điểm phục vụ hợp lý để tránh làm phiền khách, không chủ động dọn bát đĩa khi khách chưa rời khỏi nhà hàng, luôn có nụ cười trên môi… Nếu nhân viên phục vụ không tự “răn” mình ở những chi tiết nhỏ, thì rất khó tìm được một công việc ổn định.

Với tinh thần này, Trường ĐH Duy Tân đã ký kết hợp tác với hơn 300 DN du lịch trên địa bàn. Từ đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với DN tổ chức các ngày hội hướng nghiệp, tuyển dụng, tư vấn cho SV, đồng thời hỗ trợ SV địa điểm thực tập và ưu tiên tuyển dụng SV Trường ĐH Duy Tân vào làm việc sau đó. Ông Phú đơn cử, tại Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng sinh viên du lịch Đà Nẵng 2017, do Trường ĐH Duy Tân phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức, diễn ra tháng 4-2017 đã thu hút 31 khách sạn, DN hoạt động tại khu vực miền Trung đến đăng ký tuyển dụng lao động 4 nhóm ngành. Trong đó, riêng lao động ngành du lịch có 1.212 vị trí tuyển dụng.

Trong bối cảnh “khát” nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao như hiện nay, mới đây, sự kiện Tập đoàn Empire ký kết với 5 trường ĐH: Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Đông Á, Duy Tân và CĐ Pegasus, CĐ Nghề Việt - Úc trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã nhen nhóm niềm hy vọng mới cho Đà Nẵng. Ông Trịnh Việt Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire cho biết từ đây tới năm 2020, thông qua các trường ĐH, CĐ, đơn vị này sẽ hỗ trợ môi trường thực hành chuyên nghiệp, kịp thời, từ đó tìm kiếm khoảng 10.000 lao động đảm nhiệm các vị trí tại Tổ hợp Du lịch và Giải trí Cocobay Đà Nẵng.

Có thể nói, nâng chuẩn đào tạo lao động ngành du lịch là yêu cầu cấp thiết đang được xã hội đặt ra.

TIỂU YẾN

.