Đà Nẵng cuối tuần
Lớp học trong bom đạn
Vào những năm 1965-1968, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Vùng giải phóng luôn bị Mỹ - ngụy càng quét, đánh phá dữ dội. Nhưng các lớp học phổ thông bổ túc văn hóa vẫn được bám trụ, duy trì. “Thầy bám trò, trò bám lớp”, càng gian khổ, ác liệt bao nhiêu, tình thầy trò càng gắn bó.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Năm 1968, nhận chỉ thị của Đặc Khu ủy Quảng Đà, lớp học giải tán. Thầy trò cùng nhau tham gia vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, góp phần vào chiến thắng của quê hương. Tuy chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng Đảng và chính quyền cách mạng các cấp đã sáng suốt đề ra chủ trương và các biện pháp tích cực nhất, thiết thực và cụ thể nhất để phát triển giáo dục ở khắp các địa bàn nông thôn đồng bằng (vùng giải phóng), miền núi và vùng ven, vùng tranh chấp với địch luôn được tồn tại và phát triển.
Đào tạo giáo viên cấp tốc
Đảng đề ra chủ trương muốn phát triển giáo dục cách mạng thì trước hết phải có con người biết làm giáo dục cách mạng. Do vậy, nhân lúc Khu ủy V thành lập Trường Trung cấp Sư phạm miền Trung Trung bộ (cuối năm 1964) để đào tạo giáo viên cấp 2 cho các tỉnh thuộc khu Trung Trung bộ, Tỉnh ủy Quảng Đà đã kịp thời tuyển chọn một số thanh niên, học sinh (là cơ sở cách mạng) có trình độ văn hóa tú tài 1, tú tài 2 ở các đô thị vừa mới thoát ly ra vùng giải phóng đưa đi học tại trường sư phạm miền Trung Trung bộ (Khu V) liên tục từ khóa I đến khóa V (1964-1975) gần 40 đồng chí.
Tất cả các anh chị giáo viên được đào tạo dưới mái trường sư phạm Khu V, trong số đó có tôi - giáo sinh khóa I (1964-1965), sau khi tốt nghiệp ra trường đều trở về Quảng Đà chung vai sát cánh cùng với các anh chị cán bộ, giáo viên từ miền Bắc chi viện vào miền Nam và cán bộ miền Nam tập kết trở về khoảng 20 đồng chí hợp thành một lực lượng giáo dục có tâm huyết với ngành, không sợ hy sinh, gian khổ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của Đảng và chính quyền cách mạng giao phó là xây dựng một nền giáo dục cách mạng để phục vụ nhiệm vụ chính trị: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với phương châm ở đâu có vùng giải phóng, có dân thì ở nơi đó có tổ chức lớp học.
Ngay từ những năm 1964-1965, Tỉnh ủy Quảng Đà đã thành lập Tiểu ban Giáo dục Quảng Đà trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà có 10-15 đồng chí do đồng chí Nguyễn Liêm làm Trưỏng tiểu ban, đồng chí Nguyễn Nhung làm Phó tiểu ban, đồng chí Bùi Thị Nguyên và đồng chí Trần Hoàng Hoanh cán bộ chiến khu làm ủy viên, điều động một số giáo viên từ miền Bắc vào, từ trường sư phạm Khu V tốt nghiệp ra trường về bổ sung làm cán bộ chỉ đạo. Số giáo viên còn lại, Ban giáo dục phân công giảng dạy tại các trường sư phạm cấp 1, trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa tỉnh và làm cán bộ chỉ đạo ở các phòng giáo dục huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Đà.
Về phong trào giáo dục ở vùng giải phóng Quảng Đà trong những năm 1965-1975, trước hết là thành lập trường, lớp sư phạm sơ cấp của tỉnh. Sau khi có lực lượng cán bộ giáo viên từ miền Bắc chi viện vào và giáo viên được đào tạo tại trường Sư phạm Khu V tốt nghiệp ra, trong những năm 1966-1970, Ban Giáo dục Quảng Đà tổ chức các lớp sư phạm để đào tạo giáo viên cấp I. Các lớp sư phạm này do đồng chí Bùi Thị Nguyên và tôi phụ trách, chiêu sinh từ số thanh niên ở các vùng giải phóng, vùng ven và vùng đô thị có trình độ văn hóa từ đệ ngũ, đệ tứ (nay là lớp 8, 9) trở lên đưa đi đào tạo sư phạm. Đã tổ chức được 4 khóa, mỗi khóa chiêu sinh từ 35-40 giáo sinh và lớp học đặt tại xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn), xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc), xã Xuyên Thanh, Xuyên Lộc (huyện Duy Xuyên) và 1 khóa đặt tại vùng núi Quảng Đà. Số giáo sinh này được đào tạo cấp tốc thời gian từ 3-4 tháng. Sau khi ra trường được Ban Giáo dục Quảng Đà phân công về các huyện để tổ chức các lớp dạy chữ cho con em nhân dân ở vùng giải phóng.
Dạy chữ cho con em vùng giải phóng
Nhờ có lực lượng hơn 100 giáo viên cấp 1 được đào tạo cấp tốc tại trường Sư phạm Quảng Đà ra trường đáp ứng kịp thời phong trào giáo dục cách mạng. Ban Giáo dục Quảng Đà đề ra chủ trương: thôn, xã nào được giải phóng đến đâu và có chính quyền cách mạng thì tổ chức lớp học đến đó. Vì vậy, ở nhiều thôn, xã vùng giải phóng có dân đều có lớp học, mỗi lớp từ 15-20 học sinh.
Có những vùng giải phóng như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Mỹ ngụy thường xuyên hành quân càn quét, đánh phá ác liệt, trên bom dưới đạn, nhưng thầy trò vẫn bám lớp, bám trường, tiếng học trò vang lên, tiếng thầy cô giáo giảng bài vẫn trong trẻo, hùng hồn. Đặc biệt, ở các vùng ven, vùng tranh chấp như vùng ven các xã Điện Hòa, Điện Tiến (Điện Bàn), xã Hòa Tiến (Hòa Vang), xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim (Hội An) ngày cũng như đêm luôn có lính Mỹ, ngụy đi tuần tra nhưng ta vẫn tổ chức được lớp học cho trẻ em. Có lúc cô giáo đang giảng dạy thì quân Mỹ ngụy đến đứng xem, cười nói, chỉ chỏ rồi bỏ đi, lớp vẫn tiếp tục học. Có lớp đang học bọn lính Mỹ ngụy đến đập phá bàn ghế, đánh đuổi cô giáo và học trò nhưng sau đó vẫn tổ chức học lại.
Mỗi trường phổ thông cấp 2 có từ 3-4 lớp, mỗi lớp từ 25-30 học sinh. Các trường cấp 2 được duy trì từ các năm 1965-1967. Đến chiến dịch mùa xuân năm 1968 các thầy cô giáo và học sinh tham gia chiến đấu, có một số đã hy sinh, trường lớp bị địch càn quét đánh phá, đốt cháy nên phải giải thể. Chỉ còn một số trường lớp cấp 2 ở các huyện miền núi Quảng Đà còn tiếp tục dạy.
Phong trào tổ chức lớp học tại vùng ven, vùng tranh chấp với địch ở Quảng Đà trong những năm 1968-1971 có nhiều sáng tạo, linh hoạt nên được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị Tổng kết giáo dục các tỉnh miền Trung (khu 5) tổ chức vào các ngày cuối tháng 10-1971 tại núi rừng miền Tây tỉnh Quảng Ngãi để rút kinh nghiệm cho toàn miền. Ban Giáo dục cử tôi đi dự hội nghị để báo cáo. Đối với giáo dục các huyện miền núi, thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú, tổ chức biên soạn tiếng dân tộc để dạy trong các trường do đồng chí Trần Hoàng Hoanh phụ trách.
Đến giữa năm 1971-1973, Đặc Khu ủy và Ủy ban cách mạng Quảng Đà chỉ đạo Ban Giáo dục Quảng Đà tổ chức thành lập trường phổ thông nội trú đặt tại thôn Thành Mỹ (huyện Giằng, nay là huyện Đông Giang) để nuôi dạy các cháu là con em cán bộ, gia đình cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ ở các vùng giải phóng, vùng ven, đô thị đưa lên học gần 100 em. Trong số học sinh này được chọn một số đưa đi học ở miền Bắc để đào tạo, số còn lại tiếp tục đi học đến khi giải phóng Đà Nẵng.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban cách mạng Quảng Đà, Ban Giáo dục Quảng Đà tổ chức mở các trường, lớp dạy bổ túc văn hóa ở các địa bàn miền núi và vùng giải phóng từ những năm 1966-1967 đến 1974-1975 được duy trì phát triển tốt, học theo hai hình thức: Hình thức mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ được tổ chức vào ban đêm ở các thôn xã vùng giải phóng Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn để bà con nhân dân đến học. Đồng chí Nguyễn Liêm thường xuyên mang ba lô đi cơ sở, đi đến từng thôn xóm tập trung dân lại, tập cho nhân dân hát hò khoan rồi tổ chức lớp học bình dân ngay tại chỗ, bà con rất phấn khởi tham gia học văn hóa xóa mù chữ. Hình thức tổ chức mở trường lớp học bổ túc văn hóa tập trung tại căn cứ và các vùng giải phóng dành riêng cho cán bộ, đảng viên chủ chốt (gồm cấp ủy, ủy ban, trưởng đầu ngành các xã, huyện và cán bộ tỉnh Quảng Đà).
Với bối cảnh lịch sử trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, với những điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp như vậy, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền cách mạng, sự nghiệp giáo dục Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn được duy trì và phát triển, đã góp một phần công sức và xương máu vào thắng lợi chung trong sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chiến tranh nay đã lùi xa/ Đồng đội ngã xuống quê nhà đứng lên/ Nhớ đồng nghiệp mãi gọi tên/ “Nhà giáo chiến sĩ” không quên bao giờ.
Để chỉ đạo phong trào giáo dục trên địa bàn tỉnh, Tiểu ban Giáo dục Quảng Đà tổ chức thành 4 bộ phận để chỉ đạo: Bộ phận lo phát triển giáo dục các huyện miền núi; Bộ phận lo xây dựng phát triển phong trào giáo dục phổ thông ở các huyện đồng bằng; Bộ phận lo xây dựng các trường sư phạm, trường bổ túc văn hóa và Bộ phận văn phòng do các đồng chí Trần Hoàng Hoanh, Nguyễn Nhung, Bùi Thị Nguyên, Nguyễn Liêm phụ trách. |
NGUYỄN THANH TÙNG
Nguyên cán bộ Ban Giáo dục Quảng Đà