Đà Nẵng cuối tuần

Nếu có một điều ước…

17:04, 15/10/2017 (GMT+7)

Nếu cho bạn một điều ước, bạn sẽ ước gì? 14 thí sinh dự thi cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế lần thứ 7 tổ chức ngày 8-10 tại Đà Nẵng, trên con đường thể hiện ước mơ của mình đều mong muốn được đặt chân đến đất nước mặt trời mọc để học, để kết nối giá trị tinh hoa giữa hai nước Việt-Nhật.

Chủ đề của cuộc thi hùng biện tiếng Nhật năm nay mang tính gợi mở: Nếu chỉ có một nguyện vọng thành sự thật? Mỗi thí sinh đến với cuộc thi đều có một câu chuyện riêng, một điều ước riêng cho mình. Các bạn dành điều ước ấy để kể một câu chuyện của quá khứ, nói về những nguyện vọng trong tương lai. Và trong 14 thí sinh đến từ các trường phổ thông, trường đại học và các trung tâm tiếng Nhật ở Đà Nẵng, một nửa nói về những tâm sự của bản thân, một nửa nói về môi trường sống và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống xung quanh. Từ tình yêu dành cho tiếng Nhật, các bạn nuôi một niềm đam mê được đến xứ sở Phù Tang, nên quyết tâm thực hiện ước mơ bằng cách học tiếng Nhật. Ước mơ, với những người trẻ vì thế luôn lung linh với một tình cảm trân trọng.

Người đoạt giải nhất của cuộc thi hùng biện quốc tế tiếng Nhật, Cúp Học viện Kake lần thứ 7 năm nay là Nguyễn Công Thái Bình Dương, sinh viên năm thứ 4 ngành Kế toán-Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Bình Dương cho rằng điều ước của bản thân thì thật sự rất nhiều. Tuy nhiên những điều đó chỉ cần cố gắng là có thể đạt được. Vì vậy em giành điều ước này cho mẹ của mình - người đã luôn hy sinh vì gia đình: “Mẹ đã ước mơ trở thành bác sĩ từ khi còn nhỏ. Giấc mơ vẫn lớn dần theo năm tháng nhưng hoàn cảnh lúc ấy không cho phép nên mẹ không thể thực hiện điều này. Em từng muốn trở thành bác sĩ để thực hiện ước mơ thay mẹ nhưng chính mẹ đã khuyên nên chọn nguyện vọng của bản thân - đó mới là điều mẹ mong muốn nhất. Nếu một điều ước trở thành sự thật, em mong mẹ có thể quay về thời 20 tuổi, được vào đại học y, trở thành một bác sĩ giỏi. Em tin, nếu điều ước ấy thành sự thật, mẹ sẽ rất hạnh phúc”. Cô gái đến từ xứ sở trầm hương Khánh Hòa thêm một lần xúc động khi lên nhận thưởng. Bình Dương đã giành một suất dự thi cùng bạn bè quốc tế tại Học viện Kake ở xứ sở Phù Tang vào tháng 11 tới.

Nếu chỉ có một điều ước trở thành sự thật, thì Nguyễn Ngọc Bảo Nghi, SV năm nhất khoa Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng lại ước mơ được một lần quay lại mái trường phổ thông để dự lễ tốt nghiệp cuối cùng của đời học sinh, thêm một lần được mặc áo dài trắng, được nghe bài giảng của thầy cô, được ngắm nhìn những gương mặt bạn bè thân yêu, làm hòa với những bạn học mà đôi lần khúc mắc chưa có dịp giải bày… Còn Lê Huỳnh Khánh Vân, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đoạt giải nhì cuộc thi thì ước mơ được du học trên đất nước Nhật Bản để được tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến, nhờ đó sẽ trưởng thành hơn và có thể giới thiệu với bạn bè ở đó về nét đẹp truyền thống văn hóa quê hương mình cũng như tìm hiểu về văn hóa nước bạn, góp chút công sức mình nối nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.

Để có thể vượt qua vòng loại và đứng trên sân khấu trình bày về ước mơ của mình, các bạn phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tiếng Nhật. Nguyễn Công Thái Bình Dương chia sẻ, em thích tiếng Nhật và ước được du học ở đất nước này từ khi còn học phổ thông nhưng em chưa có điều kiện thực hiện. Khi ra Đà Nẵng, qua năm thứ 2 đại học bạn mới bắt đầu học tiếng Nhật ở Trung tâm Nhật ngữ Sakura. Hay Bảo Nghi đến với tiếng Nhật vào đầu năm lớp 10 và bạn phải dừng học suốt năm học lớp 12 để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Lúc học phổ thông ở Trường THPT Phan Châu Trinh, Bảo Nghi học tiếng Anh là môn chính, môn phụ là tiếng Pháp và học thêm tiếng Nhật nên theo bạn là “cực kỳ vất vả”. Vừa học một lúc song song nhiều thứ tiếng nên hầu hết các bạn phải thật kiên trì, và luôn đặt ra ước mơ được một lần đặt chân đến nước Nhật, hoặc xa hơn là sẽ du học lấy bằng thạc sĩ như Bình Dương đang đặt ra mục tiêu sau khi tốt nghiệp đại học. Việc các bạn được học trực tiếp với thầy cô giáo người Nhật ở trung tâm; hay như Khánh Vân thỉnh thoảng được giao lưu với thầy cô người Nhật, tham dự các chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật được tổ chức ở Đà Nẵng; Bảo Nghi đang làm thêm ở một cửa hàng lưu niệm có rất nhiều người Nhật lui tới là cơ hội để bạn trau dồi tiếng Nhật… là điều kiện để các bạn nâng cao năng lực của mình.

Vào tháng 11 tới, hai quán quân cuộc thi ở Đà Nẵng và Hà Nội sẽ cùng nhau đến nước Nhật dự thi. Dù chưa có thí sinh nào của Việt Nam đoạt giải quốc tế, song cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế thường niên do Học viện Kake (Nhật Bản) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các Trung tâm Nhật ngữ, các trường học dành cho học sinh không chuyên ngữ tổ chức vẫn thu hút rất đông các bạn học sinh, sinh viên và cả những người đi làm tham gia. Bởi ngoài kiểm chứng năng lực ngoại ngữ, thì một cơ hội đến đất nước Nhật, tìm hiểu về văn hóa, con người Nhật Bản; đưa những tinh túy văn hóa của Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới vẫn là ước mơ của nhiều bạn trẻ.

HIỀN LƯƠNG

.