Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Bầu ơi thương lấy bí cùng…

07:04, 08/10/2017 (GMT+7)

“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hoặc: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Đó là những câu ca dao hầu như người Việt nào cũng biết, mỗi khi nhắc đến cây Bầu (tên khoa học Lagenaria siceraria (Molina) Standl, thuộc họ Bầu bí – Cacurbitaceae).

Bầu nậm – Lagenaria siceraria var microcarpa. Ảnh: P.C.T
Bầu nậm – Lagenaria siceraria var microcarpa. Ảnh: P.C.T

Tôi còn nhớ vào thời mà Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ “Mẹ và quả” có câu: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống”, mùa giáp hạt ở quê tôi, nhiều gia đình đông con phải ăn trừ bữa bằng món khoai lang - canh bầu.

Thời đó, mỗi gia đình ở nông thôn thường thả một giàn bầu, cây mọc rất khỏe, sinh nhiều rễ phụ ở các đốt thân. Bầu ưa đất cao ráo, nếu trồng đúng thời vụ (tháng 10) và chăm sóc tốt, bầu cho nhiều quả, ít ruột, năng suất cao. Quả bầu non được dùng làm rau ăn, luộc, xào hoặc nấu canh; lá cũng dùng làm rau ăn chống đói. Vỏ quả bầu nậm quả thắt co lại để chín già có thể làm bình đựng nước, đựng rượu, làm đàn bầu.

Trong văn hóa Đông y, quả bầu còn là biểu tượng cho nghề y, gọi là “huyền hồ tế thế - 懸壺濟世” (nghĩa đen: treo bầu cứu đời). Bởi lẽ người ta thường dùng quả bầu khô (hồ lô) đựng thuốc hay rượu thuốc, treo trước nhà hay đeo bên mình (huyền hồ), như là nhãn hiệu (trademark) cho biết đó là nhà thầy thuốc.

Bầu là dây leo thân thảo có tua cuốn phân nhánh, phủ nhiều lông mềm màu trắng. Lá hình tim rộng, không xẻ thùy hoặc xẻ thùy rộng, có lông mịn như nhung màu trắng; cuống có 2 tuyến ở đỉnh. Hoa đơn tính cùng gốc, to, màu trắng, có cuống hoa dài tới 20cm. Quả mọng màu xanh dợt hay đậm, có hình dạng khác nhau hoặc tròn, dài thẳng hoặc thắt eo, vỏ già cứng hóa gỗ, thịt trắng. Hạt trắng, dài 1,5cm.
Bầu là món ăn phổ biến của nhân dân ta. Ta thường dùng thịt quả luộc, nấu canh hoặc xào, ăn mát người lại trị được bón kết. Nước luộc bầu để uống mát và thông đường tiểu tiện. Nhiều bộ phận của cây bầu được sử dụng làm thuốc.

Quả thường gọi là Hồ lô. Rễ, lá, tua cuốn, hoa cũng được sử dụng. Người ta cắt bầu thành khoanh, gọt bỏ vỏ cứng, loại bỏ hạt già, rồi thái miếng nhỏ dựng tươi, có khi đem phơi khô để cất dành. Hạt thu hái ở quả già, phơi khô.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy quả bầu tươi chứa 95% nước, 0,5% protid, 2,9% glucid, 1% cellulos, 21mg% calcium, 25% phosphor, 0,2mg% sắt và các vitamin: caroten 0,02mg%, vitamin B1: 0,02mg%, vitamin B2 0,03mg%, vitamin PP 0,40mg% và vitamin C 12mg%. Trong quả còn có saponin. Quả bầu là nguồn tốt về vitamin B và vitamin C. Nhân hạt già chứa tới 45% dầu béo.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy bầu có các tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư và chống dị ứng.
Theo Đông y, quả bầu có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, tiêu thũng, trừ ngứa, chữa phù nề, đái đường, đái tháo, máu nóng sinh mụn lở. Lá bầu có vị ngọt, tính bình, có thể làm thức ăn. Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải nhiệt độc. Còn có thứ bầu đắng, tính lạnh, hơi độc, có tác dụng lợi tiểu, thông đái dắt, tiêu thũng. Nhưng cần lưu ý: Bầu tính lạnh, ăn nhiều thì sinh nôn tháo, người hư hàn, lạnh dạ nên kiêng.

Bài thuốc:

- Chữa lợi răng sưng đau, tụt lợi, chân răng lộ ra: Dùng Hạt bầu với Ngưu tất, mỗi vị 20g, nấu lấy nước ngậm và súc miệng, ngày 3-4 lần.

- Tiêu chảy và lỵ ra máu: Bầu xanh và Cỏ mực lượng bằng nhau, xay vắt nước uống mỗi lần 20ml, uống ngày 2 lần.

- Đái rắt, đái đỏ, sỏi thận: Vỏ bầu 30g, Râu bắp 20g, Ý dĩ 20g. Sắc uống, dùng nhiều ngày.

- Phòng ngừa đậu, sởi, lở ngứa: Tua cuốn và hoa cây bầu dùng nấu nước tắm cho trẻ em.

Lưu ý: Bầu có nhiều thứ (dưới loài/ giống), khác nhau bởi hình dạng và kích thước của quả:

- Thứ var siceraria, quả hình bầu to.

- Thứ var hispida (Thunb) Hara, quả hình trụ, có đốm, dài đến 1m (Bầu sao).

- Thứ var microcarpa (Naud) Hara, quả thắt co lại như bầu rượu (Bầu nậm); loại này để chín già có thể làm bình đựng nước, đựng rượu, làm đàn bầu.

PHAN CÔNG TUẤN

.