Đà Nẵng cuối tuần

Nhận diện thực phẩm sạch

08:17, 01/10/2017 (GMT+7)

Giữa lằn ranh mong manh thực phẩm sạch và bẩn, người tiêu dùng loay hoay không biết mua gì và ở đâu để có bữa ăn gia đình bảo đảm dinh dưỡng và an toàn.

Các hộ tiểu thương ở chợ Đầu mối Hòa Cường đều phải kê khai nguồn gốc hàng hóa của mình. Ảnh: V.T.L
Các hộ tiểu thương ở chợ Đầu mối Hòa Cường đều phải kê khai nguồn gốc hàng hóa của mình. Ảnh: V.T.L

“Lỡ hẹn” một đề án

Một trong những “lời giải” cho an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Đà Nẵng là đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được UBND thành phố triển khai vào giữa tháng 2-2017.

Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thí điểm dán tem kiểm soát đối với sản phẩm thực phẩm không bao gói sẵn đang tiêu thụ tại chợ Hàn; quản lý, nhận diện thực phẩm qua thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh (họ và tên, địa chỉ, điện thoại, địa điểm kinh doanh, mặt hàng/lĩnh vực kinh doanh...). Giai đoạn 2, triển khai nhân rộng cho các chợ hạng 1 trên địa bàn. Tiến đến kiểm soát sâu hơn đối với một số sản phẩm thực phẩm như thịt heo, trứng... tại chợ Hàn theo chuỗi cung ứng thực phẩm (quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc, ngày giờ xuất hàng từ trang trại đến người tiêu dùng...).

Ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường - Sở Công thương Đà Nẵng (đơn vị được giao chủ trì đề án) cho biết, giai đoạn 1, dán tem kiểm soát là quy trình sử dụng công nghệ QR code, điện toán đám mây và hệ thống phần mềm quản lý... để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thực phẩm không bao gói sẵn đang tiêu thụ tại chợ Hàn, nhưng chưa truy xuất được nguồn gốc thực phẩm từ trang trại đến người tiêu dùng. Giai đoạn này chủ yếu để phục vụ nhu cầu cấp thiết và tạo thói quen tiêu dùng của người dân thành phố cũng như tính trách nhiệm của người bán hàng.

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 2-2017 phải hoàn thiện đề án, tháng 3 và 4-2017 tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho tiểu thương và người dân, tháng 5-2017 sẽ bắt đầu thí điểm.

Tuy nhiên, theo ông Trừ, việc UBND giao cơ quan chủ trì có sự thay đổi nhiều lần, hơn nữa kinh phí phát sinh trong năm kế hoạch 2017 sẽ được bố trí vào năm 2018, vì vậy theo đúng quy trình đầu tư và được các sở, ngành quan tâm thì phải đến khoảng đầu tháng 2-2018 mới triển khai dự án được. “Như vậy, nếu đề án được triển khai thực hiện và phê duyệt trong năm 2018 thì giai đoạn 1 dự kiến sẽ áp dụng tại chợ Hàn, sau đó đánh giá kết quả thực hiện để có tham mưu giai đoạn 2 tiếp theo, nên hiện giờ chưa thể trả lời tính hiệu quả cũng như khả thi của hình thức này đối với việc quản lý ATTP trên địa bàn thành phố”, ông Trừ nói.

Từ quyết định hành chính đến thực tiễn quản lý

Nếu đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” bị “lỡ nhịp” thì người tiêu dùng thành phố có thể ít nhiều yên tâm với Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND (gọi tắt Quyết định 35) do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 2-11-2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2107) quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, nguồn rau, củ, quả nhập vào thành phố thông qua chợ Đầu mối Hòa Cường, sau đó phân phối về các chợ và các hệ thống phân phối khác trên địa bàn thành phố. Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, để triển khai thực hiện Quyết định 35 một cách có hiệu quả, đơn vị đã buộc các hộ tiểu thương ở chợ phải kê khai nguồn gốc hàng hóa của mình, đơn vị cập nhật thông tin này vào hệ thống máy tính phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc hoặc công tác hậu kiểm của các cơ quan kiểm tra.  

Ông Anh cho biết, Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng) kiểm tra lấy mẫu xoài xuất xứ Tiền Giang nhập về chợ. Sau khi có kết quả cho thấy mẫu trái cây xuất xứ từ miền Tây này tồn dư hóa chất bảo quản, Ban quản lý chợ đã yêu cầu Chi cục gởi trực tiếp kết quả kiểm nghiệm vào Chi cục Quản lý Chất lượng nông - lâm sản và thủy sản nơi sản xuất. Không chỉ truy xuất nguồn gốc, ban quản lý chợ còn nghiêm cấm trong vòng 30 ngày không nhập hàng từ nguồn này, theo Quyết định 35.

Chợ Hòa Khánh là chợ loại 1 do quận Liên Chiểu quản lý, hiện có 1.535 hộ kinh doanh, trong đó có 481 hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín đã qua chế biến. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Trưởng bộ phận Quản lý chợ Hòa Khánh, hiện có 92/107 hộ kinh doanh thực phẩm chín ở chợ đã qua các lớp tập huấn về ATTP và cam kết thực hiện các quy định của Quyết định 35. Với sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại chợ, ban quản lý cấp cho mỗi hộ một sổ kê khai nguồn gốc từng loại hàng (theo Quyết định 35), trong đó mỗi ngày bình quân có 5,5 tấn trái cây nhập từ chợ Đầu mối Hòa Cường và khoảng 15 tấn rau, củ, quả nhập về từ nhiều nguồn như: chợ Đầu mối Hòa Cường, Gia Lai, Điện Bàn, chủ yếu là Duy Xuyên.

Bà Võ Thị Ngọc Vân, Tổ trưởng ngành hàng rau - hành, kinh doanh mặt hàng này từ khi chợ Hòa Khánh còn ở địa điểm cũ bên đường Tôn Đức Thắng, tỏ ra hài lòng: “Mỗi ngày tôi nhập về khoảng 300kg rau các loại. Từ khi có sổ kê khai nguồn gốc hàng hóa tôi cảm thấy không còn phải áy náy về chất lượng khi bán hàng thực phẩm cho người tiêu dùng”.

Vượt khó để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Chợ Đống Đa hiện có trên 700 hộ kinh doanh cố định và hàng rong, trong đó trên 400 hộ kinh doanh các ngành hàng thực phẩm, ăn uống, giải khát, rau củ quả liên quan đến vấn đề ATTP. Để duy trì chợ đạt chuẩn Văn minh thương mại và tiếp tục xây dựng chợ ATTP, bà Dư Thị Hồng Cường, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa cho biết, đơn vị đã tập trung nâng cấp cải tạo lại cơ sở hạ tầng, quầy kệ bán hàng… nhằm đảm bảo khang trang, sạch đẹp, vệ sinh môi trường.  Năm 2017, chợ được Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng phê duyệt kinh phí trên 500 triệu để nâng cấp cải tạo toàn bộ Đình 3 - khu vực ngành hải sản tươi sống (100 hộ) và khu vực hàng thịt (68 hộ), đây là công trình lớn nằm trong chủ trương của UBND thành phố về đảm bảo ATTP.

Trong khi đó, trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến và kiệt 81 Phan Kế Bính bên chợ Đống Đa từ lâu diễn ra tình trạng bán hàng rong trái phép. Bà Cường lo lắng: “Người tiêu dùng mua hàng hóa ở khu vực ngoài chợ nếu có ảnh hưởng đến ATTP mà nói mua trong chợ thì đây là một vấn đề rất khó cho ban quản lý chợ”.

Trả lời câu hỏi làm sao nhận diện thực phẩm sạch hay bẩn, ông Anh ở chợ Đầu mối Hòa Cường lắc đầu: “Hàng trong hộ kinh doanh ở chợ, ban quản lý biết hàng đó từ đâu nhập về, chứ hỏi sạch hay bẩn thế nào thì khó. Nếu nghi vấn thì đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản lấy mẫu về xét nghiệm mới biết chắc được, chứ nhìn bên ngoài mà đoán chất lượng bên trong thì e là quá cảm tính”.

Một trong những động thái tích cực trong việc làm sạch thực phẩm ở Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Văn Trừ, là lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều đoàn về các vùng cung cấp rau củ quả cho thành phố như Lâm Đồng, Tiền Giang, Quảng Nam, cùng một số tỉnh phía Bắc… và đã ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương này về cung ứng nông sản an toàn cho Đà Nẵng.

Trở lại với Đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Có thể nói, các hoạt động nêu trên là tiền đề cho việc triển khai thực hiện Đề án; khi triển khai thành công, Đề án sẽ góp phần đáng kể trong công tác kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, tạo niềm tin và sự an tâm cho người dân khi lựa chọn các mặt hàng thực phẩm.

"Nhu cầu về các mặt hàng rau, củ, quả của thành phố Đà Nẵng hằng năm khoảng 140.000 tấn, trong đó khả năng sản xuất của thành phố khoảng 9.000 tấn, còn lại 131.000 tấn được nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Đối với sản phẩm do thành phố sản xuất thì Sở NN&PTNT có thể kiểm soát tốt về chất lượng, đối với sản phẩm nhập khẩu thì có cơ quan chuyên môn xác nhận nguồn gốc, còn sản phẩm từ các tỉnh nhập về thì khó kiểm soát."

(Ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường - Sở Công thương Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

.