Thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc

.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, từ năm 1969 đến 1972, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị. Cuối năm 1971, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đã được chuyển lên một bước cao hơn, trong đó việc thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc được chú trọng và gắn với sự phát triển của lực lượng thứ ba.

Tập trung tại chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng trước giờ đi biểu tình tuần hành đòi giải quyết nguyện vọng của tín đồ Phật giáo 1963.
Tập trung tại chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng trước giờ đi biểu tình tuần hành đòi giải quyết nguyện vọng của tín đồ Phật giáo 1963.

Xóa bỏ chuyện cũ chăm lo chuyện mới

Tại Quảng Đà, năm 1972 trước tình hình tại vùng địch kiểm soát và vùng ta mới mở có 70% - 80% gia đình bị cưỡng ép cầm súng hoặc làm trong các bộ máy ngụy quyền của địch. Xác định đây là một âm mưu rất thâm độc của Mỹ và công tác vận động quần chúng hiện nay không thể không tính đến lực lượng quần chúng nói trên.

Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương đối với đồng bào dân tộc ít người [đoàn kết kinh - thượng] thì “theo tinh thần chỉ thị chấp hành đúng chính sách dân tộc đối với đồng bào các dân tộc có công đối với cách mạng, có tinh thần cách mạng rất cao.

Phải thấy sâu sắc chính sách dân tộc, bình đẳng đoàn kết tương trợ, chống mọi hiện tượng coi khinh đồng bào ít người, đoàn kết kinh thượng, hết sức chăm lo và nâng cao đời sống cho quần chúng” (1).

Đặc Khu ủy Quảng Đà nhấn mạnh: “Phải làm cho toàn Đảng bộ quán triệt sâu sắc đường lối và hòa hợp dân tộc không những trên nhận thức mà hành động cụ thể phải thể hiện đầy đủ chính sách đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc của Đảng, giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn nội bộ do địch gây ra… Vì Tổ quốc ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một, Bắc Nam là một nhà, vùng tạm thời địch kiểm soát về vùng ta cũng là một, chống tư tưởng “bên này, bên kia” do địch gieo rắc khi có giải pháp chính trị” (2).

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Đặc Khu ủy Quảng Đà yêu cầu các cấp ủy Đảng cần thực hiện các chính sách: [1] “Phải giải quyết cho được vấn đề đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Cần xóa bỏ chuyện cũ chăm lo chuyện mới, đưa những gia đình có người thân bị địch cưỡng bức đi lính hoặc làm cho địch trở về đoàn tụ trong đại gia đình dân tộc. Trừ số ác ôn có nợ máu, nhất là bọn ác ôn hiện hành, còn đều là công dân của chế độ ta, được hưởng mọi quyền lợi của người nông dân được chia ruộng đất, được tham gia học tập… giữa người Việt Nam với nhau không có hận thù.

Đảng ta đề ra chính sách hòa hợp dân tộc là nhằm tập hợp các lực lượng dân tộc, dân chủ hòa bình rộng rãi hơn nữa vào một mặt trận mới để phân hóa các thế lực phản động, cô lập tay sai ngoan cố, phấn đấu thực hiện hòa hợp dân tộc để mở đường tiến lên thành lập một thể chế chính trị dân tộc, dân chủ thực sự, thoát hẳn sự lệ thuộc vào đế quốc Mỹ.

Đối với nông thôn thì lấy khối đoàn kết trung bần cố nông làm chỗ dựa, thi hành chính sách đã quy định đối với gia đình khác, có chính sách đúng đối với những gia đình phú nông, địa chủ tham gia kháng chiến. Đối với thành thị, trên cơ sở đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động, đoàn kết với tư sản dân tộc và nhân sĩ yêu nước”. [2] “Phải chấp hành chính sách tự do tín ngưỡng, không được vi phạm đến tự do tín ngưỡng của quần chúng”(3).

Ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1-1973), Mỹ - chính quyền Sài Gòn đã lật lọng, ra sức phá hoại Hiệp định, xua quân thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta, thực hiện chiến lược giành dân, giành đất.

Trước thủ đoạn gây chia rẽ dân tộc, năm 1973, Đặc Khu ủy Quảng Đà cho học tập tài liệu “Người Việt Nam với vấn đề hòa bình và hòa hợp dân tộc” của Giáo sư Hoàng Như Mai trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với binh lính ngụy, dùng làm tài liệu tuyên truyền của Ban Binh địch vận và Ban Dân vận - Mặt trận Quảng Đà.

Tài liệu khẳng định: “Dù là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, chúng ta là dân một nước, là con một nhà, hãy quây quần đùm bọc lẫn nhau trong lòng người Việt Nam, không có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ mà chỉ có Tổ quốc. Vì Việt Nam giống nòi Hồng Lạc. Bụng dạ của quân cướp nước rất thâm hiểm nhưng tinh thần hòa hợp dân tộc của ta cao cả và vững vàng như núi Tản Viên, nước dâng cao thì núi càng lại vươn cao hùng vĩ”(4).

Tại Quảng Đà, trong thời gian đầu năm 1973, phong trào đấu tranh chính trị, cụ thể là trong công tác “Phật giáo vận” đã diễn ra các buổi thuyết pháp về đấu tranh bảo vệ hòa bình và thực hiện hòa giải dân tộc. Cụ thể, ngày 21-3-1973, tại Đà Nẵng và ngày 25-3-1973 tại quận Hiếu Nhơn, các Hòa thượng “Thích Huyền Quang và Thích Tam Thanh đả kích Đảng dân chủ, kêu gọi Phật giáo đấu tranh bảo vệ hòa bình, thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, đòi thả tù chính trị, lên án chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định” (5).

Với hoạt động trên tại Quảng Đà đã góp phần gây ra sức ép, buộc “các dân biểu, nghị sĩ Sài Gòn nhiều lần ra tuyên cáo chỉ trích, lên án Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vi phạm Hiệp định Paris. Trong Tuyên cáo của 10 dân biểu Sài Gòn ngày 3-7-1973 đã nêu rõ:

“Chính quyền miền Nam hiện nay chỉ là tạm thời trong khi chờ đợi thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc” (6). Kể từ sau Hiệp định Paris, nhiệm vụ đấu tranh “bảo vệ Hiệp định Paris, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến đến hòa bình thống nhất nước nhà” là vấn đề có tính trọng tâm.

Lập thành mặt trận với lực lượng thứ 3

Thực hiện theo Nghị quyết lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đặc Khu ủy Quảng Đà vận dụng vào thành phố Đà Nẵng là: “Ta gây và hoạt động tốt ở thành phố, thì địch sẽ không ổn định được, vì những lẽ: Dân số Đà Nẵng từ chỗ 50.000 hồi năm 1956, nay lên 700.000 người [1974]. Dân số tăng lên đấy là một vấn đề hết sức khó khăn.

Hơn nữa, Đà Nẵng đã nhiều lần bị ta tấn công vào đốt những giấy tờ gốc về trị an kẻ địch, chúng xây dựng lại hồ sơ kìm kẹp này được cũng rất lâu và không chính xác… Lực lượng chính trị thứ ba đang có chiều hướng phát triển tốt, nhân dân tán thành ủng hộ lực lượng này, để họ đứng ra hiệu triệu tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi quyền dân chủ ở thành phố… Đặt công tác Mặt trận, có kế hoạch cụ thể thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc”(7).

Năm 1974, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương tăng cường công tác thành phố đi đôi với thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc với việc quan tâm lực lượng thứ ba [Quảng Đà trọng tâm là đô thị Đà Nẵng]. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ cũng chính là giải quyết mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, trong khi đó lực lượng thứ ba chủ yếu tập trung ở đô thị và có thể phát động đấu tranh công khai.

Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà trong các cuộc họp phổ biến đến cấp ủy quận, huyện trong giai đoạn này nhấn mạnh: “Mình tạo điều kiện lực lượng thứ ba thắng và nó sẽ làm cái cầu cho mình mạnh. Mỹ có nhả thì nhả cho lực lượng thứ ba, không nhả cho ta. Ta cần tạo thời cơ để tiến lên… Đó là thời cơ khẩu hiệu hòa bình dân chủ, cơm áo, hòa hợp dân tộc, độc lập thật sự, trung tâm là hòa bình”.

Tại đô thị Đà Nẵng lúc bấy giờ, lực lượng thứ 3 bao gồm các phe nhóm, cá nhân là trí thức, nhân sĩ, công thương gia, nhà báo, linh mục, nhà sư, thủ lĩnh các tôn giáo, cựu tướng tá, nghị sĩ dân biểu. Ta phải biết lập thành mặt trận với lực lượng thứ 3, biết nắm cả trung gian, tranh thủ lôi kéo trung gian, cô lập bọn xấu. Và chính nhờ biết linh hoạt trong phương thức đấu tranh với lực lượng thứ ba đi đôi với khẩu hiệu “hòa bình, hòa hợp dân tộc” nên Đặc Khu ủy Quảng Đà tạo ra một thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh hơn, góp phần giải phóng thành phố Đà Nẵng [trọng yếu là đô thị] một cách trọn vẹn hơn.

Tại đô thị Đà Nẵng, lực lượng thứ ba, dù không mạnh như đô thị Sài Gòn, nhưng trong tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng tại Quảng Đà thực sự đã đóng góp to lớn trong phong trào đô thị Đà Nẵng nói chung và miền Nam nói riêng, là “ngòi pháo” của phong trào đô thị, có tiếng nói quan trọng trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình, từ hòa hợp đến hòa giải dân tộc.

Một vấn đề cần thấy rõ là, trong chiến tranh chúng ta chú trọng hòa hợp dân tộc và những năm cuối cùng của chiến tranh việc hòa hợp dân tộc đi đôi với hòa giải dân tộc được đưa thành chủ trương cụ thể gắn với lực lượng thứ ba. Đó là một sự cụ thể hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và, vấn đề hiện nay chúng ta vẫn còn cần biết vượt qua nghịch cảnh lịch sử để xây dựng sức mạnh tổng hợp đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

VÕ HÀ


(1) Đặc Khu ủy Quảng Đà: “Chỉ thị về công tác dân vận ngày 10-10-1972”. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ký hiệu K-II-12.

(2)(3) Đặc Khu ủy Quảng Đà: “Chỉ thị về công tác dân vận ngày 10-10-1972”, tlđd.

(4) Hoàng Như Mai: “Người Việt Nam với vấn đề hòa bình và hòa hợp dân tộc”, tlđd.

(5) Ban Dân vận mặt trận Quảng Đà: “Báo cáo công tác dân vận mặt trận 1973”, tlđd.

(6) Ban Dân vận mặt trận Quảng Đà: “Báo cáo công tác dân vận mặt trận 1973”. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ký hiệu L-III-430.

(7)“Báo cáo về tình hình Đà Nẵng do đồng chí Phạm Hồng Quang - Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà phụ trách dân vận - mặt trận báo cáo tại Ban miền Nam ngày 2-5-1974”, tlđd.

;
.
.
.
.
.