Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi đến số nhà 142 Yên Bái, Đà Nẵng gặp anh Phạm Đức Nam, cựu phi công từng được đào tạo tại Nga và được nghe câu chuyện cảm động về lòng tri ân của các du học sinh Việt Nam với thầy giáo cũ nước Nga.
Thầy Iuri Leonhirep (giữa) với 4 phi công từ phải qua: Nịnh Minh Thế, Bùi Minh Tiến, Phương Minh Hòa và Phạm Đức Nam. (Ảnh chụp năm 2014, do nhân vật cung cấp) |
Từ Học viện Không quân Krasnodar…
Nghe tên và địa chỉ nhà, nhiều người nhầm tưởng đó là ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Thực ra, ông Chủ tịch Phạm Đức Nam tên thật là Phạm Triêm, qua thời gian tập kết ra Bắc rồi vào Nam hoạt động, ông lấy tên người con trai duy nhất làm bí danh và cái tên này theo ông những năm cuối đời.
Nhân vật chúng tôi đề cập ở đây là anh Phạm Đức Nam, con trai ông Triêm. Từ bé ở với mẹ và người chị gái (sau này đã hy sinh) tại Điện Nam (Điện Bàn, Quảng Nam), sau đó được đưa ra Bắc học tập, Phạm Đức Nam (con) không nghĩ rằng một ngày nào đó mình được chọn đi học lái máy bay. Vậy mà niềm vui lớn đã đến khi đang học văn hóa ở Đông Triều, Quảng Ninh thì có đợt khám tuyển phi công.
Vượt qua 3.000 người, 36 vòng khám gắt gao, chàng trai vùng cát Cẩm Sa là 1 trong 2 ứng cử viên được chọn về Hà Nội bồi dưỡng lái máy bay. Thêm một vòng loại nữa cùng thí sinh cả nước, anh lại tiếp tục được chọn trong số 40 người sang Nga đào tạo.
Học viện Không quân Krasnodar ở Nga là lò đào tạo hầu hết phi công quân sự Việt Nam ngày ấy. Chi phí để thành một phi công khó sổ sách nào tính hết. Chỉ biết rằng, nước Nga và Học viện đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các du học sinh. Kỷ niệm thú vị là học được hai năm thì Đà Nẵng giải phóng. Mở radio, anh nghe cha mình phát biểu trên sóng phát thanh mà lòng ngập tràn hạnh phúc khi biết cha còn sống.
Nghe tin này, bạn bè Nga và các nước ùa đến chúc mừng anh. Không còn kẻ thù xâm lược trước mắt nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên bầu trời luôn cần đến những phi công thuần thục, nắm vững trang bị kỹ thuật, vì thế mà những tiết học với máy bay chiến đấu MiG-21 không hề giảm nhiệt.
Lớp của anh Nam ngày ấy có 4 thành viên sau này đều khá thành đạt. Ngoài anh là Trưởng không lưu của sân bay Đà Nẵng trước khi về hưu, 3 người còn lại là Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Bùi Minh Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân; Nịnh Minh Thế, cơ trưởng máy bay Boeing 777 hãng Vietnam Airlines.
Hơn 4 năm ở Nga thì lớp học có 2 năm gắn bó với thầy Iuri Leonhirep dạy lái máy bay L29 sơ cấp. Đó là một phi công còn trẻ, hơn chừng 5-7 tuổi so với các thành viên trong lớp, tính tình cực nghiêm khắc. Kiên trì, tận tụy chỉ bảo từng bài học, thầy đã đào tạo nên 4 phi công cừ khôi trước khi các trò chuyển qua lái
MiG - 21. Nhớ nhất hôm thi bay đơn, lần đầu lái chính, anh Nam không khỏi lo lắng với thao tác hạ cánh và tiếp đất. Nhưng chính những bài học kỹ lưỡng cùng lời động viên của thầy đã giúp anh hoàn thành xuất sắc chuyến bay.
Thầy cười rạng rỡ, ôm chầm từng học viên của mình với bao niềm xúc động. Môi trường quân sự nghiêm, đặc biệt là với nghề phi công nên thầy trò rất giữ khoảng cách. Tình cảm muốn thể hiện cũng phải giấu vào trong. Nhiều khi gia đình gửi quà sang, rất muốn tặng thầy làm kỷ niệm mà không dám. Lúc đó cả lớp đều mong một ngày nào đó công thành danh toại sẽ có dịp báo đáp công ơn thầy đã vất vả với mình. Gần 40 năm sau điều đó mới được thực hiện.
Về nước năm 1977, trước yêu cầu của quân đội, Phạm Đức Nam về sân bay Tân Sơn Nhất lái máy bay vận tải quân sự thuộc Đoàn bay 919. Anh cũng là một trong số ít phi công tiếp quản các loại máy bay DC3, DC4, DC6 từ chế độ cũ để lại.
Với kiến thức cơ bản đã được học bên Nga và có sự hướng dẫn của các phi công trước đây được trưng dụng, anh và đồng đội đã vượt qua bao khó khăn, đôi lúc phải đối đầu với hiểm nguy bởi nạn không tặc. Nhớ nhất là những chuyến bay chở quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn trước họa diệt chủng của Pôn Pốt.
Từ sân bay Pochentong, quân tình nguyện đã nhanh chóng tiến vào giải phóng Phnôm Pênh và tỏa ra khắp đất nước Chùa Tháp. Từ năm 1986, anh chuyển qua Hàng không dân dụng Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Nhiều đồng đội của anh có sức khỏe hiện vẫn tiếp tục hợp đồng lái máy bay cho các hãng. Vì thế mới có cuộc gặp gỡ thú vị với thầy Iuri.
… đến dọc dài đất nước Việt Nam
Nhân cuộc gặp mặt của ban liên lạc Đoàn Không quân 919, một ý tưởng được nêu ra và được ai nấy đồng tình. Đó là làm sao mời được thầy Iuri Leonhirep sang Việt Nam. Ông Phương Minh Hòa lúc này là Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân đã nhờ những người bạn Nga tìm giúp người thầy năm xưa.
Biết thầy Iuri về hưu sống độc thân ở Kiep (Ucraina), có một cô con gái, ban liên lạc đã gọi điện trực tiếp và mời thầy sang Việt Nam. Một kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra tạo cho thầy sự bất ngờ. Cùng với vé máy bay được gửi qua thì cơ trưởng Nịnh Minh Thế có nhiệm vụ đón thầy trên chiếc Boeing 777 hành trình đi Nga.
Ngày 21-7-2013, từ Mátxcơva, máy bay cất cánh về Việt Nam mang theo một người khách đặc biệt. Khi đã yên vị, giao quyền cho lái phụ, cơ trưởng Nịnh Minh Thế từ từ tiến đến chiếc ghế thầy giáo đáng kính của mình và cất lời chào bằng tiếng Nga. Qua giây phút ngỡ ngàng, thầy Iuri đã nhận ra học trò cũ. Hai thầy trò ôm chầm lấy nhau mừng rỡ làm cho hành khách trên máy bay vô cùng ngạc nhiên. Sau khi hạ cánh ở Hà Nội, hơn 30 học viên khóa 1973-1977 ở Học viện Karasnodar đón thầy và người bạn bằng đêm giao lưu đầm ấm, dạt dào ý nghĩa.
Vốn tiếng Nga đã lâu không dùng, ngỡ đã quên, vậy mà gặp thầy, ai nấy đều bật nói lưu loát. 15 ngày sau đó, anh Nam, anh Tiến đưa thầy và bạn đi du lịch khắp đất nước. Đi đến đâu, đoàn cũng được đón tiếp chân tình. Đặc biệt, khi tham quan Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang, được ngồi lại trên chiếc máy bay huấn luyện L29 năm nào của một thời tuổi trẻ, thầy Iuri rơm rớm nước mắt: “Không ngờ các em dành cho tôi nhiều tình cảm đến như vậy”.
Biết cuộc sống của thầy hiện rất tùng tiệm trong căn hộ chung cư cũ kỹ và chật hẹp, các thành viên trong lớp muốn làm cho thầy nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Đó là sắp xếp để thầy có thể sang làm việc ở Việt Nam. Vậy là từ năm 2014, thầy đã đồng ý qua làm cố vấn huấn luyện kỹ thuật cho Công ty CP Hàng không Ngôi Sao Việt tại thành phố Hồ Chí Minh. Mức thu nhập hiện nay cao gấp 7 lần lương hưu hằng tháng của thầy. Thầy trò gặp gỡ thường xuyên hơn. Những chuyến đi thăm danh thắng đất nước cũng dày đặc hơn. Ai cũng vui khi nhìn thầy tươi trẻ và viên mãn. Mọi người còn cố gắng vun vén để thầy có một tổ ấm mới ở Sài thành.
Trong câu chuyện của mình, anh Phạm Đức Nam luôn nói rằng, những gì anh và cả lớp làm cho thầy vô cùng nhỏ bé so với công lao của thầy Iuri cùng các phi công Nga đã cho các anh suốt những năm dài. Từ cậu bé chân đất của vùng quê nghèo khổ vươn lên làm chủ bầu trời, ơn nghĩa ấy với nước Nga vĩ đại theo anh cả cuộc đời và không thể nào quên.
Hồng Vân