Đà Nẵng cuối tuần

Dịch cúm gia cầm ở châu Á

08:30, 26/11/2017 (GMT+7)

Người dân châu Á bắt đầu nhận ra nguy cơ dịch cúm gia cầm vào mùa đông. Chủng virus cúm gia cầm H7N9 nguy cơ lây lan sang người đã xuất hiện ở nhiều nơi. Từ tháng 10-2016, Trung Quốc đã phải chứng kiến “làn sóng nhiễm cúm gia cầm H7N9 lần thứ 5”. Có gần 1.600 người phản ứng dương tính tới virus H7N9 và gần 40% trong số đó đã tử vong. Phần lớn những người bị lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc chim nhưng vẫn có số ít trường hợp lây nhiễm từ người sang người.

Khử trùng tại trại vịt có virus cúm gia cầm ở Hàn Quốc.
Khử trùng tại trại vịt có virus cúm gia cầm ở Hàn Quốc.

Tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng ở Trung Quốc xác nhận chủng virus H7N9 có thể khiến gia cầm chết, cũng có nghĩa nguy hiểm với người cao hơn song chủng này dễ phát hiện hơn. Virus này được chia ra hai dòng: Dương Tử và Trân Châu. Tới tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới cập nhật những trường hợp nhiễm H7N9 và cho biết nhiều người chăn nuôi đã tiêm vaccine phòng ngừa.

Cùng thời gian này thì tiến sĩ virus học nổi tiếng tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) là Yoshihiro Kawaoka cho biết chủng virus H7N9 ở Trung Quốc có thể giết chết những con chồn sương và lây truyền cho nhau. Ông nói thêm chủng virus này có thể tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng do bệnh cúm ở chồn sương gần giống với bệnh cúm ở người.

Không chỉ ở Trung Quốc, Hàn Quốc vừa xác nhận đầu tuần này cúm gia cầm H5N6 tại một trại vịt, cách thủ đô Seoul 270km. Ngay lập tức, 12.000 con vịt đã bị tiêu hủy; trại được xịt thuốc khử trùng… Hàn Quốc thường có dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm như cuối năm 2016 vừa qua kéo dài tới 6 tháng song may mắn là không có người bị lây nhiễm. Không chỉ ở Trung Quốc và Hàn Quốc mà Hong Kong cũng đối phó với một trận dịch cúm gia cầm tồi tệ hồi tháng 7. Dịch cúm gia cầm lan từ Hàn Quốc tới Nhật Bản và sang Philippines.

Châu Á chịu hậu quả nặng nề của dịch cúm trong những năm gần đây. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng có 8.098 người nhiễm bệnh và 774 ca tử vong; 7/10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất thuộc châu Á. Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính SARS đã làm thiệt hại kinh tế ở Đông Á tới 18 tỷ USD. Dịch cúm H1N1 năm 2009 lây lan từ Mexico sang hơn 200 quốc gia; tới Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc và gây ra 284.500 ca tử vong. 4/15 quốc gia báo cáo nhiễm cúm H5N1 năm 2004 thuộc khu vực Đông Nam Á, với 228 trường hợp và 181 ca tử vong.

Lý do mà các cơ quan y tế trên toàn cầu chưa công bố dịch bởi vì phần lớn người nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc chim (một số ít lây từ người sang người). Dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2005 không thể lây từ người sang người càng khiến họ thận trọng hơn trong việc công bố dịch.

ANH THƯ (Theo Today Online)

.