Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

Khi vắng bóng người thầy

08:08, 19/11/2017 (GMT+7)

Kh ông rõ vì lý do gì hình ảnh các thầy giáo nam vắng bóng dần ở các trường tiểu học rồi cả THCS. Suốt 9 năm ở hai cấp học này, không kể cả những năm vỡ lòng, mẫu giáo, nhiều em học sinh không biết đến từ “thầy” là gì. Với nhiều em thầy giáo cứ nghĩ là cô giáo. 

Đó không chỉ là cách gọi mà còn là một chuỗi dài những năm tháng “sống” dưới sự dạy dỗ, chuẩn mực, đánh giá giỏi giang hay ngoan hiền, năng động hay nghịch ngợp hư hỏng của các cô. Điều này thực sự là khó khăn đối với các em học sinh nam, thậm chí là “bi kịch” mà cuối cùng chúng ta không biết lỗi do đâu.

Do bố mẹ chia tay nhau, nên Cường sống ở quê với ông bà ngoại, không phải trải qua những năm nhà trẻ hay mẫu giáo mà đứa trẻ nào cũng đã được “rèn luyện” kỹ năng vâng lời, ngồi ngay ngắn nghiêm túc, muốn nói gì phải đưa tay. Cường được chạy nhảy, vui chơi, trèo cây, hái quả suốt tuổi thơ của mình. Ông ngoại cũng là người phóng khoáng nên Cường nghịch gì ông cũng chỉ cười bảo “Con trai đứa nào không vậy. Có vậy sau này nó mới là đứa con trai đúng nghĩa”.

Mặc dù đã được ông ngoại bày cho học đánh vần rồi đọc được cả tờ báo, thậm chí cộng trừ từ 1 đến 100, chương trình của lớp 2, Cường cũng làu làu. Thế nhưng khi được mẹ đem lên thành phố vào lớp một thì bi kịch xảy ra: cô giáo ngay hôm đầu đã nhận ra đây là một học sinh cá biệt, nó như một “con ngựa hoang” và cô quyết rèn nó vào kỷ cương.

Cuộc đấu tranh khá là quyết liệt và cuối cùng mẹ Cường vừa khóc vừa xin cho Cường vào một trường khác, rồi trường khác, trường khác nữa... Cường bỏ học đi làm thợ sớm. Ai cũng bảo do bố mẹ ly hôn nhưng chỉ có ông ngoại của Cường biết, ông chỉ tiếc không lên được thành phố để tiếp tục dạy cho đứa cháu thông minh của mình.

Nghe Cường kể về các cô giáo luôn buộc nó ngồi im, vòng tay trên bàn ông biết, một đứa con trai sẽ không phát triển lành mạnh một khi ở trường thì học với các cô về nhà thì chỉ có mẹ, không có bố. Nếu Cường có được một thầy giáo già dạy tiểu học như trước đây ông đã được học đánh vần ở làng, cuộc đời Cường sẽ khác.

Người ta làm một thí nghiệm, cô hay thầy đánh giá đứa trẻ là ngoan, giỏi hay hư hỏng qua những bộ áo quần chúng mặc trên người, thì với các cô những đứa trẻ ăn mặc sạch sẽ, tinh tươm, lễ phép luôn là những đứa chăm ngoan; thế nhưng cũng những đứa trẻ đó trong bộ áo quần khác xộc xệch bẩn thỉu thì được đánh giá là không ngoan.

Ở các thầy giáo nam thì sự đánh giá lại khác, những đứa bé trai áo quần sạch sẽ đó có thể ngoan nhưng chưa chắc giỏi và những đứa bé trong bộ áo quần xộc xệch cáu bẩn thì nhận được thiện cảm với các thầy hơn.

Người viết bài này học tiểu học trước 1975 ở miền Nam, trong 5 năm thì 3 năm học thầy, 2 năm học cô xen kẽ nhau. Năm nào học thầy thì được cắm trại, đi chơi, tham quan rất nhiều lần trong một năm học. Biết bơi được cũng nhờ thầy giáo năm lớp 3 bày cho mấy mẹo; biết xem được phương hướng đông tây vào ban đêm mà khỏi đi lạc khi đi vào một rừng cỏ tranh chung quanh không một mốc nào để định hướng. Còn nhớ mãi 2 năm học cô, đến giờ ra chơi chạy nhảy nhiều cũng bị la nên khỏi nói chuyện dã ngoại hay cắm trại. Thử hình dung suốt 9 năm các em toàn học cô thì thế nào.

Trong cái thế giới vắng bóng đàn ông đó, các em nam hẳn sẽ cô đơn lắm. Nhưng các em lại không có khả năng biểu đạt ý mình, thậm chí không thể nhận ra quyền được phát triển giới tính lành mạnh của mình bị vi phạm thì làm sao nói lên thành lời những bất công đó được.

Vì thế mãi chúng ta không nhận ra sự vô lý đó. T.C, nữ sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng nói rằng, từ lớp 1 đến lớp 11, rất nhiều bạn trong lớp mới được một giáo viên nam chủ nhiệm. Suốt 2 năm cuối cấp, người thầy đó đã truyền một cảm hứng rất khác biệt cho tuổi học trò. Đó là học được cách chơi, cách học, cách gắn kết, cách mở lòng mình, cách nói lên suy nghĩ, cách tạo ra những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ của tuổi học trò. Có những bạn nam vốn rụt rè, nhút nhát đã trở nên đầy mạnh mẽ, trụ cột, sáng tạo trong các hoạt động của lớp.

Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cho biết: “Rõ ràng việc đánh giá học sinh của thầy cô ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập cũng như tác động đến tính cách của các học sinh. Việc hầu như toàn bộ các cấp học đều là các cô giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển giới tính, tính cách của các em học sinh.

Chuyện này ngành giáo dục đã nhận thấy từ lâu, cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn luận cách gỡ thế, nhưng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là mức thu nhập và các định kiến xã hội. Mà không phải chỉ Việt Nam ta mới có hiện tượng này, thế giới cũng gặp phải vấn nạn này, mặc dù mức lương giáo viên tiểu học họ không hề thấp”. Vấn đề một khi đã được nhìn rõ thì thế nào chúng ta cũng sẽ tìm ra được hướng giải quyết.

Hồ Trung Tú

 
.