Đà Nẵng cuối tuần
Nuôi dưỡng đam mê
Mỗi người làm nghệ thuật đều chọn cho mình một đề tài để theo đuổi. Có người thích chân dung, có người thích phong cảnh. Thả cho đôi tay và đầu óc được theo đuổi với đam mê và sáng tạo, không vướng bận với chuyện cơm áo gạo tiền, là điều mà không phải họa sĩ nào cũng có thể theo được đến cùng.
Tự nhận mình khá “có duyên” vì tranh được giá nhưng họa sĩ Xuân Sơn cho biết, ông rất cân nhắc đến việc bán tranh, chỉ muốn giữ lại để trưng bày, quảng bá Ngũ Hành Sơn. (Bức tranh mô tả Bia Phổ Đà, Linh Trung Phật) Ảnh: Q.T |
1. Nhiều người nói vui, “họa sĩ Xuân Sơn là người thủy chung, trước sau như một” bởi hơn 40 năm miệt mài bên cây cọ, ông có gia tài 50 bức tranh (chủ yếu bằng chất liệu sơn mài, acrylic, màu nước) nhưng gần như chỉ tập trung về lịch sử Ngũ Hành Sơn và Phật giáo của vùng danh lam thắng cảnh đặc biệt này. Với ông, đây không chỉ là đam mê thuần túy của người họa sĩ mà trước khi vẽ về đất Ngũ Hành, ông đã để tâm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của đất này. Bức tranh đầu tiên của ông là Ngũ Hành Sơn-vùng đất thiêng (năm 2007). Tuy là bức họa đầu tiên về đề tài lịch sử nhưng đến nay, đây vẫn là bức họa ông tâm đắc nhất. Nó chứa đựng vẻ đẹp cơ bản nhất của Ngũ Hành Sơn. Đó là Bia Phổ Đà, Linh Trung Phật, Chùa Tam Thai, Chùa Linh Ứng, Sông Cổ Cò… Bức tranh sau đó được bán đấu giá thành công tại chương trình “Hành hương về Ngũ Hành Sơn” dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm 2009, tạo động lực để ông tiếp tục đi sâu nghiên cứu, thể hiện vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn bằng hội họa.
Tác phẩm gần nhất của ông là Dòng sông di sản (vẽ tháng 3-2017, chất liệu sơn dầu). Để vẽ bức tranh này, ông ngược dòng sông Cổ Cò đi về phía Hội An, từ Hội An ra lại Ngũ Hành Sơn. Đứng giữa hiện tại, ông mường tượng cảnh giao thương nhộn nhịp của Hội An và Đà Nẵng trong quá khứ. Ông cất công tìm tư liệu, đọc và cảm nhận. Dùng trái tim nhạy cảm và cái đầu khoa học để sắp xếp các nét cọ sao cho bức tranh vừa giàu cảm xúc, vừa chứa đựng thông điệp về lịch sử, văn hóa. “Qua những bức tranh về sự tích Ngũ Hành Sơn, tôi muốn gửi gắm đến người thưởng ngoạn rằng: Vùng đất này rất tuyệt diệu, là báu vật của Đà Nẵng nói riêng và thế giới nói chung. Tôi mơ ước mang thông điệp về Ngũ Hành Sơn đi khắp nơi”, họa sĩ Xuân Sơn bộc bạch.
Đến nay, họa sĩ Xuân Sơn đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm cá nhân. Năm 2013, triển lãm “Chắp tay hoa” tại TP. Hồ Chí Minh; năm 2016 “Dấu ấn Ngũ Hành Sơn” tại làng lụa Hội An; cùng năm đó, ông tiếp tục tổ chức triển lãm cùng tên tại TP. Hồ Chí Minh. Riêng cuộc triển lãm năm 2013 là sự hòa quyện giữa “đạo pháp và dân tộc” (có những tác phẩm về Phật giáo-PV). Còn những triển lãm sau này, ông dành tất cả thời gian và tâm sức để giới thiệu vẻ đẹp Ngũ Hành Sơn.
Dù đã có hơn 50 bức họa, khai thác triệt để về lịch sử, văn hóa, tâm linh của đất Ngũ Hành nhưng họa sĩ Xuân Sơn khẳng định: Ngũ Hành Sơn là đề tài vô tận. Hơn nữa, như ông đã nói, ông không vẽ Ngũ Hành Sơn vì đam mê thuần túy mà muốn qua tranh, giới thiệu cho cả thế giới về danh lam kỳ vĩ này. Những bức tranh của ông đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của danh thắng đến với mọi người, nhất là du khách phương xa và quốc tế, qua đó góp phần nâng tầm giá trị của danh thắng.
2. Là con trai của họa sĩ vẽ áo dài nổi tiếng Hồ Hữu Lợi, Hồ Hoài Linh (sinh năm 1990) hiện là họa sĩ tự do khá nổi bật ở Đà Nẵng, chuyên vẽ chân dung bằng chất liệu acrylic theo phong cách hiện thực tự phát. “Phong cách hiện thực tự phát do một họa sĩ đương đại người Áo tên là Vodka khởi xướng. Đây là một kiểu vẽ bao quát. Người họa sĩ dùng khổ tranh lớn và kiểm soát nó bằng cảm nhận chứ không phải bằng chi tiết. Vì vậy, muốn vẽ được bức tranh phải bao quát và lấy được trọng tâm từ nhiều chi tiết chứ không xoáy vào bất cứ chi tiết đặc biệt nào. Nhưng, khi bức tranh hoàn thiện, người xem sẽ biết được trọng tâm nằm ở đâu…”, anh Linh cho biết. Các bức ảnh được Linh lựa chọn thường có nguồn gốc từ các trang web Human of NewYork, hoặc của UNICEF. Linh bảo, để vẽ được các tác phẩm sống động như vậy, bạn phải cảm ơn những nhà báo, những nhiếp ảnh gia đã rong ruổi khắp các ngõ ngách để chụp lại hình ảnh cuộc sống. Những nhà báo đã dành trọn tâm sức để tìm hiểu, viết bài về nhân vật. Đôi khi, bạn ấn tượng với câu chuyện mà báo chí truyền tải về nhân vật hơn cả bản thân nhân vật.
Đến với nghiệp họa sĩ nghiêm túc từ năm 2012, đến nay, Linh đã vẽ được 200 bức tranh, trong đó hơn một nửa là chân dung trẻ em. Linh có cảm xúc đặc biệt trước đôi mắt của con người, đặc biệt là đôi mắt ngây thơ của trẻ em thì không vẻ đẹp nào sánh bằng. Bức tranh đầu tiên của Linh vẽ một em bé ở Mộc Châu. Khi nhìn thấy bức hình chụp em trên báo với phông phía sau là màu xanh của núi rừng, nâu thẫm của bùn đất, em bé nổi bật lên với khuôn mặt trong trẻo, Linh lập tức ấn tượng, cảm xúc đến rất nhanh và hoàn thiện bức tranh trong 3 tiếng đồng hồ. “Thời điểm tôi vẽ bức tranh đó tôi còn chưa biết căn khoảng cách tranh, chỉ để vải lên kệ sách rồi vẽ. Hồi đó rất máu lửa, chỉ dùng những màu nóng để vẽ, độ tương phản và tranh chấp cao trong bức tranh. Trong bức tranh ấy, màu nóng và màu lạnh tranh chấp trên khuôn mặt cô bé. Lúc đó chỉ biết vẽ làm sao cho mình sướng, không cần biết bức tranh đi đến đâu, về đâu, phục vụ mục đích gì, nằm trong bộ sưu tập nào…”, Linh trải lòng.
Nói rồi, Linh chỉ cho tôi bức tranh hiếm hoi Linh không vẽ về chân dung nhưng rất tâm đắc. Đó là bức tranh người phụ nữ bán hàng rong giữa khung cảnh Hội An với những ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, tường màu vàng cam. “Bất cứ họa sĩ nào cũng muốn vẽ về những điều đặc trưng của đất nước họ. Ở Việt Nam là áo dài, nón lá, hàng rong, người phụ nữ tảo tần, người mẹ… Nhưng, vì những hình ảnh đó quá quen thuộc nên đặt người họa sĩ vào thế khó. Thông thường, thời gian tôi dành cho việc cảm bức ảnh, định hình những chi tiết tạo cảm xúc còn nhiều hơn thời gian bóc tách, gia giảm, chuyển biến hình ảnh bằng màu để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh”, anh cho biết.
Hiện tại, Linh đang ấp ủ bộ sưu tập về các em bé da màu, với tên gọi: Hòa bình có ăn được không? (Can peace be eaten?). Linh quan niệm, hãy nuôi dưỡng đôi tay để nó luôn vẽ những gì nó muốn và để kinh tế qua một bên. Nếu chần chừ giữa “cơm, áo, gạo, tiền” và nghệ thuật thì sẽ không đi đến đâu hết. Khi đôi tay được thoải mái sáng tạo, bản thân theo đuổi đam mê thì kinh tế sẽ tự tìm đến…
HẢI ÂU