Đà Nẵng cuối tuần

"Cha đẻ" chữ quốc ngữ

07:12, 10/12/2017 (GMT+7)

* Tôi nghe nói “cha đẻ” chữ quốc ngữ không phải giáo sĩ Alexandre de Rhodes như cách nghĩ lâu nay mà là một người khác tên là Francisco de Pina. Xin cho hỏi, vai trò của hai người này trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ? (Trần Quang Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bìa cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 bản in năm 1972 (ảnh trái) và tái bản năm 2012.
Bìa cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 bản in năm 1972 (ảnh trái) và tái bản năm 2012.

- Việc minh định ai là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 24-8-2017 ở huyện Điện Bàn qua hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ”. Trong 69 tham luận tại hội thảo có nhiều nghiên cứu khẳng định giáo sĩ Francisco de Pina là người tiên phong trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ; giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày vào năm 1651.

Giáo sĩ Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha, vào tu Dòng Tên năm 1605. Trong thời gian 1611 - 1617 ông xuất dương sang Ma Cao (Trung Quốc) và theo học ở Đại học Thánh Phaolô. Cũng tại đây ông tiếp xúc với giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, soạn cuốn văn phạm tiếng Nhật (in khoảng năm 1604 - 1608) chuyển tự sang chữ cái Latinh dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. GS Jacques Roland (Trưởng khoa Giáo luật ở Đại học Saint Paul, Ottawa, Canada; nghiên cứu về vai trò của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Thiên Chúa giáo ở Việt Nam) cho rằng Francisco de Pina đã theo phép chuyển tự này để ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng Trong năm 1617.

Đến Đàng Trong năm 1617, Francisco de Pina là nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp bằng ngôn ngữ bản địa này.

Hội thảo nói trên cho biết, năm 1617 giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào Đàng Trong giúp đỡ Nhật kiều theo Thiên Chúa giáo ở Hội An. Để thuận tiện cho việc truyền đạo, ông chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ quốc ngữ. Và tại Thanh Chiêm, nơi được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm dinh trấn của Quảng Nam, đã ra đời trường dạy quốc ngữ đầu tiên.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng thông tin này không mới, bởi từ năm 1972, nhà nghiên cứu Đỗ Quang Chính đã nói đến công đầu của giáo sĩ Francisco de Pina trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ qua cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620- 1659 trong Tủ sách Ra khơi, NXB Sài Gòn (NXB Tôn Giáo tái bản năm 2012). Ở các trang 22 và 23 bản in năm 1972 có đoạn như sau:

“Các nhà truyền giáo tới Việt Nam thời ấy đều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Theo chúng tôi biết thì L.m. (Linh mục – ĐNCT) Francisco de Pina là người Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Pina sinh năm 1585 ở Bồ Đào Nha, ông tới Đàng Trong năm 1617. Lúc đầu Pina sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn (thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định - ĐNCT) với Buzomi và Borri. Hai năm sau ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh. […]

Nhờ biết tiếng Việt, nên ngay từ năm 1620 các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong” tức là chữ Nôm. Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm, nên chắc phải có sự cộng tác của người Việt.

Nhưng chúng tôi tưởng cuốn sách này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn thảo là L.m. Francisco de Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất”.

Về vai trò của Alexandre de Rhodes (người Pháp) trong sự hình thành chữ quốc ngữ, ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. “Nhưng ngay chính trong sách ông Alexandre de Rhodes viết cũng nói rất rõ là viết từ điển dựa vào thành quả của những người đi trước” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh tại hội thảo nói trên.

ĐNCT

.