Đà Nẵng cuối tuần
Còn lơ là chăm sóc sức khỏe
Có một số nguyên nhân khiến người phụ nữ không mấy chú trọng đến sức khỏe của mình; trong đó đa phần rơi vào lực lượng nữ công nhân, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đến lúc gặp vấn đề về sức khỏe mới tiến hành thăm khám, điều trị; khi ấy, phần đông bệnh đã trở nặng.
Chị em phụ nữ nghèo trong một đợt khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, tử cung tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Ngày nào cũng đi làm từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, chị Nguyễn Thị Tuyền, công nhân may tại KCN An Đồn (quận Sơn Trà) hầu như không có thời gian để chăm sóc sức khỏe bản thân. Cách đây gần một tháng, trong lúc ngồi làm việc, chị Tuyền thấy đau nhức vùng bụng dưới, bụng trướng, cơn đau âm ỉ rồi tăng dần nhưng chị vẫn chờ đến ngày nhận lương mới có tiền đi khám. Kết quả, chị được bác sĩ chẩn đoán u xơ tử cung nặng. Vốn là phụ nữ đã có gia đình và 2 con, nên chị được bác sĩ khuyên nên cắt bỏ tử cung, phẫu thuật này sẽ vĩnh viễn loại bỏ u xơ. Vì sức khỏe lâu dài, chị đành chấp nhận đi phẫu thuật.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, trên địa bàn hiện có hơn 60.000 công nhân nữ, phần đông nằm ở độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức sức khỏe sinh sản nên không ít trường hợp mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, lây bệnh qua đường tình dục, nhiễm bệnh ở cơ quan sinh dục nữ… Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Lê Quốc Linh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của LĐLĐ năm 2017 là tập trung tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động, giảm thiểu mất cân bằng giới tính sau sinh mang chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái và phụ nữ là đầu tư cho tương lai bền vững”. Đồng thời, Liên đoàn cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai nhiều biện pháp truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống mang thai ngoài ý muốn đến công nhân, lao động nữ.
Trên thực tế, khi tiếp xúc một số nữ công nhân tại các khu công nghiệp, chúng tôi ghi nhận thời gian qua vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong công nhân, lao động nữ được quan tâm nhưng số lượng người tiếp nhận còn hạn chế. Những DN ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài rất ít khi chú trọng đến quyền lợi được tư vấn, được thăm khám sức khỏe của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.
Điều này cũng được chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Bí thư Đoàn các KCN Đà Nẵng khẳng định. Chị đơn cử, đầu năm 2016, Đoàn các KCN Đà Nẵng từng lên kế hoạch triển khai chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản cho thanh niên công nhân, nhưng khi phổ biến thì chỉ có một đơn vị đăng ký tham gia. Do vậy, hoạt động này đã không thể diễn ra như dự kiến. Chưa kể, nếu có tham gia thì các đơn vị cũng chỉ cử một số người đi đại diện nên không thể phổ biến đại trà đến tất cả lao động, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Một cán bộ (xin giấu tên) đang công tác trong ngành y tế cho biết, theo Bộ luật Lao động, DN sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần/năm; đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần. Tuy vậy nhiều DN, công ty, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này, nếu có, chỉ khám qua loa, hình thức nhằm đối phó với các quy định của pháp luật về lao động.
Có thể nói, ngoài người nghèo, người không có điều kiện về kinh tế thì đa phần nữ công nhân còn lơ là sức khỏe bản thân. Cùng với đó, với đặc thù làm việc theo ca, kíp, thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ nên họ khó có điều kiện tìm hiểu những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến lúc gặp vấn đề về sức khỏe mới tiến hành thăm khám, điều trị, khi ấy, phần đông bệnh đã trở nặng.
Song hành nơi bệnh viện
Trong một đợt khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, tử cung cho phụ nữ nghèo do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (BTPN&TENBH) thành phố phối hợp cùng ngành y tế tổ chức đầu năm 2017, chị Nguyễn Thị Hiền, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 1, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vốn là hộ nghèo, chồng phụ hồ, mẹ già đau ốm triền miên, bản thân lại không có việc làm, nuôi hai con nhỏ, nên khi nhận kết quả này, chị đã không thể kìm lòng. Khi ấy, chị không biết rằng, với những khó khăn hiện tại, chị được hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - một đơn vị trực thuộc Hội BTPN&TENBH. Hôm chúng tôi đến thăm, chị Hiền vui mừng cho biết: “Tôi may mắn khi được khám và điều trị kịp thời tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng nên sức khỏe ngày càng khá hơn. Nếu không nhờ có chính sách hỗ trợ của Hội BTPN&TENBH thì tương lai của gia đình tôi chẳng biết sẽ ra sao”.
Chị Nguyễn Thị Hiền chỉ là một trong hàng trăm phụ nữ nghèo được điều trị miễn phí tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Cụ thể, từ năm 2009 – thời điểm Bệnh viện Phụ nữ đi vào hoạt động - đến nay, bệnh viện tổ chức khám, phát hiện và điều trị ung thư cho 256 lượt phụ nữ nghèo, thực hiện chế độ miễn giảm viện phí cho 10.691 người bị bệnh ung thư đang điều trị tại đây với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Có thể nói, đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, là chỗ dựa cho chị em phụ nữ không may mắc các bệnh hiểm nghèo.
Phó Chủ tịch Hội BTPN&TENBH thành phố Đỗ Thị Kim Lĩnh cho biết, nhiều năm qua, Hội luôn xác định việc khám, tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nghèo là chuyện nên làm. Bởi ung thư cổ tử cung, ung thư vú có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào và đặc biệt bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Với tính nhân văn đó, 15 năm qua, Hội đã tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, tử cung cho 22.759 phụ nữ nghèo. Qua công tác thăm khám phát hiện 3.233 phụ nữ bị bệnh phụ khoa nặng, chuyển Bệnh viện Phụ nữ khám và chữa trị.
Công tác tại địa phương có nhiều chị em phụ nữ được hưởng lợi từ chương trình này, chị Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu đánh giá đây là việc làm có ý nghĩa to lớn, là những cánh tay nối dài góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng “Thành phố 4 an”. Chị cho biết, chị em phụ nữ nghèo ở quận Liên Chiểu hầu hết đều làm nông, lao động phổ thông, môi trường làm việc ô nhiễm, nắng mưa bất chợt rất dễ bị bệnh phụ khoa dẫn đến ung thư. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, thì với điều kiện kinh tế khó khăn, có thể họ sẽ buông xuôi, mặc cho số phận định đoạt cuộc sống. Đây cũng chính là thực trạng chung của đa số nữ công nhân, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
TIỂU YẾN