Đà Nẵng cuối tuần

Cất lên tiếng nói của chính mình

07:44, 24/12/2017 (GMT+7)

Phụ nữ tham chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến bình đẳng giới. Đông đảo chị em tham gia bộ máy Nhà nước, các cơ quan dân cử và các đoàn thể chính trị-xã hội đều đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Để phát huy bình đẳng giới thì cần phải tạo điều kiện cho họ tham gia chính trị và có cơ hội cất lên tiếng nói của chính mình trong xã hội.

Số lượng nữ đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2020 tăng cao hơn và đóng góp tích cực vào việc xây dựng các quyết sách của HĐND thành phố. Trong ảnh: Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố phát biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 6 - HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2020. Ảnh: Đ.L
Số lượng nữ đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2020 tăng cao hơn và đóng góp tích cực vào việc xây dựng các quyết sách của HĐND thành phố. Trong ảnh: Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố phát biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 6 - HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2020. Ảnh: Đ.L

Tăng cường đội ngũ cán bộ nữ

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tạo nhiều điều kiện cho phụ nữ tham chính. Cụ thể, thành phố đã có một số cơ chế, chính sách riêng vượt trội hơn so với chính sách chung của cả nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ.

Nhờ vậy, số lượng nữ cán bộ, công chức được cử đi học trên 40%. Công tác bổ nhiệm nữ vào các chức danh chủ chốt cũng được chú trọng và ngày càng có nhiều cán bộ nữ ở các cấp. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ qua ở các cấp đều tăng, nhiều đơn vị đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Công tác quy hoạch nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ đến 2020-2025 cũng được các cấp ủy chú trọng, bảo đảm tỉ lệ quy định”.

Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 8-8-2007, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Phát huy vai trò, tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp phát triển thành phố”.

Đặc biệt, công tác phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ tiếp tục được nâng cao khi có Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X). Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo quan tâm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở thành phố và địa phương nhiệm kỳ 2015-2020.

Kết quả so với nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ nữ quy hoạch vào cấp ủy Đảng các cấp tăng, đặc biệt có sự tăng lên đáng kể tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể thành phố.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được chú trọng. Tỷ lệ nữ được tuyển chọn cử đi đào tạo theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố chiếm khá cao, bình quân trên 55%. Đề án tạo nguồn cán bộ chủ chốt phường, xã có gần 40% là nữ, trong đó hiện đang giữ các chức danh chủ chốt tại phường, xã chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Chị Nguyễn Hạ Uyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho biết: Cán bộ nữ hiện nay trên địa bàn quận là 253 người, chiếm 55,6%. Trong đó, cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Quận ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 4/11 người, chiếm 36,6%; cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ quận là 6/36 người, chiếm 16,6%.

Nữ đại biểu HĐND cấp quận có 9/31 người, chiếm 29%; nữ đại biểu HĐND cấp phường là 49/161 đại biểu, chiếm 30,43%. Con số này tăng lên rất cao so với nhiệm kỳ trước, đặc biệt, trong nhiệm kỳ này số lượng nữ trong Ban Thường vụ Quận ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ quận đều tăng thêm một người. Quận ủy cũng đã tạo điều kiện cho các chị em tham gia học các lớp cao cấp lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và trang bị cơ sở vật chất để các chị em có môi trường làm việc tốt hơn.

Khẳng định vai trò nữ giới

Cùng với những chính sách và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, bản thân nhiều phụ nữ cũng đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn, sắp xếp hài hòa giữa công việc xã hội và gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.

Bà Ngô Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố cho biết, hiện nay Hội có khoảng 300 hội viên, trong đó chủ yếu là các nữ trí thức hoạt động trên tất cả các lĩnh vực với mọi độ tuổi khác nhau.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng là một trong những thành phố quan tâm đến công tác cán bộ nữ với những chỉ tiêu quy định và động thái rất tích cực, cụ thể như những nơi nào chưa có lãnh đạo nữ thì để trống ghế để đào tạo. Nếu nam và nữ  ngang nhau về tiêu chí thì nữ luôn được ưu tiên hơn.

“Hiện các sở, ban, ngành của thành phố đều có cán bộ nữ chứng tỏ đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính. Cán bộ nữ đã có trách nhiệm, nhiệt tình và khao khát vươn lên mạnh mẽ hơn trước. Họ luôn tự tin và khao khát hoàn thiện mình.

Bằng chứng là trong tất cả các hoạt động do Hội Nữ trí thức thành phố tổ chức thì các chị em đều hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, Nhóm liên kết phụ nữ tham chính thành phố Đà Nẵng là một mô hình đặc biệt của toàn quốc”, bà Liên Hương khẳng định.

Đây là mô hình do Tổ chức hòa bình phát triển Tây Ban Nha, Hội LHPN và Hội Nữ trí thức thành phố thành lập vào năm 2014. Qua gần 4 năm hoạt động, Nhóm liên kết PN tham chính thành phố đã thực hiện nhiều chuyên đề thiết thực thu hút nhiều chị em tham gia như nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ tham chính, xây dựng kỹ năng truyền thông bình đẳng giới, chân dung người phụ nữ lãnh đạo…

Các chị em không chỉ được chia sẻ kinh nghiệm giữa các thế hệ phụ nữ lãnh đạo, mà còn trang bị kiến thức và kỹ năng mềm. Ngoài ra, các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang còn thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tham chính hoạt động trên tinh thần tình chị em, tôn trọng quyền hạn của nhau và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống để vượt qua công việc tham chính của mình.

Theo chị Nguyễn Hạ Uyên, Câu lạc bộ phụ nữ tham chính quận Cẩm Lệ vừa mới thành lập vào tháng 10-2017 với 100% cán bộ nữ lãnh đạo các trưởng, phó phòng tham gia. Đến nay, câu lạc bộ đã sinh hoạt được 2 chuyên đề về công tác kỹ năng lãnh đạo và nụ cười công sở thân thiện. Qua đó đã giúp các chị em nâng cao năng lực trong công tác lãnh đạo, tham mưu, đề xuất; đồng thời tạo mối quan hệ đoàn kết trong cơ quan, đơn vị để điều hành tốt công việc chuyên môn.

Nói về hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND ở cấp cơ sở, ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà cho biết, các đại biểu nữ cơ bản đã phát huy khá tốt vai trò của mình. Nhiều nữ đại biểu thường xuyên tham gia thảo luận, đóng góp các quyết sách của HĐND quận, phường về giải pháp kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, nhất là vấn đề đền bù giải tỏa, các dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình sử dụng ma túy ở khu dân cư.

Cần phá bỏ rào cản định kiến giới

Bên cạnh những kết quả đạt được thì chủ trương về công tác cán bộ nữ hiện vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ còn khép kín trong địa phương, đơn vị, chất lượng chưa cao dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đội ngũ cán bộ nữ tuy được cơ cấu đưa vào danh sách bầu cấp ủy Đảng các cấp khóa mới mỗi kỳ đại hội Đảng đều trên 15%, nhưng kết quả bầu cử ở cấp trên cơ sở, cấp thành phố không đạt chỉ tiêu đề ra.

Do đó, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cấp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, còn hẫng hụt nguồn cán bộ nữ ở một số lĩnh vực. Mặt khác không ít cán bộ nữ còn tư tưởng an phận, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong khi đó, định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội.

Nói về khó khăn này, bà Ngô Thị Liên Hương cho rằng, hiện nay, phụ nữ đang đảm nhiệm vai trò kép, họ vừa làm việc như nam giới ở cơ quan lại vừa phải gánh vác công việc nhà và luôn cố gắng làm sao để thể hiện không thiên lệch vai trò nào.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là rào cản định kiến giới lâu năm khó bỏ, nó nằm ngay trong mỗi gia đình, ngoài xã hội và chính bản thân người phụ nữ và nam giới đều có. “Ngày nay, khái niệm “đảm đang” cũng đã có sự biến đổi, đó là người phụ nữ phải có đầu óc tổ chức gia đình một cách khoa học, biết sắp xếp hợp lý; các thành viên phải chia sẻ công việc và có cơ hội tiến bộ ngang nhau. Họ có thời gian vui chơi, giải trí và làm theo những sở thích của mình.

Phụ nữ ngày càng trở nên đẹp hơn, có cơ hội phát triển hơn; vừa tiến bộ, khỏe đẹp, biết chăm sóc bản thân, đấy mới là phụ nữ tích cực; biết tổ chức gia đình tốt mới là phụ nữ giỏi. Còn phụ nữ vừa giỏi vừa khỏe là phụ nữ hiện đại”, bà Liên Hương giải thích.

Để thực hiện tốt công tác bình đẳng nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng Đề án “Phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2020”.

Theo đó, hằng năm, các cấp ủy Đảng xem xét, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố và cơ quan, địa phương mình; có thể xem xét cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng sớm hơn so với quy định hiện hành.

Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt 25% trở lên, đại biểu HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên; có cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, riêng đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, trong thời gian tới, Thành ủy, UBND thành phố, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương cần bám sát các chỉ tiêu, các văn bản đã ban hành về vấn đề cán bộ nữ, nhất là Quyết định số 13089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy để làm tốt công tác bổ nhiệm cán bộ nữ đối với các chức danh lãnh đạo do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để đào tạo các nữ ứng cử viên HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhiệm kỳ 2016-2020, thành phố có 3 nữ/6 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, chiếm 50% và tăng 33,3% so với nhiệm kỳ trước. Nữ đại biểu HĐND các cấp: cấp thành phố đạt 24,5%, cấp quận, huyện đạt 31,6% và cấp phường, xã đạt 35,2%, tăng 7% so với nhiệm kỳ trước.

Trước năm 2015, có 40% các sở và tương đương thuộc UBND thành phố và UBND các quận huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đến năm 2017, tỉ lệ này đã tăng lên 53%. Ngoài ra, có 66% cơ quan Nhà nước có trên 30% nữ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

(Nguồn: Thành ủy Đà Nẵng)

ĐOÀN LƯƠNG

.