Bộ phim tài liệu Walk With Me (tựa đề tiếng Việt là Bước chân an lạc) với độ dài 88 phút, nói về phương pháp thiền chánh niệm và sự cống hiến của cộng đồng tăng thân Làng Mai dưới sự chỉ dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã được cấp phép phát hành tại Việt Nam từ ngày Rằm tháng Giêng này.
Poster của bộ phim Walk With Me (Bước chân an lạc), sẽ công chiếu tại Đà Nẵng ngày 3-3-2018. |
Bộ phim do hai đạo diễn Max Pugh và Marc J.Francis kỳ công thực hiện trong 5 năm, và đã được trình chiếu ở nhiều nơi ở Mỹ, Pháp,Thái Lan… trong năm ngoái. Walk With Me là bộ phim đi sâu giới thiệu phương pháp thiền chánh niệm, có nguồn gốc trong Phật giáo nguyên thủy, được Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân làm mới (hiện đại hóa) để hướng dẫn cho hàng triệu người trên thế giới thực tập trong mấy chục năm qua.
Tôi có may mắn từ các năm 2005-2007, đã tham dự một số khóa học thiền dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, nên sớm nhận thức đây là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh thân tâm rất hiệu nghiệm.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh Thiền có nhiều lợi ích cho sức khỏe: hạ thấp sóng não và giảm chuyển hóa, giảm tiêu hao năng lượng (là quá trình chủ động cho bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, nâng cao khả năng sinh lý và khả năng thích nghi, chống chịu nghịch cảnh môi trường); thiền tạo ra sự khác biệt cụ thể trên não bộ, phát triển trí não và làm chậm lão hóa; thiền là liệu pháp đối trị các bệnh tâm thể, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cải thiện hành vi, nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc…
Tuy nhiên, phải đợi đến khi có những trải nghiệm ứng dụng trên bản thân tôi mới thực sự có niềm tin vào những diệu dụng của thiền thở đem lại. Thời đó, tôi thường có những cơn đau nửa đầu như búa bổ mà nhiều khi dùng thuốc đông tây, kể cả châm cứu rất ít hiệu quả. Mỗi khi có cơn đau, tôi liền ứng dụng phương pháp thiền buông thư vừa học được trong tư thế nằm ngửa, kết hợp theo dõi hơi thở và nghe nhạc kinh như bài Namo Avalokitesvara (tức Nam mô Quán thế âm bồ tát bằng tiếng Phạn, có thể tìm trên mạng Internet tải về điện thoại). Thường chỉ mất 15-20 phút là cái đầu nhẹ như bông. Sau một thời gian kiên trì thực hiện như vậy, căn bệnh đau nửa đầu đầu hành hạ tôi ròng rã bao năm đã hoàn toàn bị khống chế.
Từ kết quả ứng dụng bước đầu này, tôi đã đăng tải nhiều kỳ trên tạp chí Cây Thuốc Quý một số thiền phổ (cẩm nang hướng dẫn tập thiền) như Thiền Hành Yếu Chỉ của thiền sư Nhất Hạnh, Thiền Thở Thay Thuốc của thầy Chân Pháp Liệu, vốn là một bác sĩ y khoa ở Pháp trước khi xuất gia thành tu sĩ Làng Mai.
Cái hay của các phương pháp thiền chánh niệm này là chỉ cần theo dõi nắm lấy hơi thở hay động tác bước chân, có thể tập được mọi lúc, mọi nơi, mọi tư thế đi đứng nằm ngồi. Người tập không theo một tôn giáo nào, có thể thay các câu niệm Phật, niệm Chúa bằng cách đếm số, nghe nhạc, hay nhẩm đọc các câu thơ, bài thơ yêu thích, nhằm phân chia đo lường thời gian hai nhịp thở vào thở ra cho đều đặn điều hòa là được.
Điều quan trọng là không được đếm hay nghe, đọc như cái máy, mà phải chú tâm theo dõi hơi thở, thở vào biết mình thở vào, thở ra biết mình đang thở ra, an trú thảnh thơi trong từng khoảnh khắc mình đang sống, đừng luyến tiếc quá khứ, đừng mong ngóng tương lai, bước những bước chân như đang hôn lên mặt đất… Đó là những bí quyết nhiệm mầu của phương pháp thiền chánh niệm để giúp nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi thường hướng dẫn bệnh nhân tập thiền thở để hỗ trợ điều trị bệnh. Năm ngoái, có một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, sau khi được Bộ trưởng Y tế đến thăm và khuyên nên tập Thiền, ông đã tìm đến Bệnh viện YHCT và được tôi hướng dẫn bằng phương pháp thiền thở này. Sau thời gian vài ba tuần tập luyện chuyên cần, thần sắc và bệnh tình của ông đã cải thiện đáng kể.
Có một tin vui, bản thiết kế xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng vừa được UBND thành phố phê duyệt đã dành hẳn một số không gian riêng biệt làm khu hướng dẫn tập thiền cho bệnh nhân theo đề xuất của chúng tôi. Hy vọng khi cơ sở mới đưa vào sử dụng, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng sẽ có điều kiện phát huy hơn nữa tác dụng phòng chữa bệnh bằng dưỡng sinh và thiền thở.
PHAN CÔNG TUẤN