Vui buồn chuyện đi hát

.

Đằng sau không gian âm nhạc đằm thắm, trữ tình từ những âm thanh mộc mạc của tiếng đàn và giọng hát của người ca sĩ, là bao câu chuyện vui buồn của những người đi hát.

Với Hà Tiểu Ny, ca hát là niềm đam mê. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với Hà Tiểu Ny, ca hát là niềm đam mê. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi còn là sinh viên khoa Thanh nhạc (Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng), Từ Duy Vũ thường đi hát ở những quán cà-phê như: No Name, Ngõ Acoustic. Thời gian đầu, anh thường biểu diễn theo nhóm, sau khi tốt nghiệp, Vũ thường đi hát ở những sự kiện của địa phương, lễ kỷ niệm của các doanh nghiệp,... Đem lời ca tiếng hát để phục vụ khán giả, cũng chính khán giả là nguồn động viên, là niềm vui trên con đường ca hát của mình, anh nhớ lại: “Năm 2012 khi lần đầu tham gia âm nhạc đường phố, theo hợp đồng ban nhạc chỉ hát bốn bài, nhưng vì khán giả yêu cầu nên nhóm chơi thêm hai bài nữa. Đó là một kỷ niệm vui nho nhỏ mà mình nhớ mãi”.

Chị Hà Tiểu Ny, ca sĩ tự do, chia sẻ: “Tôi rất thích sự vui vẻ, hòa đồng ở quán No Name nơi tôi đang làm việc, mọi người ở đây đều thân thiện và dễ thương. Ngoài ra, chúng tôi còn đi hát từ thiện nhân dịp Vu Lan ở Huế và trao quà từ thiện ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, rất vui và ý nghĩa”.

Không có được may mắn như anh Từ Duy Vũ và chị Hà Tiểu Ny, chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, sinh viên Khoa Mầm non Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) không được đào tạo chuyên về thanh nhạc, nhưng có giọng ca trời phú nên chị bắt đầu đi hát từ năm 2013 ở những quán: Tìm Lại, Namunamu, Phiêu coffee, phòng trà Le Paris, Jazz Hotel.

Chị Nhung tâm sự: “Bên cạnh niềm vui, sự động viên, chia sẻ…, thì nghề đi hát ở quán cà-phê, phòng trà cũng không ít những ganh ghét, đố kỵ của những người cùng làm nghề. Bên cạnh đó, vì đi làm song song với đi học nên nhiều hôm em phải xin thầy cô về sớm, xin một hai lần thì không sao nhưng cứ về sớm mãi gặp thầy cô khó tính cũng ảnh hưởng đến điểm số và việc làm bài tập nhóm của em”.

Trong khi đó, Đoàn Nhật Quang, tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng năm 2017, rẽ hướng sang kinh doanh bánh mì và cung cấp cho các trường tiểu học vì chưa tìm được công việc như mong muốn sau khi ra trường.

Anh bảo, sẵn đã từng học quản trị kinh doanh tại Trường Cao đẳng nghề nên quyết định kinh doanh để tích lũy vốn vì nghề hát vốn rất bấp bênh, nhưng khi có cơ hội, anh vẫn nhận lời đi hát. Thỉnh thoảng Nhật Quang đi hát ở một số sự kiện của địa phương.

Nhật Quang hay của các ca sĩ khác luôn mong muốn được đứng trên sân khấu khi có cơ hội; vì thế những khó khăn trong cuộc đời hay trong nghề cũng không làm họ chùn bước. Bằng chứng là nhiều ca sĩ và cả sinh viên vẫn dấn thân vào con đường ca hát để thỏa đam mê và cũng để rèn luyện mình.

VI DIỆU

;
.
.
.
.
.
.