Cung bậc jazz trong tranh Hoàng Sao

.

Cơ duyên đã đưa Hoàng Sao gần gũi với những người tài danh xứ Huế trong lĩnh vực hội họa như: Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang và anh còn có cơ may được gần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng những người văn nghệ ở Huế như: nhà thơ Định Giang, Cung Thiêm,... thời trẻ anh còn được tiếp cận với nhà phê bình hội họa danh tiếng Huỳnh Hữu Ủy và người em Huỳnh Hữu Tuệ.

Từ đó, anh có điều kiện xem được tư liệu về hội họa rất sớm, anh như bị cuốn hút bởi rất nhiều bức hình của các danh họa thế giới trong kho tàng tài liệu tại tư gia ông Huỳnh Hữu Huệ ở Đà Nẵng (em ruột của nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy).

Đó là một trong những hạt giống hội họa đã nảy mầm trong tâm hồn Hoàng Sao, tạo một niềm đam mê hội họa trong anh sau này.

Ánh trăng trữ tình, lãng mạn trong bức Đèn đêm.
Ánh trăng trữ tình, lãng mạn trong bức Đèn đêm.

Hoàng Sao, sinh ra và trưởng thành ở Đà Nẵng, nhưng chất Huế đã thấm vào trong dòng máu anh. Trong khoảng thời gian từ 1975 đến đầu thập niên 1980, Hoàng Sao có cơ may sưu tập những bức tranh của các họa sĩ ở Huế khi họ gửi tại gallery Liễu Quán thuở đó.

Sau năm 1975, Hoàng Sao đã mở quán café tại số 22 Trương Định, Huế (trụ sở Tổng hội Sinh viên trước 1975), sau này anh trải qua nhiều nghề ở Huế với những thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng Hoàng Sao đành đoạn rời xa Huế để lập nghiệp tận thành phố Cần Thơ.

Qua sự giới thiệu của một thi sĩ ở Huế, tôi được xem loạt tranh của Hoàng Sao. Cảm giác rất khó tả khi xem tranh Hoàng Sao dù chỉ qua màn hình máy tính.

Đã quá lâu, tôi mới nhìn thấy những bức tranh vẽ không trau chuốt, không tỉa tót, không giống những gì tôi đã xem trước đây khi viết bài cho những tác giả trẻ khác. Sự vật trong các tác phẩm hội họa của Hoàng Sao như có sự chuyển động, bởi tương tác của màu sắc rất tự nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy ánh trăng đang chìm vào khoảng tối, hay ánh nắng đang tắt dần trong một buổi chiều tà,... trong tranh của Hoàng Sao.

Hãy thử quan sát “Đèn đêm” để cảm nhận sự sinh động của màu lục non đang đón nhận màu vàng của ánh trăng trong đêm một trữ tình, lãng mạn.

Nhìn vào sự ngả nghiêng của các nhạc cụ trong không khí ấm nồng của sắc màu sân khấu trong bức “jazz” để thấy được những giai điệu jazz đang lơi từng nửa nốt nhạc.

Hay trong “Saxophone” là những chuyển động của âm thanh được diễn đạt bởi buổi tiệc của sắc màu đã đánh thức cả một vùng núi đồi hoang vu... những vệt màu trong tranh của Hoàng Sao chuyển động đầy ngẫu hứng của một nhạc công đang diễn trình giai điệu jazz theo những cung bậc cảm xúc của riêng họ, không tuân thủ một luật định nào, theo ngôn ngữ thời thượng là rất “phiêu”, khiến người xem phải dừng ánh mắt thật lâu, rồi như bị hút vào thế giới phía đằng sau bức tranh để cảm nhận sự phi lý rất logic.

Bức “Mầm sống” là những biến tấu của màu, dẫn đưa người xem trở về với thiên nhiên, mái nhà chung của muôn loài.

Tác phẩm Mầm sống dẫn đưa người xem trở về với thiên nhiên, mái nhà chung của muôn loài.
Tác phẩm Mầm sống dẫn đưa người xem trở về với thiên nhiên, mái nhà chung của muôn loài.

Trong bức “Nhớ Trịnh Công Sơn” gợi lên cả một khoảng trời mênh mông tiếp nối chập chùng giữa gam vàng, xám và lục non, khơi dậy hoài niệm đang ẩn sâu trong ký ức tác giả.

Ngoài ra, Hoàng Sao vẽ một loạt tranh phong cảnh với phong cách lãng mạn. Nhìn loạt tranh này tôi có thể cảm nhận một thời phiêu lãng của tác giả, qua những tác phẩm “Cao nguyên”, “Chiều về trên sông”... Một số bức tranh có xu hướng của trường phái siêu thực và ấn tượng như: “Đường chiều lá rụng”, “Bố cục”, “Mặt trời vẫn mọc”,... một vài bức theo kiểu lập thể: “Phố chiều”, “Trở về mái nhà xưa”, “Cô đơn”.

Trong loạt ba bức “Mặt trời vẫn mọc” là cả một chủ ý sáng tạo, ở đó ý niệm được diễn đạt bởi màu sắc, đường nét và hình thể trong loạt tranh này nhòa theo độ loang của sắc màu. Hay trong những bức có chủ đề cô đơn, cách diễn đạt màu mang hơi hướng của biểu hiện tâm trạng của tác giả.

Tác phẩm Nhớ Trịnh Công Sơn khơi dậy hoài niệm đang ẩn sâu trong ký ức tác giả.
Tác phẩm Nhớ Trịnh Công Sơn khơi dậy hoài niệm đang ẩn sâu trong ký ức tác giả.

Chúng ta đều biết blues là thể loại nhạc đầy ngẫu hứng, do vậy người chơi nhạc thể hiện tùy theo trạng thái cảm xúc của mình, vẫn trên nền nhạc đó, nhưng sẽ có những biến thể bằng sự sáng tạo ngay trong thời điểm biểu hiện.

Trong một loạt tranh của Hoàng Sao vẽ với chủ đề Jazz, Flamenco, Saxophone,... với nét cọ đầy cảm hứng của cung bậc cảm xúc, màu sắc trong các tác phẩm đó như những giai điệu đang tung tẩy trong không khí của bữa tiệc âm nhạc của các nghệ sĩ dập dìu trong giai điệu jazz, blues từ giữa thế kỷ trước.

Để thể hiện được cái không khí đầy cảm hứng đó và phiêu diêu đó, tôi tin rằng Hoàng Sao là người đam mê và đã từng say đắm trong những giai điệu jazz bất tận.

Đến đầu thể kỷ XXI này, jazz vẫn gây cảm xúc cho giới thưởng thức âm nhạc, bởi trong jazz, blues chứa cả niềm vui, nỗi buồn cùng sự phóng khoáng trong cách diễn đạt và bao hàm giai điệu của các dòng nhạc khác.

Trong hội họa cũng vậy, chất jazz, blues bàng bạc trong từng nét cọ, từng gam màu để tạo nên sắc thái ấn tượng đầy chất hoang sơ, ngẫu hứng gây cảm xúc cho người xem.

Họa sĩ Hoàng Sao phần nào thể hiện được không khí jazz phóng khoáng, phiêu lãng trong một số tác phẩm hội họa của anh.

  Lê Huỳnh Lâm


 

;
.
.
.
.
.
.