Yêu Sơn Trà theo cách của mình

.

Bán đảo Sơn Trà không chỉ có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, mà còn là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật phong phú, trong đó có những loài quý hiếm. Ý thức được điều này, thời gian qua nhiều người đã thể hiện tình yêu bán đảo Sơn Trà theo cách riêng của mình để bảo vệ và quảng bá tài nguyên thiên nhiên nơi đây.

Anh Lê Phước Chín (thứ 2 phải sang) săn ảnh voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Lê Phước Chín (thứ 2 phải sang) săn ảnh voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Dù mới làm quen với chụp ảnh về voọc ở bán đảo Sơn Trà chưa đầy 3 năm, nhưng anh Lê Phước Chín, một nhiếp ảnh gia tự do sống tại Đà Nẵng, đã trở thành người có nhiều “cái mới nhất” về voọc. Anh là người đầu tiên triển lãm về voọc Sơn Trà ở Thành phố Hồ Chí Minh, người đầu tiên in sách chuyên đề về voọc, người đầu tiên bán ảnh đấu giá về voọc và cũng là người có ảnh về voọc duy nhất được trưng bày tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Dường như đã thành thói quen, cứ 6 giờ sáng mỗi ngày anh Chín đều lên bán đảo Sơn Trà một mình, vừa ngắm cảnh vừa săn ảnh về các loài chim thú quý hiếm tại đây, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu đã được ghi vào sách đỏ.

Lúc đầu anh chỉ chụp cho vui nhưng rồi trở thành đam mê lúc nào không hay. Gặp anh Chín vào một buổi chiều sau khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi ngắm voọc, anh cho biết: “Mình thích đi chụp một mình vừa để tự do khám phá vừa có những ảnh độc và lạ. Khi tiếp cận bên ngoài mới thấy cuộc sống của loài voọc có nhiều cái hay như gia đình đa thê, con đầu đàn luôn thể hiện bản lĩnh đàn ông trong việc bảo vệ bầy lúc qua đường hay những lúc ngồi ăn trên cây”.

Trong khi chụp ảnh, anh còn dùng máy quay để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của voọc một cách sinh động để làm tư liệu cho nghiên cứu sau này. Cũng nhờ vậy, mà chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, anh đã có hơn 600 clip và 10.000 bức ảnh về voọc.

Chia sẻ về cách chụp ảnh để có bức ảnh đẹp về voọc, anh Chín chia sẻ: “Voọc cũng giống như loài người nên muốn chụp đẹp phải bắt được cái thần của nó. Khác với các loài voọc ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị…, voọc Sơn Trà rất dạn dĩ, do đó du khách có thể ngắm voọc chỉ cách 2-3m.

Đặc biệt, đầu tháng 4 có nhiều loài cây ra hoa rất đẹp và cũng là thức ăn của voọc nên du khách có thể ngắm voọc và chụp ảnh như hoa vàng của lim xẹt, hoa tím của thàn mát...

Nhờ những bức ảnh đẹp về voọc được đưa lên facebook, giờ đây anh Chín đã trở thành người giới thiệu hình ảnh voọc Sơn Trà đến với bạn bè trong nước và thế giới. Trong thời gian qua, anh đã dẫn hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đi ngắm phong cảnh Sơn Trà và voọc.

Do đi nhiều nên anh biết chỗ nào sẽ có voọc thường xuyên lui tới để dẫn khách tham quan. Đặc biệt, anh có một bức ảnh chụp voọc được một tổ chức bảo vệ gấu và động vật hoang dã ở Mỹ giới thiệu trên mạng và được 1.400 người chia sẻ (share) trong ngày đầu tiên và sau đó có hơn 5.000 lượt thích (like) bức ảnh đó.

Anh cũng đã bán đấu giá một bức ảnh về voọc được 16,5 triệu đồng ủng hộ chương trình “Tôi yêu Sơn Trà”. Ngoài ra, anh in 100 cuốn sách về voọc để tặng, đồng thời in và bán đấu giá một cuốn sách khổ lớn trị giá 35 triệu đồng. Toàn bộ số tiền 90 triệu đồng tích góp được từ bán đấu giá và triển lãm ảnh đều được anh ủng hộ cho quỹ bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà.

Cũng với tình yêu Sơn Trà, anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học nước Việt Xanh (Green Viet), lại thể hiện theo một cách khác, đó là đưa chương trình giáo dục và truyền thông đến với học sinh sinh viên để nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Sơn Trà.

Các chương trình đều được Green Viet tổ chức miễn phí. Đến nay đã có hơn 3.000 học sinh, sinh viên tham gia chương trình đi cảm nhận thực tế trực tiếp và hiểu biết hơn về loài voọc cũng như các động thực vật khác tại đây. Trong chương trình giáo dục còn có bài giảng về đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà và chương trình “I love Sơn Trà”.

Các chương trình giáo dục thông qua trải nghiệm thiên nhiên đều được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Bên cạnh đó, Green Viet cung cấp thông tin khoa học về động vật hoang dã, cứu hộ, săn bắn trái phép và các kết quả nghiên cứu khoa học cho các cơ quan chức năng để có cơ sở quản lý và bảo vệ Sơn Trà tốt hơn.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:

Quan điểm của tôi là hãy gìn giữ Sơn Trà như một nơi thiên nhiên hoang dã còn sót lại để hấp dẫn du khách bên cạnh thành phố Đà Nẵng hiện đại, sầm uất.

Giữ Sơn Trà bên cạnh Đà Nẵng thì đây là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới mà không nơi nào có được. Việc giữ nguyên Sơn Trà không những hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng mà còn tăng thu nhập cho thành phố, cho người dân”.

Ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng:

Theo tôi, chính những hình ảnh và tư liệu của những người yêu Sơn Trà đã góp phần phổ biến hình ảnh voọc cũng như cảnh đẹp, tài nguyên thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà đến với mọi người.

Đây là hình thức tuyên truyền mang tính quần chúng nhân dân nên rất dễ tiếp nhận. Một số cơ quan của truyền thông hay nhà nghiên cứu khoa học cũng nhờ tư liệu này.

Chính họ lôi kéo được rất nhiều người yêu thiên nhiên trên thế giới về đây để chiêm ngưỡng, chụp voọc bằng đam mê của mình. Họ thật sự như những tuyên truyền viên, những hướng dẫn viên thực thụ, quảng bá tích cực và góp phần bảo vệ Sơn Trà.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.