Tốc độ dân số tăng trưởng nhanh, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt đổ ra ngày càng nhiều đang gây nên tình trạng quá tải cho bãi rác Khánh Sơn. Sau khi hết diện tích đất chôn lấp, việc tìm một giải pháp căn cơ để xử lý rác thải trong thời gian tới vẫn còn là bài toán nan giải cho thành phố hiện nay.
Công nhân Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải phun thuốc trước khi chôn lấp rác tại bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: Đ.H.L |
Bất cập trong công tác thu, gom
Ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày người dân trên toàn thành phố thải ra khoảng 1.000 tấn rác sinh hoạt.
Lượng rác thải này không chỉ gây áp lực cho bãi rác Khánh Sơn mà còn là gánh nặng đối với công nhân môi trường, nhất là việc thu gom rác thải trong các kiệt, hẻm nhỏ ở nội thành.
Theo thống kê từ các xí nghiệp môi trường các quận trung tâm thành phố, mỗi ngày quận Hải Châu thải 210 tấn rác, trong đó có 150 tấn rác thải thu gom từ kiệt, hẻm; quận Thanh Khê có 160 tấn rác thì có 130 tấn rác thải từ kiệt, hẻm.
Trong khi đó, lượng rác thải của các quận lân cận cũng tăng cao do lượng khách du lịch đổ về ngày càng tăng, cụ thể quận Sơn Trà có 160 tấn rác thải/ngày, quận Ngũ Hành Sơn có 90 tấn rác thải/ngày.
Để thu gom lượng rác thải trong các kiệt, hẻm, Công ty CP Môi trường đô thị phải huy động 242 công nhân sử dụng phương tiện thô sơ vào tận sâu trong các kiệt, hẻm để vận chuyển rác ra ngoài đường. Điều này cũng hình thành hơn 450 điểm tập kết thùng rác ở ngoài đường chờ xe nâng rác đến lấy, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, quãng đường vận chuyển rác ở địa bàn quận Sơn Trà lên bãi rác Khánh Sơn mất 50km cả đi lẫn về do phải vòng lên cầu Tuyên Sơn.
Trong khi đó, các khu dân cư mới ở Hòa Xuân (Cẩm Lệ) và quận Liên Chiểu có nhà cửa thưa thớt nên công ty phải tự tổ chức dọn cho người dân là chính. Còn đối với huyện Hòa Vang, công ty hỗ trợ đưa xe đến vận chuyển nhờ huyện đã lập được mạng lưới thu, gom rác ở dưới cơ sở.
Chia sẻ về khó khăn này, ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu cho biết, trung bình mỗi ngày xí nghiệp thu gom 220 tấn rác thải trên địa bàn quận. Phải huy động 214 công nhân thu gom bằng xe ba gác; sử dụng xe tải 400-800kg ở các kiệt lớn; đặt thùng rác ở đầu các kiệt, hẻm quá nhỏ.
Hiện trên địa bàn quận chỉ còn 3 trạm trung chuyển rác gồm trạm Đa Phước, Lê Thanh Nghị, chợ Đầu Mối nên việc thu, gom chưa kịp thời, nhiều người dân vẫn đưa rác ra ngoài đường bỏ, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đường phố.
Năm 2013, Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố xây dựng 11 trạm trung chuyển trong nội thành nhưng đến nay đã xóa bỏ nhiều trạm do ô nhiễm như trạm Chi Lăng, Công viên 29-3, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, Đò Xu và chỉ còn các trạm Hòa An, Đầu Mối, Nguyễn Đức Trung, Hòa Thọ.
Các trạm trung chuyển có nhược điểm là diện tích khoảng 200m2, không có tường rào bao quanh cách ly. Trong khi đó, công nghệ ép ngang, hở và chảy nước rỉ rác nên bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường đô thị.
Bãi rác Khánh Sơn trước áp lực quá tải
Sau gần 25 năm tồn tại, bãi rác Khánh Sơn đã thành núi rác khổng lồ. Nhiều năm qua, người dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) luôn gánh chịu ô nhiễm nặng nề, đỉnh điểm là vào năm 2015, khiến người dân ra đường chặn xe, không cho chở rác vào bãi rác Khánh Sơn.
Hiện nay tình trạng ô nhiễm ở đây đã giảm nhiều hơn trước nhưng vấn đề quá tải vẫn còn là bài toán nan giải đối với thành phố khi lượng rác thải ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải cho biết, xí nghiệp tiếp nhận hệ thống xử lý rác từ tháng 9-2016 và vận hành theo đúng quy trình của Công ty Quốc Việt đưa ra. Hiện hệ thống quá tải do công suất chỉ đạt 450m2/ngày, trong khi đó lượng rác cần xử lý lên đến 700-1.000 tấn/ngày. Vào các ngày diễn ra lễ hội thì lượng rác thải tăng thêm khoảng 200 tấn/ngày và tăng gấp 6-7 lần vào dịp Tết.
Kể từ sau khi xảy ra sự việc người dân chặn xe chở rác, khiến hơn 1.000 tấn rác ứ đọng vào năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thành lập tổ giám sát với sự tham gia đại diện của chính quyền và người dân sở tại.
Song song đó, Chi cục bảo vệ môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường. Quy trình vận hành bãi rác được xí nghiệp dán công khai tại cổng bảo vệ để người dân và các cơ quan ban ngành theo dõi, kiểm tra.
Công ty quy định các xe tải chở rác vào bãi phải đi qua trạm cân để xác định khối lượng. Sau khi đổ rác xe phải được rửa sạch sẽ, rồi tiếp tục quay ra trạm cân cân lại. Quy trình này sẽ giúp xác định được lượng rác thải đổ vào bãi mỗi ngày và giữ cho xe sạch sẽ khi trở lại thành phố.
Để xử lý chôn lấp đạt tiêu chuẩn, rác thải phải trải qua các giai đoạn: san gạt, đầm nén rác, phun chế phẩm khử mùi (5 lần/ngày). Hiện các hộc rác số 1, 2, 3 đã đóng cửa, còn hộc rác số 4 và 5 vẫn hoạt động.
Vào năm 2017, UBND thành phố phê duyệt Dự án Nâng cấp hệ thống xử lý rác thải Khánh Sơn có công suất 700m2/ngày đêm và dự kiến sẽ đưa vào vận hành đầu tháng 10-2018. Khi đó chất lượng nước sau khi xử lý sẽ đạt chuẩn xả thải.
“Chúng tôi cố gắng vận hành đúng quy trình để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường có thể. Tuy một số thời điểm có phát mùi hôi nhưng không kéo dài do thời tiết chuyển đổi đột ngột. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội, công tác phủ đất cũng bị hạn chế nên dễ gây ô nhiễm đến khu vực xung quanh”, ông Nguyễn Đăng Huy khẳng định.
Cần chọn giải pháp căn cơ
Thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” vào năm 2020, hiện mục tiêu thu gom rác phát sinh đạt chỉ tiêu số lượng, lượng rác thải thu gom đạt trên 90%; rác thải bệnh viện thu gom đạt 100% và được xử lý bằng phương pháp đốt; rác thải công nghiệp nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt, hóa rắn và phương pháp trung gian.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tiên, nguy cơ không đạt tiêu chí đề ra là khả năng xử lý rác thải hiện nay chưa căn cơ do chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong khi khối lượng rác thải ngày càng tăng cao. Do đó, thành phố cần thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn, từ đó các loại rác hữu ích có thể tái chế, còn rác hữu cơ có thể dùng để sản xuất phân bón cho cây trồng.
Về vấn đề này, ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu cho hay, trong thời gian qua, phường Thuận Phước và phường Thạch Thang là hai địa phương làm tốt công tác phân rác tái sử dụng tại nguồn, mỗi năm mỗi phường thu về hơn 500 triệu đồng.
Trong thời gian tới, quận Hải Châu sẽ triển khai phân loại rác các phường còn lại trên địa bàn quận do thành phố Yukohama của Nhật hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Khánh cũng trăn trở rằng, hiện nay xí nghiệp chưa đủ nguồn lực để thu gom rác thải phân loại tại nguồn.
Số tiền thu được từ rác tái chế không đủ trả tiền công cho nhân công thu gom. Bên cạnh đó, người dân gặp nhiều bất tiện khi dự trữ rác tái chế trong nhà quá dài ngày. Do đó, để thực hiện hiệu quả mô hình này thì cần sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc đưa ra các chế tài. Sắp tới, thực hiện chủ trương thu gom rác theo giờ, xí nghiệp sẽ triển khai đăng ký với từng tổ dân phố về thời gian đổ rác nhằm giải quyết vấn đề để rác ngoài đường.
Ông Trần Văn Tiên cũng cho biết, trong thời gian tới, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng dự kiến sẽ đầu tư xây dựng 3 trạm ép kín, gồm một trạm ở đường Lê Thanh Nghị 1.000m2 có công suất khoảng 260 tấn/ngày với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; và 2 trạm ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, mỗi trạm có công suất 150 tấn/ngày.
Nếu được thành phố chấp thuận thì các trạm ép kín này sẽ góp phần giảm ùn tắc rác thải ở quận Hải Châu và một phần ở quận Thanh Khê và quận Sơn Trà, do thời gian chạy thẳng lên bãi rác Khánh Sơn quá xa.
Qua thực tế cho thấy, giải pháp chôn lấp rác hiện nay có ưu điểm là rẻ tiền nhưng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vấn đề căn cơ cần được giải quyết hiện nay là xử lý nước rỉ rác, vì vậy việc sử dụng phương pháp đốt sẽ giảm được diện tích chôn lấp.
Tuy nhiên, phương pháp này lại có giá thành cao, khoảng 20-25 USD/tấn rác nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách của thành phố.
Do đó, để giải quyết vấn đề xử lý rác thải quá tải hiện nay thì thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, góp phần giảm lượng rác thải đưa đi xử lý. Hơn nữa, lâu nay Nhà nước mới thu tiền phí vận chuyển rác chứ chưa tính tiền xử lý rác nên cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
Song song đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm diện tích chôn lấp, ngăn ngừa khả năng rỉ nước bẩn từ rác thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trước tình trạng quá tải của bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu xử lý chất thải rắn theo hướng tăng cường tái chế, tái sử dụng để giảm khối lượng chất thải rắn nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố theo từng giai đoạn phát triển. Vào ngày 29-5-2018, UBND thành phố phối hợp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn nhằm góp phần thúc đẩy công tác chuẩn bị đầu tư của dự án này. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn được UBND thành phố triển khai đầu tư vào năm 2017, theo hình thức PPP, ADB là đơn vị tư vấn, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu. Đại diện ADB đưa ra 2 phương án xây dựng dự án: một là mở rộng bãi rác Khánh Sơn hiện tại lên quy mô 25,5 ha; hai là đầu tư xây mới tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) quy mô 120 ha. Theo đó, sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị công suất ban đầu tối thiểu 1.000 tấn/ngày và có thể mở rộng trong tương lai. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, hội thảo lần này là cơ sở quan trọng để thành phố có nhiều thông tin hơn để xem xét, giúp cho công tác tổ chức đấu thầu công khai nhằm lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp. Thành phố sẽ ưu tiên thu hút các hồ sơ đầu tư đảm bảo cao nhất về công nghệ để giải quyết vấn đề môi trường và phù hợp với khả năng của thành phố. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG