Áp-phích phim đầu tiên trên thế giới

.

Công ty Môi giới Tác phẩm nghệ thuật Sotheby ở London đang bán đấu giá 164 áp-phích phim chọn lọc, quý hiếm bao gồm các áp-phích từ loạt phim James Bond, 2001; A Space Odyssey, Star Wars và King Kong, cùng với các bộ phim kinh điển khác. Trong số đó có một áp-phích là phim đầu tiên trên thế giới của anh em Lumière.

Tấm áp-phích quảng cáo cho phim điện ảnh của anh em Lumière được tuyên bố là phim đầu tiên trên thế giới.
Tấm áp-phích quảng cáo cho phim điện ảnh của anh em Lumière được tuyên bố là phim đầu tiên trên thế giới.

Tấm áp-phích do nghệ sĩ Pháp Henri Brispot (1846-1928) thiết kế, mô tả một đám đông đang chờ đợi để xem bộ phim đầu tiên của anh em Lumière ở Paris năm 1895, đang được đưa ra đấu giá trong một cuộc đấu giá trực tuyến mở vào ngày 28-8 với giá ước tính khoảng từ 40.000 - 60.000 bảng Anh. Nhà đấu giá gọi nó là “áp-phích của nhà sưu tập cuối cùng”.

Tấm áp-phích quảng bá buổi chiếu phim đầu tiên của công chúng, giới thiệu cuộc sống ở Paris vào cuối thế kỷ 19. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử điện ảnh, đánh dấu sự khởi đầu của nền nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Buổi chiếu phim công chúng đầu tiên trên thế giới hoàn toàn khác xa với các buổi chiếu phim ra mắt có trải thảm đỏ ngày nay, hôm ấy chỉ có 30 người tham dự. Báo chí cũng được mời nhưng không ai đến.

Buổi chiếu phim dài 20 phút lịch sử nằm ở Salon Indien, trong tầng hầm của Grand Café trên đại lộ Capucines, Pháp. Một tấm vải trắng được treo ở một đầu của căn phòng và một bộ phim ngắn của Lumière được trình chiếu những cảnh bao gồm những người lao động rời khỏi nhà máy Lumière; một đứa trẻ “câu cá vàng” đang lội trong một cái bát thủy tinh… Ngoài ra còn có một bộ phim ngắn gọi là L’Arroseur Arossé hay là Gardener (Người làm vườn), được coi là bộ phim hài đầu tiên, nếu không nói là bộ phim viễn tưởng đầu tiên của thế giới. Bộ phim chỉ kéo dài 45 giây, nhưng một chút hài hước của nó có thể là tiền thân của tất cả các bộ phim hài sau này.

Hai ngày sau buổi ra mắt, các tờ báo đã xuất hiện những bài viết giới thiệu lẫn khen ngợi, và hơn 2.000 người đã mua vé vào xem phim. Trong vòng vài tháng, các rạp chiếu phim Lumière mở cửa tại tất cả các thành phố lớn trên thế giới.

Auguste và Louis Lumière.
Auguste và Louis Lumière.

Auguste Lumière sinh ngày 19-10-1862 tại Besancon, Pháp. Năm 1895, anh và anh trai Louis ra mắt một bức ảnh chuyển động mà họ đã chụp với phát minh mang tính cách mạng - một máy ảnh kết hợp và máy chiếu mang tên Cinematographe. “Điện ảnh” có nguồn gốc từ tên này. Ngày 13-2-1895, Louis Jean và Auguste Lumière được cấp bằng sáng chế dành cho cinématographe và lần đầu tiên được trình diễn tại một cuộc họp khoa học vào tháng 3-1895. Vì thế người ta thường gọi tên máy quay phim “Cinematography Lumière” (thuật ngữ Cinematography - nghệ thuật tạo hình ảnh chuyển động).

Louis Lumière cùng anh trai Auguste tạo ra một chiếc máy ảnh chuyển động vượt trội so với kinetograph của Thomas Edison (vào năm 1892, Edison và Dickson đã phát minh ra một camera hình ảnh chuyển động và một thiết bị được gọi là Kinetoscope. Chúng được công bố lần đầu tiên vào năm 1893 và năm sau, những bộ phim đầu tiên của Edison được trưng bày tại một hội chợ thương mại). Lumières cố gắng sửa chữa các sai sót mà họ tìm thấy trong kinetograph và kinetoscope của Thomas Edison, để phát triển một máy có hình ảnh sắc nét hơn và chiếu sáng tốt hơn.  

Cảnh trong phim hài “Người làm vườn” của anh em Lumière.
Cảnh trong phim hài “Người làm vườn” của anh em Lumière.

Cinématographe chỉ nặng chưa đến 8kg, dễ vận chuyển và bố trí. Đồng thời, Cinématographe được vận hành thủ công bằng tay quay, ngược lại với máy ảnh chạy bằng điện của Edison, không dễ dàng cầm tay. Và Cinématographe có thể chiếu hình ảnh lên màn hình để đông đảo khán giả có thể xem hình ảnh cùng một lúc.

Năm 1897, Lumières tiếp tục thêm vào sáng chế của họ bằng cách sử dụng bình thủy tinh đựng nước để tập trung ánh sáng vào khung phim và hấp thụ nhiệt. Bình cũng hoạt động như một tính năng an toàn, vì ánh sáng sẽ không còn tập trung vào bộ phim làm dễ cháy nếu kính bị vỡ do quá nóng hoặc tai nạn.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
.
.
.
.
.
.