Đà Nẵng - vị thế của lịch sử, tầm vóc của tương lai

.

Nhìn vào vị trí địa lý của Đà Nẵng, chúng ta đều thấy thành phố bên bờ Biển Đông này có vị thế như thế nào về chính trị-kinh tế-quân sự của Việt Nam cũng như của khu vực và thế giới.

Trong tiến trình lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, Đà Nẵng được ví như tuyến đầu, luôn đối mặt với những kẻ thù hung bạo nhất.

Trụ sở HĐND thành phố - nơi lưu dấu nhiều nét kiến trúc văn hóa Pháp, dự kiến trở thành Bảo tàng Đà Nẵng.					Ảnh: TRẦN MINH TRÍ
Trụ sở HĐND thành phố - nơi lưu dấu nhiều nét kiến trúc văn hóa Pháp, dự kiến trở thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN MINH TRÍ

Cách đây tròn 160 năm, ngày 31-8-1958, để thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam và cả Đông Dương, đạo quân viễn chinh của thực dân Pháp do Genoully và Palnanca chỉ huy tấn công đã chọn cửa sông Hàn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên để mở màn cuộc chiến.

Vì theo thực dân Pháp, Đà Nẵng có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, bởi nơi đây có một hải cảng sâu, rộng, tàu chiến có thể ra, vào dễ dàng. Mặt khác, Đà Nẵng lại nằm trên đường thiên lý Bắc-Nam, nếu chiếm được nơi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực dân Pháp thực hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh’’ trong cuộc tấn công xâm lược Việt Nam.

Sau khi Pháp thất bại, Mỹ thế chân và cũng mở đầu việc đưa quân đội vào Việt Nam tham chiến bằng việc đưa Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng lúc 9 giờ sáng ngày 8-3-1965. Cũng như Pháp, Mỹ chọn Đà Nẵng để đổ bộ vì đây là vị trí quân sự chiến lược, dễ bề chia cắt hai miền Nam- Bắc; đồng thời tận dụng cảng nước sâu và một cự ly nhất định với miền Bắc để xây dựng các căn cứ quân sự dã chiến, mục đích tấn công miền Bắc nước ta bằng không quân và hải quân, cũng như kiểm soát cả khu vực phía tây dãy Trường Sơn và Nam Lào.

Nhắc đến hai sự kiện đó để thấy một Đà Nẵng trong tầm mắt của các đạo quân xâm lược có vị trí quan trọng như thế nào trong chiến lược quân sự.

Vì một khi chúng chiếm được Đà Nẵng sẽ tạo ra một bàn đạp vững chãi để dễ bề kiểm soát, chi phối toàn bộ chiến trường Bắc-Nam cũng như cả vùng Biển Đông rộng lớn và phía tây Trường Sơn hùng vĩ. Hay nói một cách khác, Đà Nẵng nằm ở vị trí địa lý vô cùng lý tưởng để kết nối Nam - Bắc và Đông - Tây.

Vì thế, khi đánh giá về vai trò, vị trí của Đà Nẵng trong công cuộc xây dựng và phát triển trong thời kỳ đổi mới và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2013 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu rõ:

“Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông”.

Đồng thời, Nghị quyết 33-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.

Tinh thần đó, yêu cầu đó đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nhận thức rõ về vai trò, vị trí của đô thị vừa là trung tâm vừa có sự kết nối để không ngừng phấn đấu, tìm tòi và sáng tạo các giải pháp, quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện có kết quả.

Với tinh thần đó, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, với bao bộn bề công việc phải làm, nhưng đến nay, Đà Nẵng đã tạo ra những điểm nhấn đầy ấn tượng, được mệnh danh thành phố kết nối của sự phát triển mạnh mẽ.

Sự kết nối đó đã làm nên một Đà Nẵng thăng hoa trong từng sự kiện, làm cho hình ảnh một Đà Nẵng-Việt Nam thật ấn tượng trong mắt bạn bè trong nước, quốc tế và cũng chính của người dân nơi đây, thể hiện ở ba trong số những điểm nhấn sau:

Một là, Đà Nẵng - Thành phố của những sự kiện, lễ hội để kết nối bạn bè trong nước và quốc tế.
Với những ưu đãi tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cùng các giá trị di sản văn hóa lâu đời, Đà Nẵng đã và đang khai thác thế mạnh, tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng thương hiệu về một thành phố du lịch biển, điểm đến tổ chức của các sự kiện và lễ hội đầy màu sắc.

Từ một thành phố tiêu thụ, một cụm cứ điểm quân sự khổng lồ của quân đội Mỹ, đến nay, Đà Nẵng có hơn 320 đơn vị kinh doanh lữ hành, trên 720 cơ sở lưu trú, hơn 31.531 phòng, trong đó có 88 khách sạn 3 đến 5 sao. Tại thành phố cũng đang tập trung hơn 20 thương hiệu khách sạn quốc tế như Accor, Hyatt, Melia, Crown, Intercontinental, Mercure, Furama, Novotel, Vinpearl…

Nhiều khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, tuyến điểm tham quan được đầu tư, xây mới như Bà Nà Hills, Công viên châu Á, danh thắng Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Núi Thần Tài... Từ một sân bay chuyên về quân sự, đến nay, Đà Nẵng có 23 đường bay, trong đó có 9 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Bên cạnh đó cảng Tiên Sa đã đón hàng trăm lượt tàu đưa khách du lịch quốc tế bằng đường biển đến với Đà Nẵng.

Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng từng năm, trong số hơn 4 triệu lượt khách đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, nhiều sự kiện được thành phố tổ chức định kỳ, đã trở thành thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế, quảng bá cao như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc thi marathon quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện mang tầm thế giới và châu lục như:

Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016; Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và hội nghị, hội thảo (MICE); Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á - ABG5… Đặc biệt, Đà Nẵng đã cùng cả nước tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC vào cuối năm 2017 với sự có mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hai là, Đà Nẵng - Thành phố của sự huy động, kết nối và phát huy sức mạnh của lòng dân.
Để có một Đà Nẵng như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã làm một “cuộc cách mạng sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng” trên quy mô chưa từng có.

Công việc này đã ảnh hưởng tới hơn 110.000 hộ dân với mấy trăm ngàn cư dân, tuy đây đó vẫn có người băn khoăn, trăn trở, nhưng đều đồng tình phải hy sinh nơi đã từng gắn bó nhiều năm để bàn giao mặt bằng, hỗ trợ thành phố nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đến nay, nhiều trường học, bệnh viện được xây mới khang trang. Nhiều cây cầu mới được bắc qua sông Hàn, không chỉ nối những bờ vui mà còn đánh thức cả một vùng phía đông rộng lớn. Những xóm nhà chồ ở bờ đông sông Hàn, những khu nhà ổ chuột ở bàu Thạc Gián, những con đường làng nắng bụi, mưa lầy, những kiệt, hẽm tối tăm, nhếch nhác ở huyện Hòa Vang và các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ đã lùi vào quá khứ.

Tất cả đã và đang làm cho thành phố mỗi ngày một đẹp hơn và phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Thành quả đó đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, đều gắn liền với sự chung tay, góp sức đầy sáng tạo, quên mình của người dân thành phố.

Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh sống động, những dấu ấn tuyệt vời về một thành phố vừa có bề dày lịch sử, vừa năng động, trẻ trung, giàu tiềm năng và triển vọng, đang vươn mình trỗi dậy.

Cùng với đó là việc xây dựng “chính quyền điện tử” rộng khắp để lắng nghe dân, phục vụ dân mọi lúc, mọi nơi; để cho mỗi người dân thêm gắn bó, thêm trách nhiệm với chính quyền, với thành phố mà mình sinh sống.

Làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã sử dụng “phép màu” mà cha ông ta từ bao đời nay đã đúc kết để làm nên mọi chiến thắng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là “huy động, kết nối và phát huy sức mạnh của lòng dân”!

Ba là, Đà Nẵng - Thành phố của sự yên bình trong không gian xanh-sạch-đẹp.

Để Đà Nẵng là điểm đến của khách du lịch, là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, là nơi kết nối của tình bạn bè, của sự gặp gỡ, chia sẻ để cùng vươn lên, cùng phát triển, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng thì chính thái độ, tấm lòng của con người và cảnh vật nơi đây phải có sức hút mạnh mẽ.
Đây là bài toán khó mà Đảng bộ, chính quyền và chính người dân Đà Nẵng đã phải dày công tạo dựng và vun đắp trong suốt chặng đường vừa qua.

Có thể nói, trong những thành tựu đạt được, tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất. Từ chỗ quay lưng với biển, chúng ta đã kiến thiết để Đà Nẵng có hai mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn, rồi thêm những tác phẩm của tạo hóa ẩn mình trong rừng xanh suối biếc, được con người khơi dậy ngày càng đẹp hơn.

Vận hành cùng nhịp thời gian hối hả, cả thành phố như một đại công trường, ở đó mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái xây dựng, làm cho thành phố ngày càng thay da, đổi thịt, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; diện mạo đô thị ngày càng đổi thay rõ nét.

…Để Đà Nẵng xứng tầm là đô thị trung tâm hiện đại, là thành phố thân thiện với môi trường, là nơi kết nối bạn bè gần xa, là tiền đồn vững chãi của Tổ quốc bên bờ Biển Đông, Đảng bộ, chính quyền và người dân ngày đêm miệt mài lao động, sản xuất, quyết biến những kết quả đạt được thành động lực cho những mục tiêu trước mắt và lâu dài như Nghị quyết Đảng bộ lần thứ 21 đã đề ra.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.
.