Di chúc - sự tận trung với nước, tận hiếu với dân

.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập - một tác phẩm “thiên cổ hùng văn” tiếp nối “Nam quốc sơn hà” và “Cáo Bình Ngô” của các tiên liệt.  Và, cũng vào ngày đó sau 24 năm, lúc 9 giờ 47 phút, Bác vĩnh biệt chúng ta...  Sự trùng hợp kỳ lạ đó, như là sự linh ứng về vận nước ta từ thế kỷ XX về sau hiện diện một cuộc đời, một con người - Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Quả thật, Hồ Chí Minh là người yêu nước và trọn cuộc đời “vì nước, vì dân”. Từ khi ý thức được nỗi nhục mất nư­­ớc, ra đi tìm đường cứu nư­­ớc đến khi phải từ giã cõi đời, Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho n­­ước nhà được độc lập, nhân dân đ­­ược tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Và, trên thực tế, Ng­ười đã làm tất cả để thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó. Ngay cả khi tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp...; không đoán biết có thể phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa, Bác còn lo, khiêm nhường “để sẵn mấy lời…” cho Đảng, cho Dân, cho Nước.

Di chúc là văn bản lịch sử thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh. Trong hình thức văn bản, Di chúc chỉ có 1.000 từ nhưng chứa đựng trong đó những tư tưởng lớn của Người.

Đó là sự đúc kết cô đọng về lý luận và thực tiễn sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc: “đánh thắng hai đế quốc to…; góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đó cũng là một thiết kế lý luận về phát triển - trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào kiến thiết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trong những điều dự liệu cho tương lai, một lần nữa - thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, Người yêu cầu phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - nhân tố quyết định của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tìm hiểu những giá trị chứa đựng trong Di chúc, xác định nội dung, yêu cầu về xây dựng Đảng cầm quyền cần lưu tâm:

Thứ nhất, Di chúc là sự khái quát cô đọng về lý tưởng, lẽ sống: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc Việt Nam, của Đảng và của Bác. Đó cũng là nội dung xuyên suốt học thuyết đạo đức chính trị Hồ Chí Minh. Nội dung đó thể hiện đầy đủ, toàn diện trong tư tưởng và toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người.

Đặc biệt, khi trở thành người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh thực hiện trọng trách đó với một tinh thần tận tụy và đạo đức trong sáng, mẫu mực: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đứng ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lý khi cho rằng: “Điểm cơ bản nhất trong đạo đức của Bác Hồ là: quyết tâm suốt đời đấu tranh vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân…”(1).

Thứ hai, trong Di chúc, đề cập nội hàm đạo đức cách mạng - lương tâm, trách nhiệm-giá trị đạo đức cơ bản trong đời sống chính trị-xã hội Việt Nam khi Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã tập trung vào mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Theo đó, Người chỉ rõ, Đảng ta là Đảng cầm quyền…, là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Và, để xứng đáng với điều đó, Người nhắc nhở:

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.  

Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Thứ ba, nếu chỉnh đốn Đảng là công việc phải làm trước tiên đối với Đảng, thì theo Hồ Chí Minh, công việc đối với con người là công việc đầu tiên Đảng phải quan tâm. Trong Di chúc, Bác quan tâm đến con người một cách rất toàn diện, từ việc coi trọng yếu tố con người đến vấn đề chăm lo lợi ích của người dân; chăm lo bồi dưỡng, giáo dục con người, yêu thương con người... Đó cũng là lý do “cuối cùng” , với tình yêu bao la, Bác đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Kiên trì với những nội dung bất hủ của Tuyên ngôn, làm theo Di chúc của Bác sẽ là định hướng, động cơ thôi thúc tất cả những ai nguyện đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người hôm nay và mai sau.

Bởi lẽ đó, đã là đảng viên của Đảng, hơn nữa là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị, đương nhiên mỗi người cần tự ý thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm trong sứ mệnh “lo cho dân, cho nước”. Chung đúc lại, phải hiểu rằng: Đảng ta, Nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấu triệt: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh; chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.  

Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Lường biết những chứng bệnh vốn dễ nhiễm trong các cơ quan quyền lực Nhà nước, Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải tránh cho được các lầm lỗi, khuyết điểm, những thói hư,­­ tật xấu, nh­­ư: cậy thế, hủ hóa, t­­ư túng, cục bộ, chia rẽ, kiêu ngạo…

Vì lẽ đó, ngày nay, để ngăn chặn nguy cơ nhiễm các căn bệnh “tha hóa quyền lực”, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự vấn: “Không biết xấu hổ thì không thành người được”; tử tế và tôn trọng nhau trong đối nhân, xử thế là giá trị làm nên thuộc tính người.

Cần phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một tòa án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người.

Khi Đảng cầm quyền, lo cho dân, cho nước, Bác dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Vì thế, để hoàn thành được trọng trách đó, lúc này cần: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…” (2) tương thích với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Và trên nền tảng ấy, các nhân tố lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu mỗi hệ thống cần khuyến khích, huy động trí tuệ, tâm huyết của các thành viên cùng tạo lập thể chế, cơ chế, để một mặt, mỗi người có thể phát huy sự sáng tạo, khẳng định “cái tôi” trong “cái chúng ta”; mặt khác, cũng là cơ sở để mọi thành viên có thể tham gia xây dựng, góp ý, hơn nữa là giám sát, kiểm soát hoạt động thực thi công vụ. Cũng chỉ trên cơ sở thể chế hợp lý, tường minh, phẩm chất, tài năng và đạo đức của người đứng đầu mới được thể hiện, thẩm định bởi sự trong sáng - “vị công” và hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý.

Đó là quyết tâm chính trị mà Đảng ta đã và đang thể hiện rõ trong “nói và làm”; là cách thể hiện sinh động sự tiếp nối các giá trị nhân văn, cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước “hơn mười ngày nay”.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Về tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTƯ khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr 44.

;
.
.
.
.
.
.