Đội Tự vệ đỏ với tổng khởi nghĩa của Đà Nẵng

.

Cách đây đúng 73 năm (tháng 8-1945), Đà Nẵng hừng hực khí thế đứng lên làm cuộc cách mạng đòi lại quyền con người, quyền tự do, độc lập cho một dân tộc đã bị bóng đêm áp bức, bất công của thực dân, phong kiến bao phủ. Để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng mùa Thu, tháng 7-1945, Tổ chức Mặt trận Việt Minh của thành phố Đà Nẵng được thành lập và các công việc tiếp theo được tiến hành rất khẩn trương.

Đến đầu tháng 8, hầu hết các tổng, xã của huyện Hòa Vang cũng như khu Tây, khu Đông của Đà Nẵng đã lập xong Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Trong nội thành, lực lượng khởi nghĩa đã cài cắm được một số cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp cũng như các đồn lính bảo an của địch.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Tỉnh ủy viên phụ trách khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Tỉnh ủy viên phụ trách khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng.

Thành ủy Đà Nẵng quyết định thành lập Đội Tự vệ đỏ. Các thành viên của Đội Tự vệ đỏ được lựa chọn từ những người có tinh thần cách mạng, hăng hái, tích cực nhất trong số lực lượng thanh niên của Anh Phan, tức luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Thanh niên lúc bấy giờ.

Nhiệm vụ chính của Đội Tự vệ đỏ là tuyên truyền để nhân dân nắm bắt chủ trương của Đảng, canh gác, bảo vệ các cuộc họp của lãnh đạo Thành ủy, của Mặt trận Việt Minh và chuẩn bị phương tiện, vũ khí để nổi dậy giành chính quyền.

Gần đến ngày khởi nghĩa, hoạt động của Đội Tự vệ đỏ càng được đẩy lên ở mức cao hơn, được Thành ủy phân công cùng các lực lượng khác chuẩn bị đánh chiếm và tiếp quản các cơ quan đầu não của địch ở Đà Nẵng.

Ngày 14-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị, quyết định phát động toàn dân chuẩn bị lực lượng, vũ khí để chờ ngày nổi dậy. Cũng tại hội nghị này, kế hoạch khởi nghĩa được bàn tính rất kỹ và giao cụ thể cho từng cá nhân phụ trách tại các khu vực, địa bàn trong tỉnh.

Riêng Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đang có khoảng hơn 5.000 quân Nhật từ các tỉnh kéo về tập trung chờ ngày xuống tàu biển rút về nước và 5.000 quân Tưởng Giới Thạch đang thay thế cho quân Nhật chiếm đóng theo Hiệp định Potsdam ngày 17-7-1945 tại Đức giữa 3 cường quốc là Liên Xô, Anh, Mỹ để bàn về vấn đề quan trọng sau chiến tranh, đòi Nhật đầu hàng vô điều kiện.

Vì vậy, Đà Nẵng và Hòa Vang  được xác định là địa bàn trọng yếu, phức tạp nhất nên Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương cần phải có phương án, kế hoạch chặt chẽ để tránh đổ máu, giảm thiệt hại của ta. Sau hội nghị này, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Tỉnh ủy viên được giao trực tiếp phụ trách khởi nghĩa ở Đà Nẵng; đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ phụ trách phong trào khởi nghĩa huyện Hòa Vang.

Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng quân đồng minh và quân đồng minh ồ ạt tiến vào Đà Nẵng tước đoạt toàn bộ khí giới của quân Nhật. Ngày 18-8, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền khắp nơi. Nhân dân rầm rộ xuống đường; khởi nghĩa bắt đầu diễn ra ở các phủ, huyện của tỉnh Quảng Nam mang lại nhiều kết quả.

Ngày 22-8, nhân dân Hòa Vang nổi dậy và cũng chính trong ngày này, Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang được thành lập, do đồng chí Lâm Quang Thự làm Chủ tịch. Ngày 25-8, huyện Hòa Vang tổ chức mít-tinh tại sân vận động An Phước, xã Hòa Phong và ra mắt chính quyền lâm thời.

Sáng 26-8, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra tại Đà Nẵng và giành nhiều thắng lợi rực rỡ. Tất cả các cơ sở, nhà máy, đều bị các toán Việt Minh đột nhập chiếm lĩnh treo cờ, giăng biểu ngữ, tập hợp công nhân, viên chức, đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền chế độ thực dân, thiết lập nền trật tự mới của cách mạng. 9 giờ sáng cùng ngày, cờ đỏ cách mạng treo ngập tràn khắp thành phố thông báo mảnh đất “nhượng địa” từ nay độc lập.

Đồng chí Lê Văn Hiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng được lực lượng Tự vệ đỏ hộ tống tiến vào cổng chính Tòa Thị chính để tiếp nhận con dấu, hồ sơ từ đại diện chính quyền bù nhìn của Đốc lý Nguyễn Khoa Phong.

Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên thay thế cho lá cờ quẻ ly của địch. Ủy ban Khởi nghĩa Việt Minh Đà Nẵng hùng hồn tuyên bố giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Cũng trong ngày 26-8, Đội Tự vệ đỏ Đà Nẵng nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lãnh đạo, canh gác các trụ sở, mục tiêu quan trọng vừa chiếm giữ, nơi làm việc của chính quyền, tiếp quản nhà lao, trại lính bảo an, sở mật thám, phòng nhì, truy bắt Việt gian ác ôn lẩn trốn, thu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu do địch để lại, bố trí lực lượng giữ gìn trật tự công cộng…

Vì vậy, ngày 26-8-1945 trở thành ngày chính thức ra đời của lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng. Sau này, để thống nhất tên gọi trong cả nước theo sự chỉ đạo của Bộ Công an, công an các địa phương đều được lấy ngày 19-8-1945 làm Ngày truyền thống của toàn lực lượng, bởi ngày này, Đội Tự vệ đỏ ở Hà Nội cùng với các lực lượng khác và các tầng lớp nhân dân nổi dậy giành chính quyền đầu tiên trong cả nước.

Đến ngày 28-8, Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ ra mắt trước 3 vạn đồng bào đang tập trung tại sân vận động Chi Lăng, đồng thời triển khai các nhiệm vụ về tổ chức để chào mừng Quốc khánh 2-9. Đồng chí Phạm Công Sâm được phân công phụ trách Sở Liêm phóng, đồng chí  Lê Trình được giao phụ trách Sở Cảnh sát Đà Nẵng.

Nhiệm vụ chủ yếu của 2 sở này là bảo đảm an ninh chính trị, ổn định trật tự cho thành phố, rồi sau đó nhập 2 sở lại thành Ty Công an Đà Nẵng. Ngay sau khi thành lập, Thành ủy, Ủy ban Cách mạng lâm thời Đà Nẵng đã điều động nhiều cán bộ có năng lực nắm các vị trí chủ chốt của công an.

Đó là những đồng chí xuất thân từ giai cấp công nông, trí thức đã tham gia lực lượng Tự vệ đỏ, hăng hái hoạt động trong quá trình khởi nghĩa, góp phần xử lý những công việc cấp bách trước mắt để ổn định tình hình, thiết lập cơ bản nền an ninh trật tự của Đà Nẵng.

Ngày 1-4-1946, quân Pháp lại đổ bộ lên Đà Nẵng núp dưới danh nghĩa “tiếp viện cho quân đồng minh là Tưởng Giới Thạch”, nhưng thực chất là trở lại xâm lược nước ta. Thế là cùng một lúc, dân, quân Đà Nẵng phải đối phó với hai kẻ thù xâm lược.

Với mưu đồ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược, quân Pháp tăng cường hoạt động tình báo, tung lực lượng tìm mọi cách móc nối với những tên tay sai chống đối cũ để chuẩn bị thành lập lại bộ máy tay sai về sau.

Để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến, Công an Đà Nẵng tăng cường giáo dục công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; củng cố tổ chức, nắm tình hình, thái độ của các đối tượng tay sai cũ của Pháp, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, làm trong sạch địa bàn để khi chiến sự xảy ra, ta rảnh tay hơn mà đối phó với giặc Pháp. Các tài liệu, hồ sơ mật, trại giam… được di chuyển đến địa điểm cất giữ an toàn.

Trụ sở Ty Công an Đà Nẵng (1945-1946), bây giờ là nhà số 247 Trần Phú, Đà Nẵng.               (Chụp lại từ ảnh tư liệu)
Trụ sở Ty Công an Đà Nẵng (1945-1946), bây giờ là nhà số 247 Trần Phú, Đà Nẵng. (Chụp lại từ ảnh tư liệu)

Đêm 19-12-1946, tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Do không nhận được hiệu lệnh nên quân và dân Đà Nẵng chưa nổ súng. Sáng 20-12-1946, quân Pháp tấn công ta bằng nhiều mũi, pháo từ các tàu chiến ngoài biển khơi liên tục nã vào, quân địch bao vây, đánh chiếm các trụ sở cách mạng, quân và dân Đà Nẵng lại lao vào cuộc chiến đấu với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tại trụ sở Ty Công an (bây giờ là ngôi nhà mới số 247 Trần Phú, Đà Nẵng), một tiểu đội cảnh vệ đã anh dũng đánh trả các đợt tấn công của quân Pháp suốt cả buổi sáng. Tuy nhiên, do cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức về lực lượng cũng như vũ khí, một số chiến sĩ công an hy sinh, địch chiếm được trụ sở Ty Công an.

Những ngày sau đó, được nhân dân ủng hộ, tiếp tế lương thực, thuốc men, các lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, công an liên tục bám trong thành phố chiến đấu ròng rã hơn một tháng thì quân Pháp mới chiếm được hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang.

Cuộc chiến đấu mới của quân, dân Đà Nẵng lại bước vào giai đoạn đầy cam go, khốc liệt. Riêng lực lượng Công an Đà Nẵng tăng cường các hoạt động, trừng trị nhiều tên Việt gian ngoan cố ngóc đầu dậy chống phá khi đánh hơi thực dân Pháp quay trở lại.

Một số tổ chức phản động và bọn chỉ điểm, gián điệp được phát hiện xử lý kịp thời. Chiến công tiêu biểu của Công an Đà Nẵng là đã bí mật bắt sống, khai thác tên quan ba Tôn Thất Dật được quan thầy Pháp chuẩn bị đưa vào Tòa Thị chính để giữ chức Đốc lý thành phố Đà Nẵng thay cho Nguyễn Khoa Phong đã bị dòng thác của cuộc nổi dậy truất phế ngày 26-8-1945.   

Mặc dù còn non trẻ, nhưng Đội Tự vệ đỏ, tiền thân của Công an Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Đà Nẵng, cùng cả nước làm nên Quốc khánh 2-9, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, nước nhà.

THÁI MỸ

(*) Dựa theo tài liệu lịch sử ra đời và trưởng thành Công an Đà Nẵng giai đoạn 1945-2005.

;
.
.
.
.
.
.