Văn nghệ Đà Nẵng - 30 năm nhìn lại

.

Cách đây tròn đúng 30 năm (1988- 2018), Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng diễn ra, với sự tham dự của 86 hội viên sáng lập, bao gồm các ngành văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc và sân khấu.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 15 thành viên, do nhà thơ Lưu Trùng Dương làm Tổng thư ký và nhà thơ Duy Nguyễn (Trần Khảm) làm Phó Tổng thư ký kiêm thủ trưởng cơ quan Hội.

Mặc dù chỉ hoạt động và phát triển trong vòng chưa đầy 10 năm (cho đến khi Đà Nẵng và Quảng Nam chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương năm 1997), nhưng có thể khẳng định, đây là giai đoạn quan trọng hình thành nên đội ngũ nòng cốt góp phần cho sự phát triển văn nghệ Đà Nẵng hôm nay.

Các ấn phẩm của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng giai đoạn 1988-1997. Ảnh: T.T.S
Các ấn phẩm của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng giai đoạn 1988-1997. Ảnh: T.T.S

Theo nhà thơ Duy Nguyễn, sau khi Ban vận động thành lập Hội LHVHNT thành phố ra đời từ năm 1987, trên cơ sở tham khảo từ các mô hình các Hội ở địa phương như Nha Trang, Huế, Cần Thơ và sự ủng hộ của Thường trực Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), Đại hội Hội LHVHNT thành phố Đà Nẵng được tổ chức trong các ngày 19 và 20-8-1988, là nơi chốn “đi về” của lực lượng làm công tác văn học nghệ thuật chuyên và không chuyên của thành phố.

Còn nhớ, trò chuyện với văn nghệ sĩ ngay tại Đại hội lần đó, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Đắc Hợi (thời bấy giờ) đã nói: “Nếu nói thẳng, nói thật đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu khi những thế lực này còn đang mạnh, đòi hỏi người sáng tác phải có dũng khí thì việc phát hiện cái mới, ủng hộ cái mới, ca ngợi cái thiện, làm ngời sáng cái đẹp đang bị chìm lấp bụi mờ, lẫn lộn bao nhiêu tạp chất cũng đòi hỏi đức tính không kém, nếu không nói là một dũng khí rất cao.

Bởi vì công việc này không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén, mà còn đòi hỏi đức tính kiên trì, tinh thần trách nhiệm, lắm khi phải chấp nhận sự đơn độc vì một thế lực vô hình nào đó dồn nén; hoặc vì dư luận xã hội chưa đồng tình hoặc tẻ nhạt”. Ông cũng nhấn mạnh:

“…Anh chị em văn nghệ Đà Nẵng hãy tin chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở thành phố quê hương chúng ta biết quý trọng sự nghiệp văn học nghệ thuật, xem văn nghệ là đời sống tinh thần của nhân dân, là bộ mặt của đất nước. Hơn thế, sự nghiệp văn học-nghệ thuật còn tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp khác, góp phần trong công cuộc cách mạng và đổi mới…”.

Trong suốt quá trình hoạt động, Hội LHVHNT Đà Nẵng và các hội viên đã lần lượt cho ra đời gần 100 đầu sách và hàng chục số tập san Văn nghệ Đà Nẵng. Trong đó, có những tác phẩm được phát hành với số lượng lớn, diện rộng cả nước như: Tiểu thuyết “Bông sen vàng” của Sơn Tùng, “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gởi lại” (nhiều tác giả), tập truyện ký “Người Đà Nẵng” (nhiều tác giả), các tập truyện ký “Đối mặt” I, II, III (nhiều tác giả)…

Không ít tác phẩm thơ, văn, nhạc họa có nhiều tiếng vang của những tên tuổi quen thuộc trong Hội như: Hoàng Châu Ký, Lưu Trùng Dương, Nguyễn An Hạ, Lê Huy Hạnh, Nguyễn Quân, Trần Trúc Tâm, Trường Giang, Gia Vi… (văn học); Trương Xuân Mẫn, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Duy Khoái (âm nhạc)…

Qua hai kỳ đại hội, lực lượng hội viên tăng lên 150 người và hàng trăm hội viên tham gia các câu lạc bộ văn học trẻ, nhiếp ảnh trẻ. Câu lạc bộ Tự khúc xanh của các nhà thơ nữ ra mắt nhiều ấn phẩm được công chúng đón nhận.

Nhiều cá nhân trong ngành văn học, mỹ thuật-nhất là nhiếp ảnh, có nhiều tác phẩm dự các kỳ thi đoạt giải cao tại địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Hội cũng thường xuyên tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật theo ngành, theo chủ đề, những đợt giao lưu thực tế sáng tác như:

Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 (Bầu Bàng), 08 (Phước Sơn), Mỹ Sơn, Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), Cù Lao Chàm (Hội An)… và thường xuyên có những chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm giao lưu với công chúng, những cuộc triển lãm tập thể hoặc cá nhân (ngành mỹ thuật và nhiếp ảnh).

Sau ngày Đà Nẵng và Quảng Nam tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đa phần số hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (cũ) được sáp nhập cùng với số hội viên Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng đang có mặt trên địa bàn Đà Nẵng, lập thành Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (mới). Vào cuối nhiệm kỳ 1998-2003, được sự đồng ý của UBND thành phố, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng được chuyển thành Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, gồm các hội chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Kiến trúc.

Thấm thoát 30 năm đã trôi qua, hầu hết những hội viên sáng lập của Hội Liên hiệp VHNT thành phố Đà Nẵng như Lưu Trùng Dương, Hoàng Châu Ký, Duy Nguyễn, Hồ Hoàng Thanh… đều qua đời. Những gương mặt “văn nghệ trẻ” ngày nào giờ cũng đã trở thành những người luống tuổi.

Nhìn lại những thành tựu và phát triển của bộ mặt văn học-nghệ thuật của thành phố hôm nay, chúng ta không quên nỗ lực của những người đi trước đã đóng góp với bao tâm huyết trong một giai đoạn còn nhiều khó khăn.

Nhắc những kỷ niệm đáng nhớ vào giai đoạn này, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa và họa sĩ Lê Huy Hạnh cho rằng đó là một thời kỳ khó khăn, nhưng rất dễ thương, anh em tham gia phong trào rất hăng hái.

Còn anh Lê Thạch Phương nói rằng: “Tôi còn nhớ, hồi đó trụ sở Hội đóng tại 18 Hoàng Diệu tuy nhỏ hẹp, nhưng là một địa chỉ có nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật rất hấp dẫn thú vị, anh chị em yêu chuộng văn học nghệ thuật lui tới rất nhiều.

Từng có các cuộc triển lãm mỹ thuật ấn tượng như Triển lãm tranh sơn dầu Đỗ Tài, Triển lãm tranh trừu tượng Trần Phương Kỳ… Tôi cũng rất thích và đến nay còn lưu giữ các ấn phẩm Văn nghệ Đà Nẵng. Đó là một tập san văn nghệ khá trang nhã và mang bản sắc đặc trưng của thành phố bên sông Hàn”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.
.