Tác động của con người vào môi trường được cho là nguyên nhân chính khiến cho các cơn bão ngày càng trở nên hung dữ hơn.
Người dân Mỹ xếp hàng nhận đồ cứu trợ sau bão Michael. Ảnh: Internet |
Trước hết phải nói về bão ở từng vùng. Nếu bão vào khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) sẽ có sức gió mạnh hủy diệt, di chuyển vòng tròn, đặc biệt ở Tây Đại Tây Dương. Nếu bão vào châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam…) có gió mạnh, mưa lớn và kèm sấm chớp. Còn bão xảy ra ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương gọi là lốc xoáy.
Các cơn bão rút năng lượng từ dưới bề mặt đại dương, có khi sâu tới 2.000m. Nhiệt độ ở tầng nước này được cho là tăng vọt kể từ năm 1970. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà khoa học nhận định rằng nước ấm hơn đã làm cho các cơn bão tăng cường sức tàn phá ghê sợ hơn trong những năm gần đây.
Bão di chuyển chậm hơn, sức gió mạnh hơn và mưa nhiều hơn
Ông James Kossin thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (Mỹ) công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature hồi tháng 6 cho thấy các cơn bão nhiệt đới di chuyển chậm hơn trước, giảm tốc độ chừng 10% trong 70 năm qua. Ông Kossin cho biết sự nóng lên toàn cầu là kết quả của ô nhiễm không khí do con người tạo ra đã làm cho nhiệt độ ở Bắc Cực, Nam Cực và đường xích đạo có sự khác biệt lớn, thay đổi áp suất khí quyển và làm chậm tốc độ gió đi qua chúng dẫn tới bão.
Trước đó, Hiệp hội khí tượng Hoa Kỳ cũng đã nghiên cứu 22 cơn bão kể từ năm 2004 và đi tới kết luận rằng các cơn bão trong tương lai sẽ di chuyển với tốc độ chậm hơn, gây ra sức tàn phá mạnh hơn và mưa lớn hơn. Bão di chuyển chậm hơn cũng có nghĩa chúng sẽ kéo dài hơn, tăng khả năng gây thiệt hại người và tài sản, lượng mưa cũng sẽ nhiều hơn dễ gây ra lụt lội dẫn tới quá trình khắc phục hậu quả gặp khó khăn. Mọi thứ về bão có thể sẽ khủng khiếp hơn trong thời gian tới.
Không chỉ mạnh về cường độ gió, lượng mưa lớn mà số lượng các cơn bão ở Đại Tây Dương cũng cao hơn mức trung bình hằng năm. Dự báo đầu mùa bão 2018 là có khoảng 13 cơn bão được đặt tên nhưng cho tới ngày 14-10 vừa qua tức còn 45 ngày nữa mới hết mùa bão mà đã có 14 cơn bão. Trong khi đó, trung bình có 12,1 cơn bão/năm. Năm nay có tới 82 ngày chịu bão, so với mức trung bình 59 ngày. Số lượng bão ở Thái Bình Dương cũng đã vượt qua con số 23.
Trong cùng một ngày hồi giữa tháng 9 vừa qua, Mỹ hứng chịu cơn bão Florence thì châu Á có cơn bão Măng cụt. Người Mỹ khiếp sợ trước Florence có sức gió 215km/giờ nhưng đã hạ xuống 145km/giờ khi vào đất liền. Bão Măng cụt đổ vào Philippines với sức gió 265km/giờ, “tấn công” Hồng Kông với sức gió 232km/giờ và vào miền nam Trung Quốc với sức gió giật 140km/giờ. Măng cụt chính là tên cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2018 tính cho tới thời điểm này. Bản đồ vệ tinh cho thấy cùng thời điểm Florence và Măng cụt hoành hành Mỹ và châu Á, còn có 7 cơn bão khác trên thế giới hoạt động cùng lúc.
Thiệt hại tăng 251% trong hai thập niên qua
Bão Florence ở Mỹ làm hàng chục người thiệt mạng, khoảng 1 triệu người sống thiếu điện. Con số này may mắn hơn nhiều so với Măng cụt khi có hơn 60 người thiệt mạng, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng (mất nhà, mất điện…). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới và đưa ra cảnh báo về “những kẻ thầm lặng nguy hiểm” đe dọa nền kinh tế thế giới, đáng nói là từ sự khắc nghiệt của thời tiết.
Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra báo cáo mới nhất cho thấy thiệt hại kinh tế từ thiên tai khắc nghiệt tăng tới 251% trong 20 năm qua. Thiệt hại từ tất cả thảm họa trong giai đoạn 1998-2017 là 2.900 tỷ USD, trong đó 77% do thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, tổng thiệt hại từ thảm họa giai đoạn 1978-1997 là 1.300 tỷ và 68% số đó từ thời tiết. Ông Ricardo Mena, quan chức của Văn phòng LHQ về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR) nhận định “Chúng ta có thể thấy rằng biến đổi khí hậu đang thực sự đáng lo ngại trên toàn thế giới”. Các nhà khoa học về khí hậu cũng đã cảnh báo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 0C so với thời tiền công nghiệp. Nó sẽ dẫn tới nhiều đau khổ hơn, mà đối tượng dễ tổn thương nhất là người nghèo.
Bão làm nổi bật nhu cầu cải cách năng lượng
LHQ kêu gọi toàn thế giới phải lập tức giảm lượng khí thải carbon dioxide trong bầu khí quyển xuống nhiều nhất có thể và nhanh nhất có thể, từ mức 400 tỷ tấn xuống dưới 1,6 tỷ tấn/năm. Tổ chức lớn nhất thế giới đưa ra mục tiêu là từ năm 2020 cho tới năm 2040 hoặc 2055 sẽ giảm tới mức bằng 0 lượng carbon dioxide thải ra bầu khí quyển. Điều đó cũng có nghĩa năng lượng hóa thạch sẽ không còn được khai thác và sử dụng.
Mỹ liên tục hứng chịu những trận bão kinh hoàng trong những năm qua nên biết cách ứng phó với điều kiện khó khăn ở giai đoạn khôi phục cuộc sống trở lại bình thường. Người Mỹ có kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo sau cơn bão Mathew hai năm trước ở bang Bắc Carolina. Đây cũng là bang có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao thứ nhì sau California (5%). Hai cơn bão năm ngoái là Irma và Maria biến các đảo Puertro Rico, St Martin và quần đảo Virgin thành đống đổ nát và phá hủy 90% đường dây điện. Nhờ năng lượng tái tạo đã giúp cho những vùng bị thiệt hại nặng nề về bão nói riêng hay thiên tai nói chung ở Mỹ khắc phục hậu quả một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn. Điều đó cho thấy năng lượng tái tạo nên thế chỗ năng lượng hóa thạch để giảm lượng carbon dioxide mà còn mang tính chủ động trong việc ứng phó thiên tai.
ANH THƯ (tổng hợp)