Đi qua chiến tranh, nhiều người mang trong mình những vết thương hằn trên da thịt, và có cả những vết thương không nhìn thấy trên thân thể của người cha, người mẹ, mà nằm trên thân thể đứa con họ đứt ruột sinh ra. Vết thương đó mang tên chất độc da cam.
Đêm nào chị L. cũng đợi mẹ Bốn vào hát ru rồi mới chịu ngủ. Ảnh: Q.T |
Trong căn nhà ở số 47 đường Lương Thúc Kỳ (quận Ngũ Hành Sơn) thỉnh thoảng vang lên tiếng la hét, đập phá đồ đạc, có vẻ có người trong nhà đang rất giận dữ.
Dù vậy, lại không nghe tiếng cãi vã. Phải một lúc sau, khi những tiếng thình thịch nhỏ dần rồi im hẳn mới nghe giọng một người phụ nữ dịu dàng: “Con ngoan của mẹ, nằm xuống đây con”. Đó là nhà của vợ chồng ông Liên-bà Bốn sống cùng cô con gái năm nay 35 tuổi nhưng chẳng khác nào đứa trẻ.
Ông Trương Ngọc Liên (sinh năm 1954) từ tuổi niên thiếu đã tham gia vào đội vũ trang của xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ông có một tuổi thơ thiếu vắng cha đầy buồn tủi. Khi ông chưa đầy 1 tuổi, cha ông đã đi tập kết ra Bắc.
Mặt mũi, dáng vóc của cha như thế nào, cậu bé Liên cũng chưa kịp nhớ. Đến năm 1959 thì mẹ lại bị bắt tù đày. Mới 6 tuổi đầu, cậu bé Liên về sống cùng chú và ông bà nội. Sớm thiếu hơi cha mẹ nhưng ông lại giác ngộ cách mạng từ nhỏ.
Ông vén áo chìa cho chúng tôi xem những vết sẹo rải đầy khắp cơ thể, dấu tích của những lần bị địch phục bắt, tra tấn. Những vết sẹo lì lợm mà dù thời gian đã trôi qua hơn 40 năm vẫn khiến ông đau nhức không ngủ được những ngày trái gió trở trời. Nhưng với ông Liên, vết thương nghiệt ngã nhất ông mang về từ chiến trường không nằm lại nơi cơ thể ông mà nằm nơi đứa con gái út của ông. Vết thương mang tên chất độc da cam.
Ông Liên có 3 đứa con, 2 gái 1 trai. Khi hai đứa con đầu ra đời lành lặn, ông đã khấp khởi mừng rằng, chất độc dioxin đã “tha” cho ông. Nhưng đứa con gái út lên 6 tháng tuổi chẳng biết đòi cha đòi mẹ, chẳng biết lẫy bò, ông đưa con đi khám thì mới biết con đã bị nhiễm dioxin.
Ông đau đớn tự nhủ, bản thân ông từ ngày tham gia vào cuộc chiến đã biết bao nhiêu bận tưởng chết tới nơi mà vẫn sống được. Bao nhiêu khổ cực ông vượt qua được, vậy mà “chạy trời cũng không khỏi nắng”. Ông nhớ lại những ngày cùng đồng đội tạm trú trên vùng rừng núi thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).
Chỉ một đêm thức dậy, cả tiểu đội đã bàng hoàng chứng kiến một vùng rừng núi rộng lớn phủ một màu xám xịt. Đó là lần đầu tiên ông biết đến “rừng trắng” là như thế nào. Có những cây chò cao 40-50 mét, vòng tay 2 người ôm không xuể cũng trụi lá.
Dẫu biết địch đã rải chất độc dioxin lên khắp vùng rừng núi này nhưng tiểu đội của ông không còn cách nào khác vẫn phải ăn rau rừng, uống nước suối ấy. Mớ rau dại, búp măng rừng, vốc nước suối độc hại đã ngày ngày ngấm vào cơ thể ông.
Người vợ đầu của ông - cũng là một người đồng chí, đồng đội đã qua đời vì ung thư dạ dày khi đứa con gái út bệnh tật mới 12 tuổi. “Vậy người dỗ dành, xưng hô mẹ-con với chị L. (con út ông Liên-PV) khi nãy không phải là mẹ ruột?” - tôi thắc mắc. Ông Liên cười, nhìn bà Bốn đầy trìu mến: “Đúng vậy, bà ấy là vợ sau của tôi, mẹ kế của con L. Thương nó chẳng khác nào con ruột”.
Bà Nguyễn Thị Bốn đến với ông Liên khi đã muộn mằn. Người đời bảo ông bà là “rổ rá cạp lại” bởi ông khi ấy đã có 3 đứa con lớn, 1 đứa lại bệnh tật, còn bà cũng đã trên 40. Hồi đó cũng có nhiều người đến với ông nhưng khi biết ông có một đứa con bị nhiễm dioxin, họ vội quay lưng.
Bà Bốn cũng là người đồng chí của ông, cũng từng công tác trên vùng rừng núi Phú Túc. Đến với ông, hai người cũng có một đứa con chung nhưng tiếc là, đứa bé đã không giữ được. Từ đó, bà không sinh nở nữa, nguyện xem L. là con ruột, chăm cô chẳng khác nào chăm trẻ.
“Ồ, nó khó lắm cháu nhé. Chỉ thích được dỗ ngọt thôi. Nói to một tiếng là nó giận hờn liền. Chiều chuộng chết ngay đó cháu”, bà Bốn nói.
Tiếp lời vợ, ông Liên kể: “Nó 35 tuổi nhưng trí óc vẫn như đứa trẻ 1 tuổi. Vậy mà nó biết thương những người thực sự thương nó lắm. Như với bà này (chỉ người vợ), đêm nào nó cũng đòi bả vào gãi lưng, hát ru ngủ. Nó còn rúc rúc đầu vào người đòi bả hôn hít nữa”.
Bóng chiều đổ dài trên các ngả đường, trong căn nhà ấy, có đôi vợ chồng già thỉnh thoảng đùa nhau. Ông nói: “Hồi nớ tui không cưới bà là bà ế chổng vó”. Bà nguýt dài: “Không dám đâu nghe”. Tự nhiên thấy cuộc đời thật đẹp, thật nhẹ nhõm.
“May mắn” hơn ông Liên, anh con trai 40 tuổi nhiễm da cam của ông Trần Đào (đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) vẫn có chút tri giác. Anh tuy không thể tự chủ chuyện vệ sinh cá nhân nhưng có thể tự xúc cơm ăn, nói biết nghe lời, không quậy phá, la hét.
Thấy có khách đến nhà, nghe bố gọi: “Lấy cho ba cái ghế con” là anh chạy đi bưng ghế rồi ngoan ngoãn ra sau nhà ngồi với mẹ. Ông Đào sinh năm 1945. Năm 1967, ông tham gia công tác an ninh địa phương ở xã Thanh Trường (nay là xã Điện Thắng Bắc, thị trấn Điện Bàn).
“Cậu bé” 40 tuổi nhưng ai hỏi cũng bảo mình 1 tuổi của ông Đào khá ngoan ngoãn và nghe lời ba mẹ. |
Ông Đào không trực tiếp cầm súng ra chiến trường. Ông phụ trách công tác nhà in cho Ban Tuyên huấn Quân khu 5. Dù vậy, những năm tù đày (từ 1969-1973) cũng để lại trên cơ thể ông nhiều vết thương lớn. Trong 5 năm, ông bị luân chuyển từ Kho đạn Đà Nẵng, đến khám Chí Hòa rồi nhà tù Côn Đảo.
Trong đó, 3 năm ở Côn Đảo để lại cho ông nhiều ám ảnh mà đến nay ký ức kinh hoàng đó vẫn còn tươi ròng. Đó là những ngày bị biệt giam, không có cơm ăn, nước uống. Mỗi ngày, tù nhân chỉ được dùng 1 ly nước nhỏ cho tất cả các hoạt động từ uống giải khát đến vệ sinh.
Sự thiếu ăn, thiếu uống trầm trọng đã khiến một số đồng chí quyết tâm tuyệt thực để kêu gọi bọn cai ngục tăng thực phẩm, mở cửa trại cho tù nhân được hít gió trời. Chỉ đến khi có 3 người mổ bụng tự sát, tù nhân hô hào, bọn cai ngục mới mở cửa khiêng xác ra và đồng ý cấp thêm nước, thuốc cho tù nhân.
Nói đến đây, ông Đào rưng rưng xúc động: “Ba đồng chí hy sinh để đổi lại chút nước, chút cơm, chút khí trời cho chúng tôi. Đến khi tụi cai ngục mở cửa trại cho chúng tôi được thấy ánh nắng mặt trời, độc cái quần đùi chúng tôi mặc trên người đã giòn rụm như cái bánh tráng. Đủ thấy trong tù, không khí tù đọng, bức bối, dơ bẩn như thế nào”.
Khi được giải phóng khỏi nhà lao, trở về đời thường, ông Đào chỉ còn 30kg. Những tưởng rồi đây, khi hòa bình lập lại trên quê hương, ông sẽ có những tháng ngày an nhàn, hạnh phúc. Vậy mà sau khi ông lập gia đình, đứa con đầu lòng lại bị di chứng của chất độc da cam.
Ông nhớ lại những ngày đi công tác ở tỉnh Bình Phước, đi ngang qua vùng rừng núi Đắk Lắk thấy cả vùng núi non hiểm trở đều mang một màu xám trắng. Những tảng đá núi, đá vôi lớn cũng phủ một màu xám xịt. Ông tự nhủ lòng, “chỉ ở lại đây một đêm chắc không sao”.
Vậy mà… Sau này, ông gặp lại một số đồng đội cũ, những người từng hành quân hoặc đi công tác qua vùng rừng núi thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum thì đều có 1, 2 đứa con mắc da cam. Hai vợ chồng ông luôn tự an ủi nhau: “Thôi, vợ chồng mình vậy là cũng được rồi. May là hai đứa sau không bị. Thằng lớn cũng ngoan ngoãn, không phá làng phá xóm, không làm ảnh hưởng tới ai”.
… Gia đình ông Liên, ông Đào chỉ là 2 trong số hàng nghìn gia đình Việt Nam có người thân bị nhiễm chất độc da cam. Sau 55 năm, nỗi đau da cam vẫn còn đeo đẳng và hằn sâu trong tâm trí mỗi nạn nhân, mỗi gia đình.
Dù vậy, người ta vẫn phải sống, phải vươn lên. Điều mà ông Liên, bà Bốn, vợ chồng ông Đào sợ nhất, là đến một ngày, ông bà sẽ ra đi trước đứa con tội nghiệp của mình. Rồi ai sẽ chăm lo cho chúng…
QUỲNH TRANG