Lời hẹn tháng 10

.

“Trở lại Tây Giang 2018” là chương trình thiện nguyện mang nhiều ý nghĩa của các chị em Hiệp hội Nữ doanh nhân và Câu lạc bộ Nhà báo nữ thành phố Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10).

Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân và Câu lạc bộ Nhà báo nữ thành phố Đà Nẵng tặng quà cho học sinh Trường THPT Võ Chí Công.  Ảnh: T.N
Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân và Câu lạc bộ Nhà báo nữ thành phố Đà Nẵng tặng quà cho học sinh Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: T.N

Điểm đến trong chuyến trở lại Tây Giang lần này là Trường THPT Võ Chí Công. Đây là ngôi trường được tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng, mới đi vào hoạt động năm học 2018-2019, nằm bên sườn núi thôn A Rầng, xã A Xan, gần biên giới Việt-Lào, cách trung tâm huyện Tây Giang 40 km về phía Tây. Trường có hơn 220 học sinh người dân tộc Cơ tu thuộc 4 xã A Xan, Tr’hy, Gari, Ch’ơm (hay còn gọi là các xã khu 7) theo học. Khu 7 có 4 xã biên giới giáp Lào khó khăn cách trở nhất của huyện Tây Giang. Vào mùa mưa, địa bàn này có những thời điểm gần như cách ly hoàn toàn cả tháng trời với bên ngoài vì sạt lở đất, giao thông chia cắt. Ngôi trường là cả nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con cho việc học cái chữ ở vùng núi cao trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Phần lớn học sinh đều thuộc diện hộ nghèo, không đủ tiền mua cho mình bộ sách giáo khoa, không sắm nổi đôi dép nhựa giữ ấm đôi bàn chân trong căn phòng bán trú, không thể có cho mình một chiếc áo Đoàn Thanh niên dù nhà trường đã phát động học sinh mỗi tuần một lần mặc áo Đoàn. Chưa kể, mỗi bữa ăn của các em còn thiếu trước hụt sau, thức ăn chủ yếu là măng và muối.

Ngày 16-10 vừa qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân và Câu lạc bộ Nhà báo nữ thành phố Đà Nẵng chọn ngôi trường này là điểm đến trong chuyến công tác xã hội lần này với hy vọng mang đến cho các em nguồn nước sạch, những đôi dép mới và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống bán trú. Chị Huỳnh Thị Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Nữ thành phố cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất vui khi chương trình đã diễn ra trọn vẹn và ý nghĩa. Mỗi thành viên của đoàn rất cảm động khi những món quà ý nghĩa được Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố chuẩn bị chu đáo, gửi gắm nhiều tình cảm vào hàng trăm chiếc mềm ấm, hàng trăm đôi dép, áo Đoàn, áo thun, áo sơ-mi mới, 2 máy lọc nước (mỗi máy 50 lít), 2 máy vi tính (mỗi máy 10 triệu đồng), 2,5 tạ đường tinh luyện, 30 thùng sữa TH...  với tổng giá trị quà tặng hơn 100 triệu đồng”.

Ngoài ra, Trường Đại học Đông Á còn tổ chức một nhóm cán bộ đi theo đoàn để tư vấn học sinh về kỹ năng lựa chọn ngành nghề theo sở thích. Các thầy cô đã tận tình giải đáp những thắc mắc của các em tới tận trưa. Nhà báo L.H.L cũng vui mừng chia sẻ sau chuyến đi: “Chương trình đã mang hơn 200 phần quà đến cho các em học sinh người dân tộc Cơ tu thuộc 4 xã A Xan, Tr’hy, Gari, Ch’ơm. Với các chị em doanh nhân và nhà báo, đây là “ngày trở lại” nhưng với mình là lần đầu đi đến. Dù vất vả vượt qua gần 200 km đường đèo dốc nhưng đó là một kỷ niệm đẹp khó phai đối với tôi”. Hy vọng với những món quà ý nghĩa này sẽ phần nào giúp cho các em học sinh vùng cao cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày mùa đông giá rét và tiếp thêm sức mạnh để vững tâm đến lớp.

TÂM NHƯ

;
.
.
.
.
.
.