Anh bạn trước là nhà thơ, sau vài năm làm báo không còn viết thơ nữa. Vợ hỏi, bạn nói tại không có không gian sáng tác. Không gian sáng tác của bạn – ngày kia vui vẻ khoe lên facebook là một ô cửa sổ. Ô cửa hướng ra lùm cây nho nhỏ, có dăm ba tiếng chim hót, có ánh sáng trời đủ sáng. Thế là đủ mỹ mãn. Đủ lý do để làm thơ, viết lách trở lại. Đủ để vợ thấy mình vẫn lãng mạn như ngày trẻ, thuở chưa từng bon chen ngột ngạt phố xá.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Một ông bác - nhà văn đồng hương tôi cùng chơi - nói, bác không thể sống nếu thiếu cửa sổ. Con gái bác là kiến trúc sư, thiết kế cho bố căn phòng ở tầng cao nhất đầy đủ tiện nghi, và khoảng sân rộng trồng ổi, trồng khế. Cái sân thượng ấy như một góc quê thu nhỏ giữa phố với ổi, khế trồng trong bồn nhưng vẫn ra hoa kết trái như trong vườn nhà. Nhưng ông cụ vẫn kêu ngột ngạt quá, cứ như thể bị nhốt lưng chừng trời. Con gái không biết làm sao nhưng ông thì biết, cửa sổ được đập ra rộng gấp đôi, bỏ hết cửa chớp cửa lùa kiểu cách, làm song chắn như những ô cửa thế kỷ trước, đón hẳn những mảng mây trắng nắng xanh mỗi ngày la đà băng qua. Ông bảo không ở đâu bằng cái chốn lưng chừng của mình. Thiếu gì cũng nhịn được chứ thiếu khí trời, thiếu một ô cửa rộng đón gió đón nắng là không thể chịu được.
Thấy người khác “khát” cửa sổ, bỗng nhớ tới khung cửa sổ rộng nhà mình 10 năm trước. Một khung cửa sổ hướng về phía tây, mở ra một khoảng trời be bé, chi chít hoa khế tím nở, ríu rít tiếng lũ chim chuyền cành trò chuyện với nhau. Thi thoảng buổi sáng ngó ra cây khế mùa sai quả, lại nghĩ tới món tép xào khế, cá nấu khế… lại vui vẻ đi chợ nấu những món chân quê. Thầy phong thủy nói cửa sổ rộng, mở ra không hợp hướng chủ nhà, cần kê hẳn một cái tủ rộng vào đó. Ừ thì kê. Hết cả chim chóc chuyền cành trên những cành khế, hết cả ngó nghiêng những chùm khế lúc lỉu. Những món ăn nấu khế cũng thưa dần. Hai vợ chồng trẻ nên chẳng nỡ cãi nhau về ô cửa sổ, miễn sao sống với nhau thoải mái. Nhưng rồi, dần dần thấy lòng mình quả thực không hiểu sao đôi khi vẫn khó mà
thoải mái khi ô cửa sổ ấy không bao giờ mở ra lần nữa. Dường như một ô cửa sổ mình yêu khép lại cũng như khép cửa lòng mình.
Những ngôi nhà tôi từng ở những ngày thơ cũ cũng có những ô cửa rộng mở. Ngày 6 tuổi ở khu tập thể Trung Đô, thường phải ở nhà một mình, mẹ khóa trái cửa mỗi khi đi làm. Cơm canh có đủ trong căn phòng tập thể bé tin hin, nhìn đâu cũng thấy góc thấy tường. Tối trước đó, mẹ thường viết mẫu cho những chữ đầu trang, rồi qua hôm sau con cứ thế hì hụi viết theo. Ngồi tự tập viết chữ chán thì trèo lên ô cửa sổ có song sắt hướng ra ngõ nho nhỏ. Bên kia ngõ là rặng phi lao của nhà hàng xóm. Có những mùa hè nóng bức, phi lao chảy nhựa nâu màu hổ phách, thơm ngan ngát. Dưới chân những cây phi lao là dãy dài hoa móng tay nở hồng thắm trong nắng mai. Lại có anh hàng xóm học tầm cấp ba hay huýt sáo bài: “Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi”.
Có thế thôi mà tới giờ dù không thể nhớ tên anh hàng xóm ấy là Hưng hay Hùng nhưng nhớ tận cùng cái mùi hăng hăng tinh dầu phi lao từ những thân cây. Nhớ cả những luống hoa móng tay rung rinh phớt hồng trong nắng sớm. Hình ảnh bên ngoài ô cửa sổ ấy đẹp như một bức tranh in dấu mãi từ trong ký ức ấu thơ.
Khi không còn ở tập thể, căn nhà nhỏ của bố mẹ cũng có ô cửa sổ nhỏ hướng ra mặt đường. Dường như bên ngoài ô cửa sổ ấy là bao la không gian, thời gian, mùa và năm tháng trôi qua. Là tiếng rao bánh mì, bánh bao chứa đựng những tảo tần khuya sớm ngang qua cửa sổ. Là mùa xuân én lượn ngang qua. Là tháng Ba mùa hoa gạo đến rồi tàn trên cây gạo cổ thụ sừng sững ngoài cửa sổ. Là tháng Tư những mảng mây trắng nắng trong chênh chao gọi hè. Là tiếng ve tháng Năm vọng đâu đó từ những vòm cây già cỗi bên đường... Có năm cả đám con nít đua theo trào lưu gấp hạc giấy treo lên cửa sổ hàng trăm con tung tăng chao liệng, qua năm khác lại đổi trào lưu sang gấp những dây mành quả trám. Hằng trăm, hàng ngàn quả trám nho nhỏ bằng giấy màu xanh đỏ, xâu nối nhau thành từng dây dài, treo lên thành rèm nơi cửa sổ. Mỗi khi nhắc lại vẫn tủm tỉm cười với nhau rằng vì sao ngày con nít lại kiên trì đến mức ấy.
Nhớ nhất về ô cửa sổ nơi nhà cũ vẫn là nhớ những đêm mang nỗi buồn khó cắt nghĩa gọi tên của tuổi mới lớn. Cạnh ô cửa sổ mẹ kê cái sập gỗ nho nhỏ. Khi buồn lại bó gối ngồi nhìn qua ô cửa sổ, nơi có một khoảng trời trăng sao bé nhỏ, có bụi quỳnh nở đầy hoa đòng đưa cánh trắng muốt trong gió ngan ngát hương đêm. Khi rảnh rỗi lại mang sách ra bên song cửa ngồi đọc, chết chìm trong những nụ cười và nước mắt, sống lãng đãng với tình yêu của các nhân vật nữ trong truyện... Rảnh hơn nữa thì có những buổi chỉ ngồi ngắm mây trôi và nghe nhạc Trịnh, hát nghêu ngao. Mỗi năm về lại góc phố nhỏ, vẫn ngồi lại cái sập đã bóng màu thời gian bên ô cửa, thấy khoảng trời của mình đã vô tình bị xén bớt đi khi những khách sạn, cao ốc mọc lên mỗi ngày một cao. Trăng sao ít ngang qua cửa sổ. Biêng biếc một chút buồn. Rồi tự an ủi, thì thôi, những lấp lánh đèn màu từ những ngôi nhà cũng có vẻ đẹp của nó mà, sau những ô cửa của người ta đang mở kia chắc cũng nhiều ấm cúng, chỉ có điều mình biết hay không biết mà thôi.
Nhà tôi sắp chuyển về chung cư, cửa sổ hướng ra một khúc sông nho nhỏ, có những con thuyền chầm chậm ngang qua. Nhà chưa nhận nhưng đã nghĩ trong đầu về một băng ghế nhỏ bên ô cửa cho mẹ và con gái, như cái sập nhỏ bên ô cửa nhà bố mẹ. Để con gái có một khung trời kỷ niệm gắn bó với những tháng năm thơ ngây như mình từng có. Và có thể chiều những lãng đãng lòng mình khi muốn ngồi đọc sách, nghe nhạc bên một ô cửa sổ có mây trôi. Chỉ vậy thôi mà cũng thấy lòng mình phơi phới vui như đã gặp lại những ngọt ngào thơ cũ.
Khôi Nguyên Thảo