Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, song những vết thương của bom đạn chưa bao giờ thôi đeo bám những người cựu chiến binh từ chiến trường trở về.
Và, có lẽ hiện hữu rõ nhất, dai dẳng nhất là nỗi đau của những người lính bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con cháu họ. Không ít gia đình cựu chiến binh, những di chứng của thứ chất độc quái ác cứ đeo bám họ đến thế hệ thứ 3, thậm chí thứ 4. Chúng tôi gọi đó là những nỗi đau không thành tiếng.
Thoạt nhìn, Khánh L. khá xinh xắn, khỏe mạnh, ít ai biết em cũng là nạn nhân thế hệ thứ 3 của thứ chất độc da cam quái ác. |
1. Cô bé Lê Khánh L. (11 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) hiện đang là học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, vẫn chưa thể đọc, viết thành thạo.
Thoạt nhìn, L. khá phổng phao, xinh xắn như bao bạn cùng trang lứa, nhưng khi trò chuyện, lúc cô bé thích thì trả lời, khi chán, ai hỏi gì em cũng không nói, Linh hay ngồi tần ngần, cười một mình. Bà ngoại của L. - bà Nguyễn Thị Soa kể, thi thoảng, có chuyện không vừa ý, L. còn la hét, đập phá hết đồ trong nhà.
Khánh L. là cháu ngoại của cựu chiến binh Lê Hữu Bảy (sinh năm 1946, trú phường An Khê, quận Thanh Khê). Ông Bảy từng vào sinh ra tử khắp chiến trường Bắc Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng những năm 1966-1972 (khi bị thương nặng, mất sức chiến đấu, được cử đi học rồi chuyển công tác cho đến ngày giải phóng).
Hòa bình, thống nhất, ông Bảy lập gia đình, sinh được 4 người con thì có đến 2 người nghi bị di chứng chất độc da cam/dioxin.
Người con gái cả bị tật ở tay, nhờ nỗ lực chạy chữa, rèn luyện của bản thân, gia đình, cô lớn lên khá khỏe mạnh, lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Day dứt nhất là di chứng chất độc ông Bảy để lại cho đứa con gái thứ 2 – Lê Thị H. (sinh năm 1980). H. nhỏ nhoi, yếu ớt từ thuở lọt lòng, đau ốm liên miên, càng lớn, vợ chồng ông Bảy càng nhận thấy thần sắc người con gái kém may mắn này không bằng bè bạn. 11 tuổi, hai hàm răng của H. rụng gần hết, miệng nhô méo khiến việc ăn uống, sinh hoạt càng trở nên khó khăn.
Được cha mẹ tạo điều kiện đi học, song, học đi học lại suốt mấy năm, H. cũng không thể thuộc nổi bảng chữ cái. Ráng đến năm 15 tuổi thì ông bà Bảy quyết định cho H. được nghỉ học, loanh quanh trong nhà. Rồi H. sinh ra Khánh L., ông bà Bảy chưa kịp mừng vì hy vọng sau này, ông bà chết đi, H. có thể nương tựa vào đứa con gái cô rứt ruột đẻ ra, có dung mạo khá khỏe mạnh.
Nhưng bây giờ, nghĩ về tương lai của hai mẹ con cùng bị thiểu năng trí tuệ, vợ chồng của cựu chiến binh già Lê Hữu Bảy chỉ biết nén nước mắt vào trong, tiếp tục gồng mình lo cả mẹ, lẫn con, được ngày nào hay ngày đó.
2. Nguyễn Thị Ái D. (14 tuổi, thôn La Bông, xã Hòa Tiến) được chẩn đoán bị hội chứng down do nghi nhiễm chất độc da cam từ khi lọt lòng. Chị Nguyễn Thị Lý, mẹ D. kể, 2 tuổi, D. vẫn chưa biết lật, biết bò, 5 tuổi, cô bé mới bước đi những bước đầu tiên.
Để nuôi D. cho đến ngày hôm nay, là cả hành trình vào ra bệnh viện “như cơm bữa” của vợ chồng chị Lý. Có lúc nghe người ta nói vào thành phố Hồ Chí Minh có thể có hy vọng, vợ chồng chị Lý bấm bụng vay mượn khắp nơi đưa con đi, nhưng câu trả lời vợ chồng chị nhận được vẫn thế: Bé D. con chị bị nhiễm chất độc quá nặng từ trong bụng mẹ, không thể làm gì khác! Chừng 5 năm nay thì vợ chồng chị Lý không đưa con đi đâu nữa.
Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông cậy chủ yếu vào việc may gia công chăn đệm của chồng chị Lý là anh Nguyễn Văn Yên (40 tuổi) cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, không lấy gì làm khỏe mạnh. Chị Lý không đi làm gì được vì cả ngày phải ở nhà trông chừng D., bởi mười mấy năm nay, D. vẫn không thể tự lo cho bản thân mình, từ ăn uống đến vệ sinh tắm rửa. 14 tuổi, D. chỉ suốt ngày nằm trên võng, ánh mắt vô cảm, mặc bỉm, đến bữa chờ mẹ bón cơm ăn. “Có lẽ đó là số phận mà ông trời đã sắp đặt cho con tôi rồi”, chị Lý thở dài.
14 tuổi, D (phải) suốt ngày nằm bất động, vô cảm với mọi thứ xung quanh |
D. là cháu ngoại cựu chiến binh Nguyễn Hồng Cự (thôn La Bông, xã Hòa Tiến), người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, vừa mất năm 2017 ở tuổi 64 do sức khỏe yếu vì những vết thương và di chứng chất độc da cam với nhiều khối u khắp cơ thể.
Ông Cự có 5 người con thì có 2 người có triệu chứng bị nhiễm độc. Như anh Yên bị nhẹ, có thể làm việc, lập gia đình nhưng em trai anh Yên là Nguyễn Văn Hùng đến nay đã 36 tuổi nhưng người cao chỉ chưa đến 1,4m, thể chất, trí não kém phát triển, chỉ loanh quanh trong nhà. Nhiều năm trước gia đình có cho anh đi học nghề nhưng Hùng không thể theo học.
Cùng ở xã Hòa Tiến, người thôn Lệ Sơn Bắc ai cũng cảm thương gia cảnh anh Đặng Văn Sơn và con gái cùng bị bại liệt do di chứng từ cha anh là cựu chiến binh Đặng Sanh (đã mất) cũng tham gia chiến tranh tại chiến trường Campuchia.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, anh Sơn không nói quá nhiều về những nhọc nhằn, đau đớn bản thân anh phải nếm trải, chịu đựng. Nhưng rồi, thi thoảng anh không thể giấu được nỗi buồn xa vắng khi đưa mắt về đứa con gái: “Tôi có đau đớn, mệt mỏi bao nhiêu cũng không sao, nhưng nhìn đứa con gái đi qua tuổi bay nhảy, đi qua cả thanh xuân đẹp đẽ với chiếc nạng gỗ, trong bốn bức tường nhà, ruột cứ như bị ai cắt thành từng khúc”.
3. Trong những gia đình cựu chiến binh có thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chúng tôi đã gặp, có lẽ, câu chuyện của Khánh L.-cháu ngoại cựu chiến binh Lê Hữu Bảy an ủi hơn cả. Khánh L. ít ra cũng có thể đến trường, có thể tự lo cho mình những sinh hoạt tối thiểu và theo ông bà ngoại của em, ít ra nhìn bề ngoài “L. không giống người bị bệnh, nên biết đâu...”, bà Soa nói nửa chừng niềm hy vọng về tương lai của đứa cháu gái. Đó cũng là lý do mà nhiều năm nay, ông bà không đem L. đi giám định sức khỏe, mức độ nhiễm độc để xin chế độ vì vẫn mong sự may mắn nào đó có thể đưa đến điều “bình thường” cho cuộc đời em sau này.
Theo bà Hà Thị Sen, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Khê, quận Thanh Khê, tâm lý chung của những gia đình có con cháu bị nhiễm độc chất này là “giấu được chừng nào hay chừng đó”, trừ những trường hợp có triệu chứng lộ rõ ra ngoài như dị tật sứt môi hở hàm ếch, liệt, khoèo chân tay, bị down...
“Vì người ta sợ dị nghị, vì người thân của những nạn nhân ấy vẫn không thôi hy vọng về tương lai của con cháu mình”, bà Sen nói. Cũng theo bà Sen, hiện trên địa bàn phường An Khê, trường hợp nghi nhiễm chất độc da cam đến thế hệ thứ 3 không ít, nhưng hiện chưa có điều tra bài bản, căn cứ chính xác, các nạn nhân bị nhiễm độc phần lớn sống trong sự bao bọc, cưu mang của gia đình, người thân.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho biết, theo khảo sát từ năm 2008, toàn thành phố có trên 5.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có khoảng 1.400 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi. Từ số thống kê trẻ em lên đến 1.400 đó, cho thấy chắc chắn số nạn nhân rơi vào thế hệ thứ 3 không ít.
Có điều, cho đến nay, thành phố vẫn chưa có cuộc khảo sát, thống kê bài bản nào về thế hệ thứ 3, thậm chí thứ 4. Hiện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang có kế hoạch, sang năm 2019, sẽ có một cuộc khảo sát về thế hệ da cam thứ 3 trở đi, từ đó sẽ có những kiến nghị về chế độ chính sách phù hợp, chứ không phải là chế độ bảo trợ xã hội chung chung như người khuyết tật hiện nay.
THANH TÂN