Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 2-10 bất ngờ tiến hành cải tổ nội các với việc bổ nhiệm 12 vị trí mới và thay đổi 1 vị trí. Hành động này cho thấy ông đang hướng tới việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào hè năm sau và đạt mục tiêu sửa đổi Hiến pháp trong nhiệm kỳ thứ ba của mình. Liệu ông Abe có thể khôi phục lòng tin sau hàng loạt vụ bê bối của các quan chức xảy ra trước đó?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng sẽ đem lại một luồng sinh khí mới cho chính phủ sau khi cải tổ nội các. Ảnh: CNN |
Từ suy giảm lòng tin…
Ông Shinzo Abe đánh dấu sự trở lại vũ đài chính trị một cách ngoạn mục bằng việc đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9-2012 và trở thành Thủ tướng Nhật Bản lúc đó với tư cách là chủ tịch đảng trong liên minh cầm quyền sau khi từ chức Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch LDP vào năm 2007 vì lý do sức khỏe. Kể từ thời điểm đó, ông lãnh đạo liên minh cầm quyền giành chiến thắng liên tiếp trong 3 kỳ bầu cử hạ viện và 2 kỳ bầu cử thượng viện.
Thành công trên cương vị là người lãnh đạo đảng LDP đã tạo cho Thủ tướng Abe uy tín và nền tảng ủng hộ vững chắc, giúp ông hầu như không có đối thủ trong các cuộc bầu cử nội bộ đảng. Tuy nhiên, ông Abe vẫn phải vật lộn với tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp sau một loạt vụ bê bối của các quan chức, làm cản trở nhiều kế hoạch đầy tham vọng của ông. Các vụ bê bối xảy ra hồi tháng 3 năm nay đã hủy hoại lòng tin của nhân dân không chỉ với Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), mà còn cả toàn bộ Chính phủ.
Còn nhớ vào năm 2007, ông Abe từng phải rút lui khỏi vị trí thủ tướng. Hơn một thập kỷ sau, vị chính trị gia 64 tuổi này lại đứng trước nguy cơ một lần nữa phải rời nhiệm sở trước thời hạn khi liên quan tới hoạt động của các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại Iraq. Vào tháng 2-2017, Bộ Quốc phòng Nhật và Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Tomomi Inada đều khẳng định không có ghi chép nào về hoạt động của các binh sĩ Nhật Bản trong thời gian từ 2004-2006. Tháng 3-2017, SDF tìm thấy 14.000 trang ghi chép về hoạt động của binh sĩ nước này trong 376 ngày từ năm 2004-2006 tại thành phố Samawah, Iraq. Ghi chép đã bị SDF giấu nhẹm, không báo cáo lại cho Bộ trưởng Inada. Đến tháng 1-2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tìm thấy bản ghi chép nói trên.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn tiếp tục bị giữ kín và chỉ được thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera vào ngày 31-3. Hãng tin Kyodo News đặt câu hỏi liệu những vụ bê bối trên có phải là chỉ dấu cho thấy chính quyền của Thủ tướng Abe cố tình che giấu các hoạt động mang tính chất “tham chiến” của binh sĩ Nhật Bản tại nước ngoài. Bởi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản quy định binh sĩ nước này chỉ được triển khai tới các khu vực phi chiến sự, cũng như chỉ tham gia vào các nhiệm vụ nhân đạo và xây dựng tái thiết.
Vụ bê bối liên quan tới ghi chép hoạt động của SDF tại Iraq vỡ lở trong bối cảnh bê bối đất công vẫn chưa hạ nhiệt. Theo tờ Mainichi, Bộ Tài chính Nhật Bản thừa nhận đã sửa tài liệu chính thức liên quan đến quyết định giảm giá 85% so với giá gốc được định cho mảnh đất thuộc sở hữu của chính phủ sắp được dùng để xây dựng một trường tiểu học. Trong đó, những phần nhắc đến bà Akie Abe, phu nhân Thủ tướng Nhật Bản, đã được xóa bỏ trong tài liệu nộp cho công tố viên điều tra về thỏa thuận bán đất.
Kyodo News cho biết tài liệu cũng bị sửa những phần liên quan đến việc ông Shinzo Abe dành sự ủng hộ cho Nippon Kaigi, nhóm hoạt động hành lang của phe bảo thủ mà hiệu trưởng trường học có liên quan. Các vụ bê bối xảy ra khiến Thủ tướng Abe lên tiếng xin lỗi công luận Nhật Bản hai lần liên tiếp trong một tháng. Công luận không chỉ tức giận với những bê bối của chính quyền Thủ tướng, mà nhiều người lo ngại kế hoạch cải tổ Hiến pháp mà ông Abe và đảng LDP theo đuổi. Phe chỉ trích cho rằng, những thay đổi mà ông Abe mang lại có thể tạo tiền đề cho các chính phủ kế tiếp rộng đường can thiệp quân sự tại nước ngoài, làm sống lại quá khứ quân phiệt nửa đầu thế kỷ 20.
Đến cam kết xây dựng một đất nước “tự hào và đầy hy vọng”
Dẫu vậy, tại cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP cầm quyền kết thúc vào chiều 20-9, Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng và đắc cử Chủ tịch LDP trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Chiến thắng này mở ra cơ hội giúp ông Abe trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản và theo đuổi mục tiêu lâu nay về việc hiện thực hóa sửa đổi Hiến pháp hòa bình lần đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947. Trong bài diễn thuyết tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân xây dựng một đất nước mới, khẳng định cam kết đem lại cho thế hệ trẻ “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”.
Hành động gây bất ngờ mới nhất là vào chiều 2-10, Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ nội các, trong đó giữ nguyên 6 vị trí, bổ nhiệm 12 vị trí mới và thay đổi 1 vị trí. Trong số 12 thành viên nội các mới được bổ nhiệm, đáng chú ý có Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya, từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao. Các vị trí được giữ nguyên là những đồng minh thân cận với Thủ tướng Abe như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Kono… Lãnh đạo Đảng Công minh trong liên minh cầm quyền Keiichi Ishii tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Giao thông Quốc thổ. Cùng ngày, ông Abe công bố ban lãnh đạo mới của đảng LDP cầm quyền. Theo giới quan sát, ông Abe tiến hành cải tổ nội các và Ban lãnh đạo LDP là nhằm hướng tới việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra hè năm sau và đạt mục tiêu sửa đổi Hiến pháp trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.
Thời gian qua, chính sách kinh tế Abenomics được thực hiện hiệu quả với các kết quả ấn tượng. Mặc dù vẫn còn những khó khăn như tỷ lệ nợ công thuộc nhóm cao trong nhóm G7, lương tối thiểu vẫn còn thấp, nhưng nền kinh tế Nhật Bản đã được phục hồi sau 20 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua, doanh thu của doanh nghiệp tăng... Thắng lợi của ông Abe là sự đồng tình của người dân dành cho Abenomics, đồng nghĩa với việc chính sách này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Ông Abe cũng đã phát huy được thế mạnh của mình trong lĩnh vực đối ngoại như thu hẹp bất đồng giữa Nga với Nhật Bản về khu vực mà Moskva gọi là quần đảo Nam Kuril còn Tokyo gọi là lãnh thổ phương Bắc - vốn là mối quan tâm lớn của người dân Nhật Bản.
Tuy giành được sự ủng hộ của đa số đảng viên cấp cao, tỷ lệ phiếu ủng hộ tại các chi bộ cơ sở dành cho ông Abe mới ở mức 55,3%. Theo các chuyên gia, tỷ lệ ủng hộ phải cao hơn nhiều so với 55% mới khẳng định được sự hỗ trợ vững chắc dành cho ông Abe sau bầu cử. Để không đánh mất lợi thế đa số mà liên minh cầm quyền đang có tại Thượng viện, các đảng viên LDP cần phải đoàn kết để củng cố sức mạnh của đảng trước khi bước vào cuộc đua mới. Với tư cách là chủ tịch đảng cầm quyền, ông Abe sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản đến năm 2021, mở đường cho việc trở thành vị thủ tướng có thời gian cầm quyền dài nhất trong lịch sử Nhật Bản. Tuy nhiên, để thực hiện cam kết cùng người dân xây dựng một đất nước mới, ông Abe còn nhiều việc phải làm để củng cố uy tín của bản thân cũng như khôi phục lòng tin của người dân.
Đoàn Gia Huy