Đà Nẵng cuối tuần

Khám phá xứ sở chùa vàng

10:06, 25/11/2018 (GMT+7)

Trong suốt hành trình trải nghiệm, khám phá Myanmar, nơi được mệnh danh là xứ sở chùa vàng, chúng tôi trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Quần thể kiến trúc cổ tại vùng đất Bagan.
Quần thể kiến trúc cổ tại vùng đất Bagan.

Yangon, thành phố của những điều lạ lẫm

Trên xe bus từ sân bay quốc tế Yangon về trung tâm thành phố, cảm nhận đầu tiên của tôi về Yangon là một thành phố không hiện đại, hào nhoáng, cũng không uy nghi cổ kính như một số thành phố trên thế giới tôi từng đặt chân đến. Yangon hội đủ các yếu tố của một thành phố văn minh, thân thiện, mến khách. Không gian rợp bóng cây xanh. Ngoài hệ thống xe bus, xe taxi thì ô-tô là phương tiện lưu thông chính của thành phố này. Một bất ngờ khá thú vị là ô-tô tại đây tồn tại song song cả tay lái nghịch và tay lái thuận nhưng giao thông rất trật tự.

Chúng tôi bắt đầu hành trình “city tour” ở khu “phố đi bộ” Sule được xem là hiện đại bậc nhất của đất nước chùa vàng. Khu trung tâm của thành phố Yangon, ngoài khách sạn Shangri-La cao chọc trời đứng lẻ loi trông giống viên kim cương lấp lánh giữa lòng đô thị vây quanh bởi những tòa chung cư cũ nát. Đường phố được quy hoạch thoáng rộng nhưng hầu như vỉa hè không được lát đá, lối đi cho người đi bộ không được các nhà phát triển quy hoạch đô thị quan tâm đúng mức. Tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng điện được thể hiện qua những chiếc máy phát điện xuất hiện khắp nơi trên vỉa hè của các con đường trung tâm thành phố Yangon.

Dịch vụ taxi ở Yangon hoạt động tự phát, chưa thông qua tổ chức hay hiệp hội nên không có tổng đài hay bảng giá cước theo quy định, du khách tha hồ mặc cả cho từng điểm đến theo ước chừng qua bản đồ du lịch. Cho dù hoạt động tự phát nhưng với “đặc sản” nổi tiếng của người dân xứ chùa vàng là thân thiện, mến khách nên du khách luôn cảm thấy thoải mái trong suốt hành trình.

Một cảm giác khó chịu nhưng rất thú vị khi lần đầu đến Myanmar là dịch vụ viễn thông. Internet dường như vẫn còn là một món hàng xa xỉ đối với một đất nước vừa mới mở cửa hội nhập thế giới. Ngoài việc sử dụng điện thoại chuyển vùng quốc tế hoặc sử dụng sim điện thoại nội địa để liên lạc, nếu bạn muốn truy cập Internet để đọc báo, lướt facebook hay đưa vài tấm hình check-in cập nhật điểm đến thì không còn cách nào khác là phải về đến khách sạn, nhưng tốc độ truy cập cũng luôn thử thách tính kiên nhẫn nếu bạn đã quen dùng dịch vụ Internet tốc độ cao.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là chùa Sule tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố Yangon. Khi tham quan các ngôi chùa ở Myanmar, khách đều phải cởi bỏ giày dép, đi chân không. Các ngôi chùa ở đây được thiết kế theo phong cách gần như giống nhau, khu vực chánh điện có bốn hướng với các tượng Phật khác nhau, đỉnh chóp của chùa hình tròn được mạ vàng hoặc sơn tông màu vàng. Trước khi vào đến chánh điện, du khách phải qua một lối đi “nhà dài” để qua khu bán hàng lưu niệm, khu chợ, thậm chí là khu xem bói! Người dân địa phương đi lễ chùa thường chỉ mang theo hoa hay những lá vàng để dát lên các pho tượng Phật mong cầu phước lành.

Bagan vương triều huyền bí

Sau gần 10 tiếng xuyên đêm trên chuyến xe bus của hãng JJ Expres, chúng tôi đến vùng đất của Vương triều Bagan khi bình minh vừa chào đón ngày mới. Đúng nghĩa là một cuộc chạy đua rượt đuổi theo ánh mặt trời. Đoạn đường từ bến xe vào Old Bagan chỉ vài cây số, nhưng chúng tôi có cảm giác nó xa vời vợi. Mặt trời dần xuất hiện sau những tán cây rừng phủ một màu xanh mướt còn đọng những giọt sương mai. Hai bên đường người dân địa phương bắt đầu đánh xe bò ra đồng.

Bagan từng tồn tại một vương triều hưng thịnh. Các công trình kiến trúc của Old Bagan bị ngừng lại, cách ly một thời gian dài so với thế giới. Chúng tôi đến đền Shwesantaw cho kịp lúc mặt trời xuất hiện. Khác với tưởng tượng, đền Shwesantaw rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây từ rất sớm bằng xe đạp, xe máy điện, xe ngựa, taxi, họ ngồi kín cả hành lang khu đền, giữa không gian lặng thinh. Thật không phí hoài công sức đuổi theo ánh mặt trời, cảnh tượng hiện ra trước mắt tôi huyền ảo đến choáng ngợp. Một cánh đồng bao la rộng lớn nằm bên bờ sông Ayeyarwady và hàng nghìn ngôi đền với những ngọn tháp nhấp nhô trùng điệp, mờ ảo trong màn sương mai. Vùng đất Old Bagan dần hiện rõ khi taxi đưa chúng tôi về khách sạn, căn phòng phía xa vang lên tiếng kinh làm cho mọi mệt nhọc tan biến, không gian trở nên yên bình chào đón ngày mới.

Trong một thời gian ngắn, để khám phá vùng đất Old Bagan với hàng nghìn công trình đền, chùa, du khách phải có sự lựa chọn ưu tiên để không bỏ sót những nơi cần phải đến mà không hối tiếc. Sau thủ tục nhận phòng khách sạn, chúng tôi chọn và đánh dấu điểm đến trên bản đồ du lịch, tiếp đến là thuê xe máy điện, trước khi khởi hành đừng quên lưu số điện thoại của khách sạn để phòng khi lạc đường hoặc xe điện hết pin.

Lần lượt theo thứ tự ưu tiên, chúng tôi ghé thăm các ngôi chùa Shwe Zi Gone, chùa Shwe San Daw, chùa Mingalar, rồi đến các đền cổ Gubyaukgyi, đền Htilominlo, đền Thatbyinyu, đền Dhammayangyi, cung điện Golden Palace... Không khó để du khách cảm nhận được đời sống tâm linh của người dân Bagan, nhịp sống trôi đi chầm chậm, cảnh sắc thanh bình, tiếng chim hót líu lo. Cuộc sống thảnh thơi an nhiên. Tiếng xe ngựa leng keng vang lên trên những con đường đất đỏ đầy cát bụi. Chúng tôi cứ muốn ngồi im ở một tán cây nào đó sống chậm từng giây để nhìn ngắm Old Bagan. Mảnh đất hiền hòa với nụ cười của dân bản xứ khi bắt gặp khách du lịch, và những buổi trưa chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió và tiếng vó ngựa vang xa. Chúng tôi luôn đón nhận nụ cười của người dân khi nhờ trợ giúp hỏi đường lúc đi lạc, luôn bắt gặp nụ cười hiếu khách của người dân thấp thoáng dưới những đền chùa, hay ánh mắt thánh thiện của các vị sư tay cầm chiếc dù đỏ ung dung bước đi, như không màng đích đến.

Vùng đất Bagan được đánh thức một ngày mới bằng những tia nắng trong veo làm bừng sáng cánh đồng với muôn trùng tháp cổ, đền đài và khép lại một ngày bằng ráng chiều đổ màu vàng vọt xuống dòng Ayeyarwady. Bagan là một giấc mơ cổ tích, là một vùng đất ngủ quên, là những điều kỳ diệu nên nhìn ngắm một lần trong đời.

Chiêm ngưỡng hoàng hôn trên cầu U Bein

Đến xứ sở chùa vàng, đa số du khách chọn thủ đô Yangon xem như “trạm trung chuyển” trước khi đến Bagan và hồ Inle, nếu còn thời gian mới ghé Mandalay. Hành trình của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Khi lên lịch trình đến Bagan, chúng tôi để chế độ mở nhưng sang đến nơi thì không còn vé máy bay trở lại Yangon, thậm chí vé xe bus của nhiều hãng cũng cháy vé do đang là mùa cao điểm du lịch. Tuy nhiên, đôi khi gặp phải những bất ngờ ngoài kế hoạch mới cảm nhận hết cái thú khi đi du lịch bụi. Không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi phải tiền trạm sang thành phố Mandalay để nối chuyến xe bus về Yangon.

Việc di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác tại Myanmar, ngoài phương tiện hàng không, sự lựa chọn phổ biến nhất là xe bus du lịch đường dài, có xe lửa nhưng không phải là lựa chọn phù hợp cho những chuyến đi ngắn bởi tốc độ di chuyển quá chậm. Gọi là xe bus du lịch cho sang chứ thực ra giống những chiếc xe đò địa phương đi tỉnh ở Việt Nam thời thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau bao năm giờ được trải nghiệm cảm giác ngồi xe đò cũng thấy thú vị, người ngồi chật như nêm, dọc đường đón khách cho ngồi ghế súp, bán hàng rong ở các trạm dừng, quán cơm bụi… Mọi sinh hoạt của người dân được cảm nhận đầy đủ qua ô cửa xuyên suốt hành trình. Sau gần 3 giờ băng qua những cánh đồng xanh mướt, những làng quê thanh bình, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với thành phố Mandalay.

Trên đường từ bến xe về khách sạn, tranh thủ thời gian, chúng tôi đón xe taxi quay ngược trở lại về phía cầu Ubein để kịp đón hoàng hôn. Gần 5 giờ chiều, từng đoàn người nối nhau tạo thành một con sóng dài nối liền 2 nhịp cầu bắc ngang qua con sông Taung Tha Man. Sau khi chụp một vài bức ảnh lúc chạng vạng, chúng tôi bắt đầu đi dọc hết cây cầu. Từ đây ngắm những tia nắng mặt trời còn sót lại cuối ngày xuyên qua những áng mây trôi tạo nên từng vệt sáng rất đẹp, có những con thuyền nhỏ phía xa. Thời khắc chiêm ngưỡng cảnh sắc hoàng hôn tại cầu gỗ U Bein là món quà mà Mandalay ưu ái dành để chào đón chúng tôi khi đặt chân đến thành phố này.

Tu viện cổ Shwenandaw tại Mandalay. Ảnh: P.S.T
Tu viện cổ Shwenandaw tại Mandalay. Ảnh: P.S.T

Một ngày ở Mandalay, muốn đi nhiều điểm tham quan nhất có thể, nên chúng tôi chỉ có chạy và... chạy! Tài xế taxi cũng chính là “tour guide” đồng hành với chúng tôi trong hành trình khám phá Mandalay. Điểm đến đầu tiên là đền Kyauktawgyi paya và quần thể kiến trúc trên đồi Mandalay. Chạm chân trên ngọn đồi cao 230m, chúng tôi cảm nhận không gian yên bình, và từ trên đỉnh đồi thu về toàn cảnh Mandalay đẹp tuyệt vời trong sương sớm.

Sau khi hạ sơn, cung điện hoàng gia Mandalay Royal Palace, nơi nổi tiếng với bốn mặt tường thành kiên cố, các công trình kiến trúc chạm trổ tinh xảo, soi bóng xuống mặt nước trong veo của con kênh đào bao quanh. Các đền chùa đẹp nhất tại thành phố này như Shwe Kyaung Monastery, A Du Ma Shi, Ku Tho Daw, Mya Thein Tan, Pa Hto Daw Gyi… chúng tôi đều kịp lướt qua. Nói thật, kể cả bạn có là một lữ khách bàng quan về Phật giáo, bạn cũng sẽ không thể ngăn được lòng ngưỡng mộ khi ngắm nhìn những công trình này bởi đường nét kiến trúc duy nhất không nơi nào có được.

Kết thúc chuyến hành trình khám phá xứ sở chùa vàng, hình ảnh các nhà sư mặc bộ cà sa đỏ mận nhấn dải màu vàng lướt đi trên nền kiến trúc kỳ vĩ của những mảng lát vàng đồng, xanh cẩm thạch hay trắng xóa một màu là hình ảnh ấn tượng nhất. Hy vọng một ngày không xa, có dịp trở lại đất nước xinh đẹp và mến khách này, chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá một cung đường mới về vùng đất Bago và hồ Inle nổi tiếng…

PHẠM SÔNG THU

.