Đà Nẵng cuối tuần

Trẻ em lánh nạn Đức Quốc xã, 80 năm sau

07:56, 18/11/2018 (GMT+7)

Kindertransport (Vận chuyển trẻ em) là tên của một loạt các nỗ lực cứu hộ đã mang hàng ngàn trẻ em Do Thái ra khỏi chế độ Đức Quốc xã đến tị nạn Vương quốc Anh từ năm 1938 đến năm 1940. Đây là hoạt động cứu hộ đáng chú ý của các tổ chức từ thiện Do Thái và đã tạo cho trẻ em cơ hội thoát khỏi cuộc bức hại của Đức Quốc xã lúc châu Âu bị chiếm đóng.

Trẻ em người Do Thái được Chương trình “Vận chuyển Kindertransport” đưa đến London vào tháng 2 năm 1939.
Trẻ em người Do Thái được Chương trình “Vận chuyển Kindertransport” đưa đến London vào tháng 2 năm 1939.

Cuộc vận chuyển được thúc đẩy bởi các sự kiện Kristallnacht - còn có tên Night of Broken Glass hoặc November Pogroms, để nhắc đến vụ thảm sát đêm 9-11-1938, khi Đức Quốc xã tấn công người Do Thái. Trong khi những người Do Thái lớn tuổi nhận thấy ngày càng khó khăn để thoát ra được, các tổ chức Do Thái ở Đức, châu Âu và Hoa Kỳ đã cố gắng đưa trẻ em ra đi và thuyết phục chính phủ đưa những người tị nạn trẻ em vào thị thực tạm thời. Ở một nơi khác, khoảng 10.000 người được vận chuyển đến Anh trên các chuyến tàu và thuyền được tổ chức bởi các nhóm Do Thái và các tổ chức từ thiện khác.

Trong tuần này, một cuộc triển lãm khai mạc tại Bảo tàng Do Thái ở London, kể về 6 đứa trẻ từ Đức đến Anh như hồi ức một phần của nỗ lực cứu hộ này, được biết đến với cái tên không chính thức: Kindertransport. Sáu trong số những người đó đang ở tuổi 80 và 90 kể lại câu chuyện và kinh nghiệm của họ qua những bộ phim ngắn.

Sáu nhân vật được trưng bày trong cuộc triển lãm gồm: Ruth Barnett, Elsa Shamash, Bernd Koschland, Bea Green, Ann và Bob Kirk. Ông bà Ann và Bob Kirk là 2 trong 6 nhân vật ở triển lãm này nằm trong số trẻ em Do Thái được chuyển giao từ Đức Quốc xã đến Anh, kể đôi điều về kinh nghiệm và cảm xúc của họ trong chuyến đi lánh nạn từ năm 1938. Ông Bob Kirk (93 tuổi) và bà Ann Kirk (90 tuổi) đều cho rằng: “Những người cha, người mẹ đã đồng ý để con cái của họ ra đi vào thời điểm đó là sự dũng cảm to lớn. Chúng tôi không bao giờ cảm thấy tội lỗi về việc sống sót. Tôi cảm thấy lòng biết ơn to lớn đối với cha mẹ vì sự can đảm của họ”.

Thông qua các bộ phim ngắn, những người rời gia đình lúc họ khoảng từ 4 đến 14 tuổi tiết lộ những cảm xúc với lòng biết ơn khi được giải cứu, nhưng cũng ăn năn, hối hận về sự vắng mặt của mình trước những mất mát người thân yêu. Nhiều người bắt đầu với những kỷ niệm sớm nhất của họ về một thời thơ ấu hạnh phúc, trước khi Đức Quốc xã lên nắm quyền và “biến cuộc sống đảo lộn”.

“Bố, mẹ ôm nhau và hôn tôi, rồi thì thầm rằng tôi nên nhìn ra ngoài cửa sổ ở trạm kế tiếp, nhưng họ vẫy tay chào tôi như thể bàn tay của họ sẽ rơi xuống. Đó là lần cuối cùng tôi gặp họ”. Nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng nỗi đau bị tách khỏi cha mẹ vẫn còn rõ ràng đối với Ann Kirk, một trong 10.000 trẻ em đến Anh vào năm 1939 qua sự vận chuyển Kindertransport. “Vào thời điểm ấy, tôi không thực sự biết mình đang đi đâu-ông Bob Kirk nhớ lại-Có khoảng 200 đứa trẻ trên phương tiện đó và tất cả chúng tôi đều hơi lo lắng, ít nói, nếu cần chỉ biết thầm thì lẫn nhau.

Hầu hết chúng tôi đã tự hiểu rằng, chúng tôi đang đi trên một cuộc phiêu lưu, và dĩ nhiên chúng tôi cứ một mực tin rằng, bố mẹ chúng tôi sẽ đến ngay sau khi họ nhận được giấy tờ”. Kirk mang theo chiếc vali nhỏ, nhưng không mang theo được bất kỳ hình ảnh gia đình hoặc những kỷ vật gì khác. Kirk trở lại Hanover vào năm 1949 và phát hiện ra rằng cha mẹ ông đã được chuyển đến Riga vào tháng 12-1941, rồi không bao giờ quay trở lại nữa.

Sáu người trong số trẻ em tị nạn 79 năm trước trong cuộc triển lãm hiện nay: Ruth Barnett, Elsa Shamash, Bernd Koschland, Bea Green, Ann và Bob Kirk.
Sáu người trong số trẻ em tị nạn 79 năm trước trong cuộc triển lãm hiện nay: Ruth Barnett, Elsa Shamash, Bernd Koschland, Bea Green, Ann và Bob Kirk.

Ông cũng đến thăm doanh nghiệp dệt cũ của cha mình và thấy hai nhân viên cũ đang điều hành nó. Kirk được biết tất cả hồ sơ cũ của công ty đã bị phá hủy trong vụ đánh bom của lực lượng đồng minh. Kirk cho biết, anh đã mất gần 20 thành viên trong gia đình ở Holocaust, nơi đây còn được biết đến với tên gọi Shoah-cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và đã dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.

Sau khi giải ngũ, Kirk được đào tạo như một người kế toán và vươn tới vị trí thư ký trong một công ty dệt - một liên kết phù hợp với dòng công việc cũ của cha ông. Vào cuối những năm 1940, ông gặp cô Hannah Kuhn - một người tị nạn Do Thái từ Đức đến Anh qua sự vận chuyển Kindertransport vào tháng 4-1939; họ kết hôn vào năm 1950. TS Kathrin Pieren, người tham gia triển lãm với Jemima Jarman, nói rằng những lời kể phản ánh những trải nghiệm đáng nhớ của những trẻ em rời quê hương lánh nạn. Và chúng ta không thể tưởng tượng được rằng, gặp lại các “em nhỏ lánh nạn” đã sống yên lành 80 năm sau.

H.Đ (Theo The Guardian)

.