Đà Nẵng cuối tuần

Tuổi già hạt lệ như sương (*)

09:17, 25/11/2018 (GMT+7)

“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ lấy giúp con chùm chìa khóa”, “Mẹ ơi! Xem trên kệ  ti-vi con có để tập tài liệu bìa màu vàng không?”, “Mẹ nhớ cho cháu ăn chút yến mẹ nghe!”… Sáng nào, cứ độ 7 giờ đúng, giọng của cô gái ấy lại lanh lảnh vang lên từ dưới sân chung cư. Nhà cô ở tầng ba, cô đi làm vội vã, cứ xuống sân lại nghển cổ lên gọi mẹ.

Đã 2 năm từ ngày gia đình cô dọn về đây, sáng nào cũng thế, giọng cô hóa quen thuộc đến mức hôm nào không nghe,  tôi tự biết hôm nay là thứ bảy, hay chắc chủ nhật. Và người mẹ, một người phụ nữ độ tầm bảy mươi, sau tiếng gọi ấy lại lúi cúi bế thằng cháu chưa tròn một tuổi mà khi nào nước mắt cũng nhem nhuốc trên khuôn mặt ngơ ngác, lật đật men theo lan can đem chùm chìa khóa, tập tài liệu hay những thứ quên khác cho cô con gái của mình.

Rồi bà bước thấp bước cao lên nhà, giục thằng cháu lớn đang lở dở bát cháo phần sáng để còn kịp dẫn nó đến trường. Người dân ở khu chung cư đã quen cái dáng hối hả, tiếng thở hổn hển khẽ khàng, tiếng bà xót ruột dỗ thằng cháu quấy khóc suốt buổi trưa… Người mẹ ấy, đã hơn bảy mươi tuổi.

Mỗi buổi sớm, hay mỗi chiều về, ở những khu công viên cho trẻ nhỏ, tôi luôn để ý những người cha, người mẹ, người ông, người bà với cái dáng tất tả như thế. Tóc đã ngả màu sương, làn da sạm hằn lên những vết nhăn gấp khúc.

Nụ cười móm mém xen lẫn những giọt mồ hôi vì phải hối hả chạy theo đút thằng cháu muỗng cơm, đỡ đứa cháu nhỏ sợ nhỡ nó ngã… Bóng thời gian đã đổ về chiều trên ánh mắt mờ đục, trên những đốm nâu lấm tấm ở đôi tay.

Duy chỉ có nụ cười - nụ cười khi nhìn theo bước chân lẫm chẫm của đứa cháu tuổi tập đi, khi nhìn cháu há miệng nuốt muỗng cơm nhão, khi ôm cháu và vùi mặt hun lấy hun để đôi má hây hây thơm sữa, lại rạng rỡ và sáng tươi đến lạ lùng.

Trong giây lát, tôi không biết mình cũng đã mỉm cười theo niềm vui tuổi già của họ. Nhưng rồi, khi nhìn cái dáng khấp khểnh một tay bế cháu, một tay cầm nắm nào khăn, nào bát, nào bình sữa đi lẫn vào dòng xe cộ đông đúc trong ánh chiều tà của những con người không còn lại bao nhiêu tháng năm ấy, tôi luôn thấy lòng trĩu nặng bởi ý nghĩ: Bao giờ họ mới được thảnh thơi?!

Thời gian như bóng câu qua cửa, chớp mắt thôi là hết cả đời người. Những bậc làm cha, làm mẹ ấy đã trải qua những tháng năm dài dặc để bắt tay xây dựng tổ ấm, sinh con đẻ cái, và đằng đẵng với gánh nặng mưu sinh để nuôi, để dạy chúng thành người. Bao đêm thức ôm con khi còn nhỏ, bao lần hốt hoảng khi con ốm đau, bao nỗi lo toan khi con phải căng mình vượt những kỳ thi lớn.

Lo và thương đến thắt lòng khi nhìn cảnh con cầm tấm bằng tốt nghiệp chạy vạy xin việc khắp nơi. Rồi ngày con lấy chồng, lấy vợ, thắc thỏm lo con có chọn được người đàng hoàng, hai vợ chồng ăn ở với nhau có thuận hòa không. Khi cháu chào đời, chưa kịp mừng vui đã phải thức khuya trông cháu cho con chợp mắt, loay hoay giữ cháu cho con yên tâm đi làm... Suốt đời, bận bịu và quấn quýt với nỗi lo.

Nhưng tôi cũng từng nhìn thấy những cô gái trẻ mặc đồ công sở thong thả lướt điện thoại và nhâm nhi ly cà-phê vào mỗi sáng ở góc phố. Tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều những người đàn ông chừng ba mươi tuổi say sưa, khề khà bên vại bia ven đường khi bóng chiều đổ xuống.

Đêm, ở những quán rượu xập xình huyên náo, đâu chỉ có những cô cậu mới lớn hớn hở lắc lư theo điệu nhạc, mà còn rất nhiều những chàng trai, cô gái độ tuổi lập gia đình cũng tươi cười nhún nhảy. Phố, ngày và đêm lao xao những niềm vui riêng có – của họ.

Phút giây ấy, không ít người trong số những người trẻ tuổi kia đã quên mất, hoặc vờ như quên mất, đứa con nhỏ của mình đang nước mắt ngắn dài đòi ông bà dắt ra trước ngõ đợi mẹ về. Có lúc nào, họ chợn nghĩ, để nhận ra niềm vui của mình ích kỷ và hời hợt lắm không?!

Không biết tự lúc nào, tôi thấy thật khó chịu khi vô tình đối diện với cô gái có cái giọng lanh lảnh ở tầng ba khu chung cư. Tôi tự hỏi: Sao cô ấy không thức khuya hơn một chút để chuẩn bị chu đáo quần áo và đồ đạc đi làm, đi học cho mình và cho con; sao cô ấy không thức dậy sớm hơn một chút để kịp cho thằng con lớn ăn xong bữa, dẫn nó đến trường để mẹ mình đỡ vất vả...

Bao nhiêu câu hỏi “sao cô ấy không…”. Chỉ một chút thôi để làm tuổi già của cha, của mẹ thong dong. Chỉ một chút thôi để thân già được ngơi nghỉ. Chỉ một chút thôi, vậy mà…

Lòng tôi thường chùng xuống khi nghe những ca từ xúc động về mẹ: Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ/ Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai ối a, mẹ tôi về đâu?/ Ngàn năm mây trắng bay theo ối a, mẹ ơi mẹ ở đâu? (sáng tác Trần Tiến). Cha mẹ rồi sẽ hóa mây trắng cuối trời, rời xa cõi trọ nhân gian...

TRẦN THỊ HỒNG VÂN
(*) Lời thơ Nguyễn Khuyến.
 

.