Đà Nẵng cuối tuần

Vun đắp vốn tiếng Anh từ một cuộc thi

12:51, 25/11/2018 (GMT+7)

Là những sinh viên (SV) ngành kỹ thuật, không chuyên Anh ngữ nhưng nhóm SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vượt qua rào cản, xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên năm 2018 khu vực miền Trung, góp mặt vào vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 12 tới.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng xuất sắc giành giải nhì tại cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên năm 2018, khu vực miền Trung. Ảnh: T.L
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng xuất sắc giành giải nhì tại cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên năm 2018, khu vực miền Trung. Ảnh: T.L

Nhóm gồm Nguyễn Thạch Thịnh (trưởng nhóm) và các thành viên: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Đăng Hoàng, Nguyễn Lê Thảo Nhi, Lê Bá Quốc, Trần Thu Uyên, Nguyễn Thị Thanh Huyền. Các thành viên của nhóm đồng thời cũng tham gia CLB tiếng Anh Hugo do các sinh viên Trường ĐH Bách khoa thành lập 10 năm nay.

Thạch Thịnh cho biết, lâu nay đa số SV ngành kỹ thuật đều không giỏi ngoại ngữ. Đoạt được giải nhì cuộc thi khu vực, góp mặt ở vòng chung kết cuộc thi toàn quốc là điều bất ngờ đồng thời là nỗ lực hết mình của mỗi thành viên trong học tập, rèn luyện và đồng thuận cùng nhau để đến với cuộc thi.

Tham gia cuộc thi với chủ đề “English on the move” với nội dung liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng CNTT và mạng xã hội…, nhóm trải qua nhiều phần thi như làm video giới thiệu về trường, thi tranh biện, thi kiến thức và kịch. Mỗi phần thi là một thử thách với độ khó khác nhau.

Để có đủ kiến thức tham gia, ngoài việc mỗi bạn phải tự trau dồi vốn từ vựng, kiến thức chung, nhóm chia nhiệm vụ cho từng người theo năng lực, sở trường.

Nguyễn Đăng Hoàng- phụ trách phần thi kiến thức, chia sẻ: “Để dự thi, dựa vào chủ đề của Ban tổ chức, mỗi ngày em và các bạn phụ trách phần này phải đọc các báo viết về công nghệ, tìm tòi thêm thông qua các nguồn tư liệu trên Internet, luyện tập kỹ năng nói, diễn đạt bằng tiếng Anh”.

Phụ trách phần thi tranh biện- đây là phần thi được coi là khó nhất, Nguyễn Lê Thảo Nhi cho biết, không riêng cuộc thi, mỗi ngày em đều tự trau dồi kiến thức tiếng Anh nên có một vốn từ tương đối ổn để phụ trách viết lời thoại và tranh biện.

Tuy nhiên, để làm tròn vai ở phần thi này, trước đó trong các buổi tập, các thành viên đều bổ sung kiến thức cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tìm hiểu, tập luyện nhiều lần để đạt kết quả tốt.

Từ chủ đề của Ban tổ chức, nhóm tự phân tích đưa ra nhiều chủ đề, tình huống khác nhau để rèn luyện kỹ năng tranh biện. Khó khăn là điều hiển nhiên có ở bất cứ một cuộc thi nào, khó khăn của nhóm cũng không ngoại lệ.

“Ở vòng kịch, các thành viên cũng gặp nhiều khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian tập luyện. Bởi vì, viết xong kịch bản, các thành viên tập thấy chưa đáp ứng được thời gian yêu cầu thì phải sửa kịch bản, tập lại. Đó là chưa kể đạo cụ thiếu cũng là một khó khăn khác đối với nhóm”, Thạch Thịnh chia sẻ.

Điều đáng ghi nhận ở nhóm là dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng luôn biết cách sẻ chia cùng nhau, bổ sung kịp thời những điểm yếu của các thành viên. Nhóm luôn tranh thủ mọi thời gian để tập luyện, lắng nghe chia sẻ của các SV của Hugo Club.

“Với ngôn ngữ tiếng Anh, bản thân mỗi thành viên đều ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ này không chỉ trong quá trình học tập mà còn có ảnh hưởng lớn đến công việc, sự chọn lựa việc làm sau ngày tốt nghiệp đại học nên ai cũng nỗ lực hết mình để không phải nuối tiếc vì quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường đã bỏ lỡ cơ hội vun đắp kiến thức tiếng Anh cho mình”, Thịnh nói thêm.

Trở về sau vòng chung kết khu vực, các thành viên của nhóm dành thời gian để hoàn thiện các bài học, bài thi giữa kỳ và chuẩn bị sẵn sàng cho vòng thi chung kết toàn quốc sắp tới. Nhóm trưởng Thạch Thịnh cho biết:

“Dù vòng thi chung kết diễn ra vào đúng thời gian nhóm dự thi học kỳ I, tuy nhiên các thành viên đều sắp xếp, tiếp tục hoàn thiện những điểm còn yếu trong vòng thi trước để góp mặt ở vòng thi toàn quốc”. Các bạn cũng xem đây là cơ hội để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cơ hội để giao lưu, bồi bổ thêm kiến thức cho mình để giúp ích cho công việc sau này, nhất là yêu cầu công việc trong thời đại cách mạng 4.0. “Chúng em không đặt nặng mục tiêu giành giải thưởng”, Nguyễn Đăng Hoàng nói thêm.

Vòng chung kết cuộc thi “Olympic Tiếng Anh không chuyên năm 2018” khu vực miền Trung do Ban Công tác Học sinh – sinh viên ĐH Đà Nẵng phối hợp Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng tổ chức, thu hút sự tham gia của 33 đội đến từ các trường ĐH trong khu vực miền Trung.

Kết quả vòng thi chung kết: giải nhất: Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế); giải nhì: Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Hai đội trên được chọn tham dự vòng chung kết toàn quốc.
 

Thiên Lam

.