Đà Nẵng cuối tuần
Đôi quang gánh của má
Má tôi về làm dâu bà nội tôi từ bao giờ, tôi không được biết; bởi lẽ, tôi là đứa sinh sau đẻ muộn. Nhưng khi tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ chung quanh mình, biết kêu ba, kêu mẹ thì ngoài mẹ ra tôi còn có má. Và hình ảnh quen thuộc của má với tôi, là đôi quanh gánh trên đôi vai đã còng, và mái tóc bạc phơ cùng nụ cười hồn hậu.
Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN |
Ba tôi cưới má tôi và sinh rất nhiều anh chị, nhưng không hiểu vì lý do gì, các anh đều mất từ lúc sơ sinh, có anh hơn mười tuổi cũng mất vì bệnh. Cuối cùng chỉ còn một mình chị Hai tôi. Quan niệm xưa về con trai, con gái “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” đè nặng trong tiềm thức ba tôi, má tôi, nên má tôi luôn tìm cách để cưới vợ khác cho chồng, tìm con trai nối dõi. Và tôi - đã có mặt sau cuộc nhân duyên đó, dù ba má tôi rất kỳ vọng là con trai - cũng lại là con gái.
Nhưng không vì là con gái mà tôi không được yêu thương. Có lẽ bao nhiêu yêu thương mà má tôi dành cho các anh chị con ruột của má không còn đã chuyển qua hết cho tôi. Nên dù không rứt ruột đẻ ra tôi, nhưng má tôi cưng chiều và yêu thương tôi như chính núm ruột của má vậy. Khi tôi là một đứa trẻ năm tuổi, tôi ở với mẹ, nhưng má lại là người mà tôi mong đợi mỗi ngày. Từ lúc chưa mờ sáng, má đã gánh hàng đi bán ở chợ Hội An. Hàng của má là những chiếc bánh ú nếp cứ chiều chiều má cặm cụi ngồi gói, rồi nấu chín vớt ra để sáng sáng gánh bán ở chợ phố.
Dù chợ ế hay đắt, nhưng cứ buổi chiều trên đường về nhà, má luôn có quà dành cho tôi. Quà của má toàn là những thức ăn mà tôi thèm thuồng chờ đợi. Khi thì cái bánh mì chan nước thịt, khi thì trái bắp nướng chan mắm cái thơm lựng, lúc thì gói kẹo ú bọc trong lá chuối khô… Cứ tầm mặt trời bắt đầu gác núi là tôi tựa cổng ngóng má đi bán về. Khi má xuất hiện ở cuối con đường với đôi quanh gánh chất đầy rau heo và thức ăn cho cả nhà trên vai, cái nón lá cũ vắt toòng teng trên mấu chiếc đòn gánh đã lên nước bóng loáng vì thời gian, tôi nghe như tim mình reo lên vì sung sướng. Má đưa quà cho tôi, nhìn tôi ăn ngon lành, miệng nở nụ cười mãn nguyện rồi đặt gánh lên vai đi tiếp về nhà. Ở đó, thúng nếp đang chờ má về gói bánh và bầy heo trong chuồng chờ ăn.
Mẹ tôi là người ham việc, nên để tôi ở nhà với thạp gạo đong đầy và hũ mắm cá cơm rồi đi về quê ngoại làm ruộng biền biệt cả tháng. Tôi ở nhà theo bọn trẻ con trong xóm đi bắt cào cào, châu chấu, hái trộm mận, trộm ổi nhà hàng xóm, rồi tự ăn tự ngủ. Do ít được chăm sóc, tắm gội nên đầu tôi bị chốc lở rồi sâu răng, viêm họng các kiểu. Má tôi xót con, nên mùa hè năm tôi lên lớp Hai má đem tôi về ở với má. Ngày ngày, má gánh hàng đi trước, tôi lẽo đẽo theo má xuống chợ. Chờ má bán hàng xong lại dắt tôi vô bệnh viện Hội An để chữa trị. Chiều chiều, trong gánh hàng của má có bó lá ổi, lá muồng má đi xin về để nấu nước cho tôi gội đầu mau hết chốc lở.
Ba tôi cũng đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Công việc của ba không thuận nên mọi lo toan trong nhà do một tay má tôi gánh vác. Gánh bánh ú không đủ trang trải chuyện ăn, chuyện mặc và phải không với họ hàng, má tôi chuyển sang buôn rau củ quả cùng với chị Hai tôi. Và đường đi của má cũng xa hơn, vất vả hơn. Cứ tầm ba giờ sáng, khi gà vừa gáy sang canh và tôi còn đang say ngủ, má đã lục đục dậy nấu cơm ăn sớm và vắt theo để ăn bữa trưa. Rồi quày quả gánh đôi giỏ bội đan bằng sắt đi theo xe đò lên Quế Sơn, Duy Xuyên mua hàng về bán. Cứ thế, đôi quang gánh trên vai má ngày càng nặng, tỷ lệ nghịch với tuổi già và mái tóc ngày càng thêm nhiều sợi bạc. Có những hôm chợ ế, mãi tối mịt má mới về, chỉ kịp ăn uống qua loa là má nằm vật ra giường vì mệt. Vì là trẻ con nên tôi không thể hiểu được những lo toan, vất vả của má. Hễ thích thứ gì là tôi nhèo nhẽo đòi cho bằng được, dù má cứ khất, bữa nào đắt hàng có tiền má mua cho con.
Đôi quang gánh của má theo má suốt cuộc đời tảo tần, và cũng là ký ức khó nguôi quên của tôi khi nhớ về tuổi thơ của mình. Má đã về với ông bà, tổ tiên lâu lắm rồi sau một trận bạo bệnh kéo dài. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, đi lại con đường cũ, tôi vẫn như thấy đứa bé gái chân thấp chân cao lẽo đẽo nắm một tao gióng, mà phía trước là một gánh bánh ú trĩu nặng trên đôi vai gầy guộc. Má đi chậm chậm chờ tôi theo, miệng luôn giục, đi nhanh lên con, cho kịp chợ…
KIM EM