Đà Nẵng cuối tuần

Hai người lính Hải quân ở chiến trường K

08:47, 23/12/2018 (GMT+7)

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hiền ở số 45 Duy Tân và Thiếu tá Phạm Duy Tân ở 18/7 Nguyễn Văn Thoại có sự tương đồng đến lạ: Cả hai đều chiến đấu trong Nam, rồi cùng ra Bắc học tập; có mặt ở chiến trường Campuchia trong màu áo Hải quân; về hưu đều nhiệt tình “vác tù và hàng tổng”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hiền (trái) và Cựu chiến binh Phạm Duy Tân. Ảnh: H.V
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hiền (trái) và Cựu chiến binh Phạm Duy Tân. Ảnh: H.V

Mekong vẫy gọi lên đường

Kỷ niệm 40 năm giải phóng Campuchia (7-1-2019), có hai người bạn già ngồi ôn lại kỷ niệm xứ Chùa Tháp. Gắn bó gần 55 năm cùng những tháng ngày rong ruổi đời binh nghiệp gắn kết hai cựu chiến binh (CCB) ngày càng khắng khít. Đại tá Nguyễn Đức Hiền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5 và CCB Phạm Duy Tân, nguyên Bí thư Đảng ủy Nhà máy X50 Hải quân biết nhau từ thuở đôi mươi khi cùng chiến đấu trên mảnh đất quê hương, phối hợp nhau lập nhiều chiến công giòn giã. Năm 1968, ra Bắc học ở Học viện Chính trị, cả hai không nghĩ rằng từ bộ binh họ được chuyển qua Hải quân và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia.

CCB Phạm Duy Tân sôi nổi khi nhớ lại tháng ngày hào hùng. Sau khi rời Học viện, ông được điều về Đoàn đặc công nước 126 (đơn vị sau này được tuyên dương Anh hùng LLVTND). Theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, một bộ phận quân đội ta được cử sang làm nhiệm vụ quốc tế, phối hợp với bạn. Ông làm chính trị viên Đội 43, Tiểu đoàn 4 Đặc công nước với 52 cán bộ, chiến sĩ từ Quảng Bình, vượt cao nguyên Boloven của Lào để qua đất bạn Campuchia.

Tháng 3-1971, dừng chân ở bản Khánh, đơn vị được thông báo bọn Khơ-me Đỏ đã dồn hơn 100 gia đình Việt Nam, trong đó có cả cụ già và trẻ em, trên bờ sông Mekong khu vực thị trấn Strung-treng làm con tin để gây áp lực. Nếu ta đánh mạnh, chúng sẽ thả sông số dân này. Do vậy, nhiệm vụ của đội đặc công là phối hợp với đơn vị Quân giải phóng miền Nam tại mặt trận Strung-treng cứu bằng được người dân. Trên 3 chiếc thuyền độc mộc, chiến sĩ chuẩn bị áo mưa ni-lon và gom lá khô bọc lại làm phao qua sông. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội đã giải cứu, đưa sang bờ đông bắc sông Mekong an toàn gần 300 người dân bị bắt làm con tin, tạo ra thế trận có lợi cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu.

Nếu ông Phạm Duy Tân sang chiến trường K từ rất sớm thì ông Nguyễn Đức Hiền lại có mặt ở Campuchia sau ngày 7-1-1979. Ngày ấy, sau khi rời Sư đoàn 325, ông Hiền được điều về làm Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 101 Hải quân đóng ở Phú Quốc. Nhiệm vụ của lữ đoàn là chở hải quân đánh bộ đánh chiếm cảng Xihanucvin đang bị Polpot chiếm đóng. Địch chống trả dữ dội nhưng phải bỏ chạy trước sức tấn công của ta. Các mục tiêu đều bị diệt gọn trong đêm 9-1.

Đơn vị truy quét tàn quân địch, bắt sống hàng trăm tù binh, đồng thời kêu gọi nhân dân trở về làm ăn. 10 ngày sau, theo mệnh lệnh cấp trên, đơn vị đổ bộ lên đảo Koh Kong giáp Thái Lan. Tại đây, có một tiểu đoàn sau ly khai với Polpot đã giả dạng tàu đánh cá ẩn náu và chờ bắt liên lạc. Ta và bộ đội bạn gặp nhau, mừng vui vô kể. Tiểu đoàn trưởng Khăm Xày Buthong sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Trở về Quân khu 5, Đại tá Nguyễn Đức Hiền làm Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Sư đoàn 2, tiếp tục có nhiều năm ở  Mặt trận 579 đông bắc Campuchia.

Điểm tựa hậu phương

Ít ai ngờ, điều thú vị là các cặp đôi CCB hải quân này đều có chuyện tình đẹp, ly kỳ. Bà Lâm Thị Phượng, nữ y tá nổi tiếng trong chiến tranh được cả gia đình ông Nguyễn Đức Hiền phong làm “dũng sĩ” bởi sự quả cảm, kiên cường. Năm 1971, địch đánh hơi vị trí đứng chân của đội phẫu thuật ở xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam). Khi bị phát hiện, bà Phượng vọt ra khỏi miệng hầm và trúng ngay loạt đạn vào bụng. Chúng đưa bà lên trực thăng rồi chở ra điều trị ở Bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. 7 lần bác sĩ phẫu thuật bụng là 7 lần bà lôi chỉ khâu cho ruột bục ra để chống đối. Bị xử tại Tỉnh đường Hội An, bà giở áo lôi bộ ruột được bọc trong bao ni-lon ra cho các quan tòa xem, buộc chúng phải tha bổng ngay.

Ra Bắc chữa bệnh và đi nói chuyện về tội ác đế quốc Mỹ, biết chồng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, bà liền gặp Ban Thống nhất Trung ương để chuyển thư vào trong sau 4 năm không biết tin tức. Nhận thư kết hợp công tác, ông Hiền ra Bắc gặp vợ. Lúc này, bà lại đang ở Trung Quốc, nhận thư ông gửi, bà liền rút ngắn thời gian an dưỡng, tức tốc về Việt Nam.

Sau năm 1975, bà Phượng làm ở Ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông mải miết chiến trận, đặc biệt nhiều năm rong ruổi ở Campuchia, bà là hậu phương vững chắc của ông. 4 người con sinh ra, một tay bà chăm sóc, vun vén đều được ăn học thành đạt. Về hưu, từ năm 1992-1996, ông là Phó Bí thư, rồi Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận. Khi rời cương vị, ông tiếp tục làm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, nhiều lần nhận bằng khen của thành phố.

Với CCB Phạm Duy Tân, người vợ Lê Thị Loan-nguyên bác sĩ Bệnh viện Sơn Trà, có mối tơ duyên kỳ lạ với ông. Mẹ cô từng nuôi ông trong chiến tranh và anh xã đội phó xã Điện Hồng luôn xem cô như em gái nhỏ. Ông ra Bắc, người con gái lên núi làm quân y sĩ Bệnh viện 17, cả hai không hề liên lạc. Bị thương ở chiến trường Campuchia 1971, ông được đưa ra Bắc chữa bệnh.

Có nhiều cô gái phải lòng vậy mà ông vẫn đau đáu niềm quê. Về miền Nam sau ngày giải phóng, chàng sĩ quan Hải quân tuổi đã trên 30 vẫn kiên quyết không lấy vợ dù mẹ giục giã. Người em gái quê hương lúc này đang học Đại học Y khoa Huế cuối tuần lại nhờ anh Hải quân chở xe máy về quê. Suốt mấy năm như thế, chuyện tình có hậu bằng một đám cưới nhà binh. Với tổ ấm hạnh phúc, ông Tân dành nhiều thời gian cho việc xã hội. 10 năm liền ông làm bí thư chi bộ tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn).

Đảm đương Trưởng ban liên lạc truyền thống Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, ông có công lớn khi đứng ra cùng đồng đội làm các thủ tục để Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung tá Nguyễn Xuân Sanh, nguyên đội trưởng đơn vị đặc công nước Quảng Đà. Vào Nam ra Bắc tìm kiếm liệt sĩ hay tham gia các hoạt động truyền thống của Lữ đoàn, ông đều năng nổ, tâm huyết, hết lòng vì đồng đội, được mọi người quý mến.

Hai người lính cựu hải quân Nguyễn Đức Hiền và Phạm Duy Tân đã sống những ngày đã qua và hôm nay thanh thản mà vinh quang như vậy đấy.

HỒNG VÂN

.