Khay xôi ngọt giỗ ngoại

.

Mùa này ở miền Trung là mùa mưa dầm. Đường trơn trượt, ướt át. Chỉ nghĩ đến việc phải ra đường trong tiết trời này là ngại. Tan giờ làm, chỉ mong mau mau về nhà. Nhưng mùa mưa cũng lại là mùa giỗ ở quê ngoại. Mà hễ nhớ đến giỗ ngoại, tôi lại nhớ đến khay xôi ngọt (hay còn gọi là xôi đường) mẹ nấu để dành cúng ngoại.

Xôi ngọt. Ảnh: N.Hà
Xôi ngọt. Ảnh: N.Hà

Nhớ những năm còn nhỏ, cũng trong mưa gió tầm tã, tôi theo mẹ gánh đồ về quê giỗ ngoại. Từ nhà tôi về quê ngoại qua nhiều cánh đồng, đường đất lầy lội, trơn như mỡ. Mẹ gánh đi trước, tôi bám theo mẹ phía sau. Hai mẹ con đi rất chậm vì chỉ cần lơ là một chút là chuồi ngay xuống ruộng. Trong đôi quang gánh của mẹ, ngoài những đồ khô như mộc nhĩ, bún tàu, hàng la-ghim mua ở chợ phố để về nấu đám, luôn có một khay xôi ngọt mẹ nấu riêng để cúng bà ngoại.

Mẹ hay nhắc, hồi còn bà ngoại, mỗi lần nhà có giỗ bà ngoại đều nấu xôi ngọt. Và giờ đến giỗ ngoại mẹ lại nấu xôi ngọt để cúng bà. Mẹ chuẩn bị đậu đen, đường bát cả tháng trước ngày giỗ. Và hễ sát ngày giỗ ngoại, lúc mẹ sửa soạn hông đậu, ngâm nếp nấu xôi, tôi cũng nôn nao không kém vì chờ được vét nồi. Với tôi, xôi ngọt cháy ở đáy nồi là thứ gây nghiện. Ai từng một lần thử sẽ nhớ mãi không quên vị ngon khó cưỡng ấy.

Mẹ tôi nấu xôi ngọt rất công phu. Tôi cứ nghĩ, hình như bao nhiêu tâm trí của mẹ trút hết vào nồi xôi ấy, đến nỗi tôi có quanh quẩn bên cạnh, mẹ cũng như không trông thấy. Dù ngày thường, hễ thấy tôi trong bếp, mẹ lại quát đi lên học bài, đừng quẩn chân mẹ. Nhìn cái cách mẹ chăm chú sảy mớ đậu đen, nhặt từng hạt sâu rồi ngâm nước lạnh cho mấy hạt lép nổi lên trên, rồi cuối cùng mớ hạt đậu đều tăm tắp, đen nhức ấy được bắc lên bếp để hầm cho chín, tôi biết mẹ đang nhớ bà ngoại. Nồi đậu bắc lên bếp xong, mẹ quay ra vo mớ nếp hạt tròn mà mẹ cặm cụi sàng sảy cho hết cám, rồi bắc lên bên kia bếp lò nấu xôi.

Trong khi chờ đậu mềm, và nồi xôi chín tới. Mẹ chặt nhỏ bát đường đen, rang nhúm mè, cạo sạch củ gừng và giã mịn để sẵn. Đậu mẹ hầm chừng một giờ là chín mềm mà không nát. Bóp thử hạt đậu trên hai ngón tay, đậu tơi mịn là vừa. Nồi xôi chín và khô được mẹ xới ra cho vào nồi cùng với đậu, đường, gừng và nhanh tay đảo đều. Đây là khâu quan trọng nhất để có một khay xôi ngọt ưng ý. Lửa dưới nồi mẹ để riu riu, vì lửa to quá thì dễ cháy. Đường chín tới là chất kết dính để đậu đen và xôi mềm mượt quyện chặt vào nhau. Mẹ đảo luôn tay chừng mười lăm phút là bắc nồi xuống. Chắc là do quen tay, quen mắt nên mẹ cảm nhận là nồi xôi đã đạt chớ không cần nêm nếm.

Khay nén xôi là cái khay bằng gỗ vuông vức bên ngoài khảm xà cừ hay đựng trầu cau, rượu trong lễ hỏi, lễ cưới, đã được lau sạch và lót lớp lá chuối sứ mẹ đã hơ qua lửa cho mềm. Mẹ một tay múc từng vá xôi cho vào khay, một tay cầm cái khăn sạch nén xôi chặt vào bốn góc khay. Nén càng chặt thì xôi càng kết dính với nhau, khi cắt không bị nát và để cả tháng không bị mốc, mẹ vừa làm vừa giảng giải cho tôi biết.

Một nồi bảy xôi ngọt chỉ nén được một khay là hết. Mẹ rắc mè đã rang lên trên khay xôi ngọt đã nén chặt, rồi cẩn thận cất khay xôi ngọt thơm nức, vàng ruộm những hạt mè béo mẫm vào chạn để mai đưa về quê giỗ ngoại. Phần của tôi là vét xôi cháy dưới đáy nồi. Đây là giây phút tôi mong đợi nhất. Những hạt xôi cháy sém tươm đường thơm ngào ngạt như cuốn lấy tôi. Cạo đến miếng cháy cuối cùng, vẫn còn thèm thuồng và tiếc nuối.

Mỗi năm mẹ tôi chỉ nấu hai lần xôi ngọt là giỗ ông ngoại và bà ngoại. Từ khi đau ốm và đi lại khó khăn, mẹ tôi không còn nấu xôi ngọt giỗ ngoại nữa và thay vào đó là các loại bánh tôi mua. Nhưng cứ hễ gần đến ngày giỗ ngoại, mẹ lại nhắc bà ngoại ưng ăn xôi ngọt lắm. Khi lớn lên tôi hay để ý, mỗi lần về quê giỗ ngoại, trên mâm cúng không có món xôi ngọt như ngày trước mẹ tôi vẫn hay nấu. Rồi tôi lại nghĩ lẩn thẩn, hình như chỉ có con gái mới hay để ý đến cha mẹ mình thích ăn gì.

Và tôi hứa, giỗ ngoại lần này, tôi sẽ thay mẹ đưa xôi ngọt về cúng bà. Dù xôi ngọt mà tôi mua ở chợ vẫn đủ vị, nhưng không thể nào thơm ngon như nồi xôi mẹ nấu cúng ngoại ngày xưa.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.