Đà Nẵng cuối tuần
Minh bạch thông tin với giáo viên hợp đồng
Câu chuyện giáo viên hợp đồng đang là mối quan tâm không chỉ của ngành giáo dục khi một số địa phương đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên, đi kèm theo đó là những câu chuyện về sự thua thiệt, bấp bênh về quyền lợi lao động, những khó khăn để bám trụ với nghề. Với đặc thù riêng, ngành giáo dục vẫn phải sử dụng giáo viên hợp đồng.
Thế nhưng, cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải sòng phẳng với bản hợp đồng để tránh tình trạng khiếu kiện, đòi quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Chính sách minh bạch thông tin với giáo viên hợp đồng của Đà Nẵng giúp ngành giáo dục của địa phương có được nguồn giáo viên hợp đồng ổn định. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: XUÂN SƠN |
Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức vào ngày 24-9-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, tính đến thời điểm ngày 15-8-2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (trong đó bậc mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người.
Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS).
Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như Krông Pắc (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (huyện Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Cũng tại phiên giải trình này, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quy định của Luật Viên chức, tuyển dụng phải công khai, minh bạch, ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký chứ không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng nên giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm.
Trong khi đó, Đà Nẵng dù vẫn sử dụng giáo viên hợp đồng, song bản hợp đồng giữa Sở GD&ĐT và giáo viên đều rất rõ ràng, cụ thể, tránh có sự hiểu lầm về sau. Có thể nói, cách làm của ngành giáo dục Đà Nẵng vừa giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên, vừa không tạo thành điểm nóng như một số địa phương trong cả nước.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, sử dụng giáo viên hợp đồng là một trong hai phương án để ngành GD&ĐT chủ động trong bố trí giảng dạy để bảo đảm không thiếu giáo viên hoặc giáo viên phải dạy tăng, dạy thay quá nhiều.
“Nếu yêu cầu ngành GD&ĐT không hợp đồng giáo viên thì trong thời gian gối đầu giữa hai kỳ thi tuyển viên chức sẽ bị thiếu giáo viên, hoặc là phải tổ chức nhiều đợt thi tuyển viên chức trong một năm rất tốn kém và lãng phí”, ông Vĩnh nhận xét.
Không như một số ngành khác, đội ngũ của ngành giáo dục rất đông và thời gian nghỉ hưu không phải theo định kỳ mà rải đều trong cả năm học. Dù ở Đà Nẵng, Sở GD&ĐT đã tính chỉ tiêu biên chế cho đến hết tháng 12 thì những giáo viên nghỉ hưu từ tháng 12 cho đến hết năm học sẽ là đoạn “hở” ra.
Nếu không tính đến phương án sử dụng giáo viên hợp đồng thì buộc phải bố trí dạy tăng, dạy thay dẫn đến giáo viên phải đảm nhận số lượng tiết quá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, chưa kể đến tình huống giáo viên có quyền từ chối dạy tăng, dạy thay.
“Ngành GD&ĐT và Nội vụ có thể tính toán được số cán bộ, giáo viên nghỉ hưu trong một năm để cân đối chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chúng ta cũng không thể lường hết được số giáo viên xin nghỉ dạy vì các lý do khác như đoàn tụ gia đình, mở các trung tâm hoạt động giáo dục hay làm kinh tế gia đình…
Từ thực tiễn của ngành GD&ĐT thì không thể bỏ hẳn giáo viên hợp đồng, vấn đề là phải bảo đảm cân đối giữa chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên nghỉ hưu và xin nghỉ, cũng như số lượng giáo viên hợp đồng”, ông Nguyễn Đình Vĩnh phân tích.
Không thể “đóng cửa” với giáo viên hợp đồng, nên theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, thì nội dung bản hợp đồng giữa giáo viên và cơ quan có thẩm quyền hợp đồng phải minh bạch thông tin khi thỏa thuận, phải ghi rõ thời gian bắt đầu và chấm dứt hợp đồng.
“Như ở Đà Nẵng, ngành GD&ĐT chỉ hợp đồng trong năm học và kết thúc năm học thì hết thời gian hợp đồng. Giáo viên được hợp đồng cũng hiểu là hết năm học đó thì hợp đồng không có giá trị và phải tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành GD&ĐT như các thí sinh khác chứ không thể nói rằng, một năm qua tôi đã cống hiến đến khi hết năm học thì lại bị bỏ bê là không sòng phẳng với bản hợp đồng đã ký.
Không ai lại đi bỏ vài chục triệu đồng để đổi lấy một công việc có thu nhập thấp trong một thời gian chưa đến 10 tháng cả, đó là tâm lý chung rồi”, ông Vĩnh phân tích.
Một khi minh bạch thông tin như vậy, người lao động sẽ có sự chủ động trong lựa chọn, thì sẽ không thể có điểm nóng từ việc chấm dứt sử dụng lao động đối với giáo viên hợp đồng.
Về quyền lợi, theo như cán bộ quản lý của các trường học, giáo viên hợp đồng cũng được hưởng mọi quyền lợi và tham gia các hoạt động như giáo viên chính thức. Nếu nhìn từ bên ngoài thì không ai phân biệt được giáo viên hợp đồng với giáo viên biên chế cả. “Toàn bộ thời gian dạy hợp đồng của giáo viên, ví dụ như anh dạy từ 1-3 năm hợp đồng thì cũng đều được tính vào thời gian giảng dạy nếu đỗ trong kỳ thi tuyển dụng viên chức.
Nếu đến năm thứ 4 của thời gian dạy hợp đồng, nếu anh trúng tuyển thì đồng thời cũng được nâng lương lên một bậc mới chứ không phải ăn lương khởi điểm. Sở và Phòng GD&ĐT mặc nhiên hiểu rằng, những giáo viên đã từng dạy hợp đồng sẽ có lợi thế là đã có kinh nghiệm đứng lớp cũng như am hiểu các tổ chức hoạt động của nhà trường”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nhận xét.
Hà Trần