Từ trật tự xây dựng đến trật tự đô thị

.

Một năm qua, Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1-11-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Kế hoạch số 10619/KH-UBND ngày 29-12-2017 của UBND thành phố về tăng cường sự lãnh đạo quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động đã được chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ thành phố đến phường, xã.

Trật tự xây dựng, trật tự đô thị từng bước được xác lập, góp phần xây dựng Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp. Tuy vậy, thực tế vẫn còn xảy ra nhiều vi phạm cần phải sớm chấn chỉnh, xử lý…

Trong khi đường Ngô Văn Sở thể hiện vẻ văn minh đô thị, thì ngã ba Vũ Ngọc Phan-Nguyễn Cảnh Chân gần chợ Hòa Khánh gần đó lại rất nhếch nhác. (Ảnh chụp lúc 10 giờ 34 ngày 2-12-2018). Ảnh: V.T.L
Trong khi đường Ngô Văn Sở thể hiện vẻ văn minh đô thị, thì ngã ba Vũ Ngọc Phan-Nguyễn Cảnh Chân gần chợ Hòa Khánh gần đó lại rất nhếch nhác. (Ảnh chụp lúc 10 giờ 34 ngày 2-12-2018). Ảnh: V.T.L

Trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng

Triển khai thực hiện các nội dung nói trên, ông Trần Văn Quảng, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng cho biết, trong năm 2018 đơn vị đã tổ chức khoảng 650 lượt kiểm tra, qua đó xử lý 103 chủ thể có hành vi vi phạm.

Riêng lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng (TTXD), một số trường hợp nổi cộm đã xử lý cưỡng chế tháo dỡ, cụ thể như: Dự án Khu du lịch biển The Song Đà Nẵng (xây dựng một số hạng mục không phép và sai phép, đã thực hiện tháo dỡ xong toàn bộ các hạng mục công trình vi phạm); khách sạn TMS Luxury (xây dựng hồ bơi vi phạm chỉ giới, đã thực hiện xong việc tháo dỡ toàn bộ hạng mục vi phạm)...

“Ngoài ra, công trình nổi cộm hiện nay đang được dư luận quan tâm là công trình Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà xây dựng sai nội dung giấy phép ở một số hạng mục công trình. Hiện nay, UBND thành phố và các cấp, ngành đang thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật, buộc chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai phép”, ông Quảng thông tin.

Ngày 27-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, quy định xử phạt hành chính các vi phạm về TTXD. Ngoài ra, tại Đà Nẵng, UBND thành phố ban hành Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 29-10-2018 về “Quy chế quản lý TTXD trên địa bàn thành phố”.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng nhận định, quy chế này nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố; bảo đảm sự thống nhất giữa Sở Xây dựng, UBND cấp quận/ huyện, UBND cấp phường/ xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm TTXD một cách chặt chẽ, đồng bộ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý TTXD. Trách nhiệm chính trong công tác quản lý TTXD thuộc về UBND các quận, huyện, phường, xã.

Xem nhẹ kỷ cương, cố tình vi phạm

Nhìn chung, vi phạm hành chính về TTXD đều xảy ra trên khắp các quận, huyện của Đà Nẵng. Ở huyện nông thôn Hòa Vang, theo nhận định của ông Ngô Văn Bảy, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện, trong năm 2108, đơn vị phát hiện và xử lý, buộc tháo dỡ 44 trường hợp xây dựng cơi nới nhà ở, dựng lều quán tạm... trong khu quy hoạch và trên đất nông nghiệp, đất xã quản lý.

Ở quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Đây, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 5-11-2018, trên địa bàn quận có 105 trường hợp vi phạm TTXD đã được lập biên bản và tổ chức tháo dỡ theo quy định. Đặc biệt, phường Hòa Khánh Nam có đến 91 trường hợp vi phạm, trong đó nhiều trường hợp cố tình tái diễn nhiều lần dẫn đến số lượng xây dựng trái phép tăng.

Ở quận Ngũ Hành Sơn, số liệu của Phòng Quản lý đô thị cho thấy, trong năm 2018, các lực lượng chức năng của quận và phường đã tiến hành trên 2.300 lượt kiểm tra đối với các công trình xây dựng trên địa bàn quận.

Lực lượng chức năng đã phát hiện và lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính với 59 trường hợp (29 công trình lớn, cao tầng; 30 công trình nhà ở) sai phạm và tổng số tiền thu được trên 1,8 tỷ đồng. Dù đạt được một số kết quả nhất định trong công tác quản lý, kiểm tra xử lý sai phạm trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ công trình vi phạm ở quận Ngũ Hành Sơn vẫn còn cao.

Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, lý giải: “Nguyên nhân trong đó có không ít trường hợp các chủ đầu tư và một số bộ phận nhân dân coi thường, xem nhẹ kỷ cương pháp luật, cố tình vi phạm.

Mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc kiểm tra, tham mưu xử lý ở các dự án, công trình lớn còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, đây cũng là nguyên nhân cơ bản hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến”.

Văn minh đô thị, nhìn từ vỉa hè

Nói về nếp sống văn minh đô thị, nếu việc xây dựng các hạng mục công trình không phép, sai phép hoặc xây dựng, cơi nới nhà ở trái phép như “ẩn số”, chỉ khi kiểm tra mới phát hiện, thì việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh là hình ảnh “nhãn tiền”, bất cứ ai cũng nhìn thấy.

Quận Hải Châu là nơi “căng” nhất về vi phạm trật tự vỉa hè. Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc quận cho hay, năm 2018, đơn vị đã thực hiện mời 111 trường hợp là tổ chức và hộ kinh doanh lên làm việc, cho xem lại hình ảnh vi phạm trật tự vỉa hè, hình ảnh để xe mẫu để các tổ chức, cá nhân làm cơ sở thực hiện nội dung cam kết. Ngoài những nội dung cam kết thì năm nay có thêm một nội dung yêu cầu bố trí người trông, giữ xe, sắp xếp xe vào đúng vị trí.

“Qua theo dõi và quan sát thì các tổ chức và hộ kinh doanh đã thực hiện khá tốt, nhất là các tổ chức doanh nghiệp kinh doanh như: Tài chính, ăn uống cao cấp và các dịch vụ khác…; một số hộ kinh doanh cá thể thường xuyên vi phạm và đã được xử lý nghiêm để răn đe, các lỗi vi phạm nguyên nhân chính là không thuê người trông coi và sắp xếp phương tiện nên để tình trạng khách hàng đến để phương tiện tùy ý, gây ách tắc và mất mỹ quan đô thị”, ông Rân nhận định.

Ở quận Liên Chiểu, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận quản lý công tác trật tự tại 6 tuyến đường và khu vực chợ Hòa Khánh. Ông Nguyễn Đây cho biết, đa số các hộ dân ở dọc theo 6 tuyến đường (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở) đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước như treo hoặc áp bảng hiệu vào tường, không lấn chiếm vỉa hè...

Tuy nhiên, tại 4 tuyến đường chung quanh khu vực chợ Hòa Khánh, vẫn chưa chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh làm mất mỹ quan đô thị. Theo quan sát của phóng viên ở ngã ba Vũ Ngọc Phan-Nguyễn Cảnh Chân vào sáng chủ nhật 2-12 vừa qua, trong khi vỉa hè phía khu vực chợ Hòa Khánh (do ban quản lý chợ quản lý) vẫn giữ được vẻ mỹ quan đô thị nhất định thì vỉa hè phía đối diện và cả lòng đường (do UBND phường Hòa Khánh Bắc quản lý) đã bị lấn chiếm để buôn bán các loại hàng hóa như một chợ quê những năm xa xưa.

Văn minh đô thị không đâu xa, ở ngay vỉa hè đó thôi!

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.