Học giỏi, đâu cần học thêm

.

Với suy nghĩ việc học là tự thân, em Trần Thị Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn) luôn chủ động trong việc tìm tòi, thu thập kiến thức bằng mọi nguồn tư liệu mà không cần đến các khóa học thêm. Ngọc Quỳnh sở hữu danh hiệu học sinh giỏi 4 năm liền ở bậc THCS và là gương mặt nổi bật trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học-kỹ thuật (KH-KT) cùng các hoạt động khác.

Không học thêm, Ngọc Quỳnh vẫn sở hữu thành tích học tập ấn tượng. 	Ảnh: T.L
Không học thêm, Ngọc Quỳnh vẫn sở hữu thành tích học tập ấn tượng. Ảnh: T.L

Nhắc đến Ngọc Quỳnh, nhiều bạn học sinh ở Trường THCS Huỳnh Bá Chánh nhớ ngay đến một gương mặt nữ sinh có thành tích học tập ấn tượng. Suốt 4 năm THCS, Ngọc Quỳnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong đó môn Tiếng Anh của bạn có điểm tổng kết năm học đạt 9,6 điểm. Điều đặc biệt nhất ở Ngọc Quỳnh là em chưa hề đến lớp học thêm nào.

Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Em không đặt nặng vấn đề điểm số, bởi việc học, thu thập kiến thức là có ích cho chính bản thân mình. Để đạt được hiệu quả, không có cách nào khác là chính mình tự nỗ lực. Vì vậy em không đi học thêm mà ở nhà em tự học, tự khai thác kiến thức bằng cách đọc sách, làm bài tập, với những vấn đề em chưa nắm chắc thì em kịp thời bổ sung bằng cách làm thật nhiều bài tập để rút ra kinh nghiệm”.

Ngọc Quỳnh còn được biết đến là học sinh có nhiều sáng tạo KH-KT các cấp với thành tích đạt được khá ấn tượng. Trong 2 năm học từ lớp 8 đến lớp 9, Quỳnh có tới 3 sáng tạo KH-KT, như: sáng chế dép dành cho người già năm lớp 8 đoạt giải nhì cuộc thi KH-KT cấp thành phố.

Năm lớp 9, Ngọc Quỳnh tham gia nghiên cứu đề tài điều chế son môi từ thực vật thiên nhiên, đoạt giải khuyến khích cấp quận. Cũng trong năm học này, đề tài xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường từ mô hình tổ dân phố không rác ở tổ 24, phường Hòa Hải của Ngọc Quỳnh xuất sắc giành giải nhất cuộc thi KH-KT cấp thành phố năm học 2018-2019. Ngọc Quỳnh bảo, trong các đề tài sáng tạo ấy, em tâm đắc nhất là sáng kiến bảo vệ môi trường bằng hình thức xây dựng mô hình tổ dân phố không rác.

Không chỉ đam mê sáng tạo, Ngọc Quỳnh còn tham gia nhiều cuộc thi ý nghĩa khác như hùng biện về tiểu sử danh nhân, giới thiệu về cụ Huỳnh Bá Chánh - danh nhân mang tên trường nơi Ngọc Quỳnh theo học để giới thiệu đến bạn bè khắp thành phố về kiến thức lịch sử cũng như ngôi trường của mình. Ngọc Quỳnh còn tham gia đại sứ văn hóa đọc và đưa ra giải pháp để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đọc.

Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Ở cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc này em kể về cuốn truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là cuốn sách em từng đọc 5 lần. Mỗi lần đọc em có một cảm nhận khác nhau. Tại cuộc thi này em cũng đưa ra nhiều giải pháp như ở cấp độ gia đình, để khuyến khích văn hóa đọc thì mỗi thành viên thường xuyên chia sẻ với nhau về sách hay, tặng nhau sách. Mỗi tháng ông bà, bố mẹ nên dẫn các con đến tiệm sách một lần. Ở trường thì nên đặt các tủ sách để khuyến khích việc đọc.

Em cũng hy vọng thành phố, nhất là Sở VH-TT có thể đặt tủ sách song ngữ Việt - Anh ở các điểm công cộng như công viên, cùng với đó có các pano giới thiệu trích dẫn nội dung sách để du khách và người dân đến vui chơi có thể đọc được. Với việc chọn lựa sách đọc thì các bạn không nên đọc nhiều sách truyện mà thay vào đó đọc các loại sách để nâng cao tri thức”.  

Nói về dự định của mình, Ngọc Quỳnh bảo có lẽ còn quá sớm để quyết định nhưng em rất muốn trở thành một phiên dịch viên để giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam cũng như Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế. Hiện Ngọc Quỳnh cũng đang thử sức mình ở lĩnh vực tiếng Nhật - cũng bằng cách mua sách về tự học!

THIÊN LAM
 

;
;
.
.
.
.
.