Nắng tháng Giêng như mật trải dài trên những bãi bồi trồng bắp ven sông Thu Bồn, sông Vu Gia, như thúc cho những hạt bắp đầy sữa trắng thêm căng mẩy chờ bàn tay người thu hoạch. Lẫn trong tiếng gió lao xao qua những luống bắp đã tới ngày bẻ là tiếng người trò chuyện râm ran, tiếng dao xớt qua những thân cây bắp bén ngọt, rồi tiếng sột soạt của lá bắp già va vào nhau khi gió thổi qua như một bản hòa ca trên các triền sông.
Bắp nếp nướng hay nấu đều có vị ngon riêng. Ảnh: K.E |
Những chiếc xe bò chất trái bắp vỏ xanh cao có ngọn, hối hả băng qua những con đường đất khúc khuỷu chở về đổ thành từng đống trước sân nhà. Những trái bắp nhất, bắp nhì (loại to, hạt chắc) được dành riêng cho các chủ lò bắp để nấu đưa ra bán ở phố. Nhiều người bán bắp nướng đã chờ sẵn để chọn ngay những trái bắp tròn căng, hạt đều tăm tắp mua với giá cao hơn hẳn. Còn lại bắp loại ba, hạt thưa hoặc sâu thì để bán lẻ, hoặc lột vỏ bán mớ cho các hàng chè, hàng xôi.
Những trái bắp nếp đầu mùa hạt nào hạt nấy căng mọng sữa, đều nhưng nhức ấy mà đem nướng trên than hồng là thức quà mà không ai nỡ chối từ. Mùa này, cứ chiều chiều, những lò nướng bắp nếp ở các góc phố cổ Hội An lúc nào cũng đông nghẹt khách chờ mua. Ai chờ mặc ai, bà hàng bắp cứ thong thả quạt than, thi thoảng lại dùng kẹp trở đều mấy trái bắp đang chín vàng trên than hồng, tỏa mùi thơm ngào ngạt, làm khách đi đường không nỡ rời đi. Muốn ăn bắp nướng phải chịu khó chờ, nhưng thời gian chờ đợi ấy không làm người ăn sốt ruột.
Nhìn bàn tay bà hàng thoăn thoắt quạt than, trở bắp cho chín đều trên than hồng nổ lép bép, trái bắp từ màu trắng ngà từ từ chuyển sang màu vàng nhạt, rồi vàng đậm và thơm nức là biết bắp đã chín, sắp ăn được. Nhưng chưa, bà hàng cầm trái bắp đã chín vàng ấy lên, tay kia mở vung chiếc nồi đất để bên cạnh, rồi chậm rãi lấy chiếc muỗng múc hỗn hợp gồm nước muối, hành lá phi sẵn pha vào dầu phụng rưới lên trái bắp đang nóng.
Tiếng xèo xèo rồi mùi thơm của bắp nướng chín quyện với mùi hành phi mặn mòi như chạm vào khứu giác người ngồi chờ khiến bụng dạ cứ nôn nao. Rưới xong nước muối, bà hàng khẽ khàng đặt trái bắp lên vỉ nướng và nhanh tay trở đều trái bắp trên than hồng chừng một phút rồi mới bọc trái bắp vào lá chuối trao cho khách.
Cứ từ từ tách từng hạt bắp nướng bỏ vào miệng nhai. Vị bùi bùi, béo béo quyện lẫn với vị ngọt của sữa bắp dẻo quánh trong miệng, ăn hết trái bắp nướng vẫn còn thòm thèm. Mỗi buổi chiều, bà hàng bán không dưới một trăm trái bắp nướng cho khách mà vẫn không đủ. Chừng bảy giờ tối là bà đã dọn hàng về nghỉ. Nhìn những gương mặt tiu nghỉu của khách đi đường vì chậm chân hết bắp, mới thấy sự quyến rũ của những trái bắp nếp nướng trên than hồng - một trong những thứ kéo người về Hội An. Về để ăn và nhớ hương vị của bắp nếp đầu mùa.
Bắp nếp nướng hay nấu đều có vị ngon riêng. Đến mùa bắp, sáng sớm trên các nẻo đường của Đà Nẵng đã rộn vang tiếng rao của các xe chở bắp bán dạo mời chào khách mua. Chỉ một trái bắp nấu là đủ cho một bữa sáng. Người bán nhớ thói quen của người mua nên chỉ cần thấy mặt là đã dành sẵn mấy trái bắp chín, hạt mềm, như còn nguyên vị sữa. Hôm nào muốn ăn chè bắp, chỉ cần dặn trước người bán quen là ngày mai sẽ có một túi bắp trái đã lột vỏ để sẵn, chỉ việc đem về lấy dao xắt mỏng, là có một nồi chè bắp ngon lành.
Chè bắp dễ nấu, để dành được lâu. Lựa trái bắp hơi non, nhặt hết mớ râu bắp còn vương trên trái rồi lấy dao sắc xắt ngang trên lớp hạt. Xắt hạt bắp càng mỏng thì chè càng ngon. Xắt hết lớp hạt bắp thì lấy cùi cho vào nồi nước nấu chừng 30 phút. Vớt cùi bắp, cho bắp hạt đã xắt vào nồi nước luộc bắp nhanh tay khuấy đều. Khi hạt bắp từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng mơ thì cho đường, dùng đũa cả khuấy cho tan. Tùy theo sở thích muốn ăn ngọt nhiều hay ít thì gia giảm lượng đường cho vừa miệng.
Chè bắp có thể nấu chung với đậu xanh, hoặc cho thêm dừa nạo, và nước dừa. Nhưng muốn ăn chè bắp nguyên vị thì chỉ nên nấu bắp với đường vàng. Chè bắp ăn nóng sẽ rất ngon. Cái dẻo thơm của hạt bắp non quyện với vị ngọt vừa phải của đường như tan trong miệng khi nhai. Chè bắp là món có thể để dành trong tủ lạnh cả tuần ăn vẫn ngon. Khi ăn cho thêm ít đá bào.
Phù sa của con sông Thu hằng năm bồi đắp cho những cồn, những bãi chạy dọc từ đầu nguồn đến cửa Đại. Khi lũ bắt đầu rút thì bà con nông dân ở ven sông bắt tay gieo trồng vụ bắp đông xuân, để cứ vào sau Tết là có bắp nếp đầu mùa. Ở Quảng Nam, loại bắp nếp ngon nhất là bắp Hội An rồi mới đến Đại Lộc, Điện Bàn… Có lẽ phù sa hay dồn về phía hạ lưu nên đất bãi bồi ở Hội An màu mỡ hơn chăng? Chắc vậy nên dân xứ bắp Cẩm Nam - Hội An cứ 16 tháng Giêng hằng năm lại cúng lễ tạ ơn trời đất. Và lễ vật dâng cúng ấy luôn là những trái bắp nếp đầu mùa.
KIM EM