Một đời gắn với hát bội

.

Đêm cuối tháng Giêng, chẳng phải dịp đình đám, lễ hội nhưng người dân khu chung cư Nại Hiên Đông 2 (quận Sơn Trà) lại nghe văng vẳng tiếng trống, tiếng chầu hát bội. Ngờ đâu đó là đêm diễn của các nghệ sĩ để tiễn đưa người nghệ sĩ tuồng của nhân dân - nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô) về cõi vĩnh hằng.

Nghệ sĩ Cẩm Phô (bìa trái) cùng với các nghệ sĩ Đoàn tuồng Sông Thu trước giờ diễn.  (Ảnh do Đoàn tuồng Sông Thu cung cấp)
Nghệ sĩ Cẩm Phô (bìa trái) cùng với các nghệ sĩ Đoàn tuồng Sông Thu trước giờ diễn. (Ảnh do Đoàn tuồng Sông Thu cung cấp)

“Cả một đời cậu Phô gắn với hát bội nên chúng tôi muốn làm điều gì đó cho cậu. Âu cũng là chút tình của những người nghệ sĩ với nhau, nhất là với cậu Phô, cây cổ thụ của làng tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng và là người tôi quý mến như ruột rà. Đêm diễn đặc biệt này, chúng tôi hát lại những trích đoạn nổi tiếng mà cậu Phô từng đóng trước đó”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu bùi ngùi nói.

Cũng theo bà Trang, hiếm thấy ai mê tuồng và nghiêm túc với nghề như NNƯT Văn Phước Phô. Có lẽ “máu tuồng” đã ngấm vào từng huyết mạch khi ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng.

Cả ông nội và cha, mẹ ông đều là tên tuổi nổi tiếng trong làng tuồng xứ Quảng, đặc biệt mẹ ông là con gái của danh ca Chánh Đệ có gánh hát Quảng Hiệp Ban nổi tiếng những năm 1930. Thời đó, ba mẹ ông cùng với tên tuổi của các bậc kỳ tài về nghệ thuật tuồng ở Đà Nẵng như: Đội Tảo, Sáu Lai, Sáu Lê, Ngô Thị Liễu, Phó Sơn, Phó Thủ… làm mưa làm gió ở các sân khấu tuồng.

Sau này, với những gì học được của lớp nghệ sĩ đi trước, ông cùng nghệ sĩ Quang Nhiều (Nguyễn Đình Nhiều) thành lập CLB Tuồng Xuân Hà. CLB của ông ngày ấy, những năm sau 1975 khá được lòng khán giả. Mỗi buổi diễn, người dân phường Nam Dương kéo nhau đi xích-lô lên hàng loạt, bà con ở chợ Mới đi xe lam, người dân bên quận Ba đi phà qua sông Hàn rồi thuê xe thồ lên coi hát.

Sau này, vì nhiều lý do, CLB tuồng Xuân Hà tan rã và vào năm 1992, nghệ sĩ Cẩm Phô về làm Phó Chủ nhiệm CLB Tuồng thành phố Đà Nẵng do Ban Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) quản lý.

“Tôi với cậu Phô không bà con, nhưng cậu rất thân thiết với gia đình tôi, là bạn diễn cùng thời với cha mẹ tôi là cặp nghệ nhân tuồng Ngọc Huệ - Diệu Thông. Năm 1997, khi chia tách tỉnh, CLB Tuồng Đà Nẵng do cậu Phô làm trưởng đoàn được giao về tỉnh Quảng Nam và được ông Nguyễn Quỳnh, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - đứng ra nhận về cho huyện với tên gọi là Đoàn tuồng Sông Thu thì gia đình tôi được nhận về hát cho đoàn. Tình cảm cứ thế vun đắp. Cậu Phô làm trưởng đoàn được thời gian thì đến năm 2010 giao lại cho tôi, cậu lui về làm cố vấn”, bà Thu kể lại.

Theo những nghệ sĩ trong nghề, suốt một đời gắn bó với tuồng, NNƯT Văn Phước Phô cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ông diễn đủ loại vai: kép chính, vai hài, vai nịnh... bởi nhiều người khi đã thành danh với các vai kép chính thì không “hạ mình” diễn các vai phụ. Nghệ sĩ Thu Trinh, Đoàn tuồng Sông Thu nhớ lại, có một lần đoàn diễn ở Duy Xuyên, đến phút chót thì một vai nam chính xin rút, cả đoàn nháo nhào không biết phải làm sao, đành gọi “cầu cứu” cậu Phô (tên thân mật mà các nghệ sĩ đoàn tuồng Sông Thu gọi NNƯT Cẩm Phô – PV). Từ Đà Nẵng, cậu Phô chạy xe máy một mình vô Duy Xuyên để sát cánh cùng các nghệ sĩ.

Sau này, khi tuổi đã cao, NNƯT Cẩm Phô không có nhiều cơ hội để đi diễn ở những vùng quê Quảng Nam cùng Đoàn tuồng Sông Thu và Đoàn tuồng Tam Kỳ (do nghệ sĩ Lệ Thu, cháu gọi ông bằng cậu ruột làm trưởng đoàn). Ông thỉnh thoảng làm cố vấn nghệ thuật cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong các vở tuồng dân gian cho đỡ nhớ nghề.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, vở diễn Lâm Trọng Hoàng (hay còn gọi tên khác là Mái tóc người vợ hiền) là vở tuồng dân gian gần đây của nhà hát được công chúng đặc biệt yêu thích. Chính nhà hát đã mời NNƯT Cẩm Phô làm cố vấn cho vở này.

Theo ông Tuấn, tài năng của NNƯT Cẩm Phô và kinh nghiệm mấy chục năm đi diễn trong dân gian đã giúp nghệ nhân này nắm bắt “thị hiếu” của công chúng và có những điều chỉnh phù hợp cho các vai diễn nên chạm đến trái tim của khán giả. “Sự ra đi của NNƯT Cẩm Phô là một mất mát lớn của nghệ thuật tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông cũng là tấm gương yêu nghề, tận tâm với nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên đi theo con đường nghệ thuật truyền thống noi theo”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, nghệ sĩ Thu Trang cho biết, vì thương Đoàn tuồng Sông Thu vẫn dốc hết mình cho từng đêm diễn nhưng số tiền kiếm được có khi không đủ bù cho kinh phí bỏ ra, NNƯT Cẩm Phô có ý định viết riêng cho Đoàn tuồng Sông Thu một kịch bản ngắn, ít vai diễn, phù hợp với nhóm diễn gia đình hiện có của mấy anh chị em Thu Trang, phòng khi các đơn vị chi trả kinh phí thấp không có tiền trả cho nhiều diễn viên hoặc không kiếm ra diễn viên cho đoàn.

“Cậu đang viết dang dở thì ngã bệnh và ra đi mãi mãi. Nhưng tình cảm đó chúng tôi luôn giữ và làm động lực để lưu giữ nghệ thuật tuồng dù biết đó là con đường đầy chông gai - nhất là với những đoàn tuồng tư nhân”, nghệ sĩ Thu Trang nói.

Nghệ sĩ Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô) sinh năm 1942 (quê Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình giàu truyền thống về nghệ thuật tuồng. Với những cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2016. Nhiều năm qua, ông sống tại căn hộ trong chung cư Nại Hiên Đông 2 (quận Sơn Trà). Ông mất vào tháng 2-2019 sau thời gian mang bệnh.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.